Quan hệ Mỹ-Đức được đánh giá là có chiều hướng đi xuống trong khoảng thời gian Tổng thống Donald Trump nắm quyền.
Do đó, trong cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel, giới quan sát nhận định bà Merkel sẽ nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương này để đánh dấu một cái kết trọn vẹn cho nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày hôm nay, 15/7. |
Theo các nguồn tin của chính phủ Mỹ, Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề cấp bách như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh quốc tế… dựa trên các giá trị chung của hai quốc gia.
Thách thức còn đó
Tuy nhiên, cuộc gặp chỉ là màn khởi đầu cho sự nồng ấm của quan hệ Mỹ-Đức khi mà mối quan ngại của Mỹ về liên hệ Đức- Nga-Trung vẫn luôn thường trực.
Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tập hợp lực lượng nhằm đối trọng với Trung Quốc và có mối quan hệ không mấy mặn mà với Nga, việc Đức xúc tiến dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic và ủng hộ các hợp tác thương mại với Trung Quốc khiến cho Washington “tức giận”.
Trong khi đó, bà Merkel, một lãnh đạo có tính thực tế, chỉ coi đường ống là một dự án mang tính kinh tế với Nga không hơn không kém và việc bà ủng hộ các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ càng khiến cho việc thiết lập tiếng nói chung trở nên khó khăn hơn.
Rõ ràng, việc khôi phục quan hệ Mỹ-Đức trở lại bình thường vẫn còn đối mặt với nhiều trở ngại. Bởi xét cho cùng, Mỹ vẫn đang kêu gọi Đức tăng chi tiêu quốc phòng phù hợp với mục tiêu 2% GDP đã được đề ra tại thượng đỉnh NATO năm 2014 và yêu cầu Đức chủ động hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và sẵn sàng tham chiến.
Hơn nữa, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, Đức và Mỹ đã có màn đọ sức trong cuộc đua tìm mua khẩu trang và liều lượng vaccine.
Do đó, sự hòa hợp trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Xích lại gần nhau
Cho đến nay, Mỹ và Đức được coi là những đối tác chính trị với nhiều lợi ích chung và cả hai bên đều đang cố gắng thu hẹp “khoảng cách khác biệt” trước thềm cuộc gặp.
Về phía Mỹ, ông Biden đã nỗ lực dịch chuyển sự chú ý khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để tập trung tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Một mặt, Mỹ muốn biết rằng họ có thể dựa vào một đối tác châu Âu có sức ảnh hưởng và sự ổn định trong thời điểm địa chính trị trên thế giới đang thay đổi. Mặt khác, họ đòi hỏi ở Đức một mối quan hệ đối tác song phương “lâu dài và bền chặt” cho những mục tiêu đường dài.
Về phía Đức, do sắp rời chiếc ghế thủ tướng nên bà Merkel có thể sẽ không tập trung vào những vấn đề mang tính dài hạn. Vì vây, nhiều khả năng Thủ tướng Đức sẽ kêu gọi Mỹ nới lỏng chính sách hạn chế đi lại đối với người châu Âu.
Theo nhận định của chuyên gia Markus Kaim thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP), Thủ tướng Đức khó có thể thay đổi cục diện mối quan hệ do số ngày cầm quyền còn lại ít ỏi.
Hơn nữa, phía Mỹ quan tâm nhiều hơn đến “khoảng trống chính trị” mà bà Merkel sẽ để lại sau khi bà kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức có mối quan hệ cá nhân khá thân thiện. Khi gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh, ông Biden đã hết lời ca ngợi bà Merkel và gọi bà là nhà lãnh đạo ở châu Âu mà ông ngưỡng mộ nhất.
Do đó, cuộc gặp mặt của bà Merkel với ông Biden vào ngày 15/7 rất có thể sẽ diễn ra theo chiều hướng hòa hữu, cùng những cử chỉ thân thiện và lời nói ấm áp.
| Đức: Đàm phán với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2 có tiến triển Hãng DPA ngày 14/7 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng, cuộc đàm phán với Mỹ về đường ống Dòng chảy ... |
| Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Dòng chảy phương Bắc 2 và Trung Quốc - chướng ngại khó vượt? Nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng vào ... |