📞

Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Chuyến đi 'một công nhiều việc'

TS. Vũ Đăng Minh 16:46 | 11/04/2024
Ngày 8/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại Mỹ, với nhiều mục đích, mục tiêu, cả trong quan hệ song phương và đa phương, cả tầm khu vực và toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân chào đón Thủ tướng Kishida Fumio và phu nhân tại Nhà Trắng ngày 9/4. (Nguồn: Bloomberg)

Lịch trình của Thủ tướng Kishida Fumio kín các sự kiện lớn: hội đàm với Tổng thống Joe Biden, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ-Nhật-Philipines, thăm tiểu bang Bắc Carolina - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp xứ mặt trời mọc…

Chuyến thăm “một công nhiều việc” quan trọng, cả quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và khoa học công nghệ... Quốc phòng - an ninh là một trọng tâm. Mỹ hiện có khoảng 54.000 binh sĩ, 23 căn cứ quân sự ở Nhật Bản (nhiều nhất ở ngoài lãnh thổ), nhưng cơ chế phối hợp phải thông qua Bộ chỉ huy quân sự Mỹ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Hawaii.

Hai bên sẽ trao đổi, thỏa thuận tái cơ cấu, mở rộng chức năng Bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản, tạo tiền đề hướng tới một “Bộ chỉ huy tác chiến chung” và có thể tích hợp một lực lượng chung, nâng cao khả năng răn đe, kịp thời ứng phó các tình huống phức tạp, bất ngờ. Mỹ và Nhật Bản hợp tác chế tạo, xuất khẩu thiết bị quân sự; chia sẻ tin tình báo… Đây là bước nâng cấp lớn nhất của liên minh quốc phòng - an ninh Mỹ-Nhật trong nhiều thập niên qua.

Tokyo và Washington trao đổi, thỏa thuận các vấn đề quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ, như đầu tư, sản xuất chất bán dẫn, chuỗi cung ứng chip, trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ… Đây là các lĩnh vực mũi nhọn của Mỹ và Nhật Bản, nhưng có khả năng Trung Quốc và một số nước sẽ vượt lên. Hai nước có tiềm năng, nhu cầu mở rộng, nâng tầm hợp tác, nhưng cũng phải tháo gỡ rào cản như vụ công ty Nippon Steel mua lại công ty US Steel hoặc Tokyo đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp…

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ-Nhật-Philippines trao đổi về quan hệ hợp tác nhiều mặt và các vấn đề quan tâm trong khu vực. Trên cơ sở quan hệ kinh tế, lịch sử, quốc phòng, an ninh song phương, hội nghị sẽ thúc đẩy quan hệ đồng minh, đối tác ba bên; chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; thảo luận tuần tra chung hải quân, diễn tập chung, chia sẻ tin tình báo, hỗ trợ nâng cao năng lực bảo đảm an ninh trên biển… Các hiệp ước an ninh song phương (Mỹ-Nhật, Mỹ-Philippines) được cho là cơ sở để hướng tới một liên minh “tay ba”, nhưng có thể không định danh rõ như Bộ tứ (Quad) hay “liên minh tàu ngầm” (AUKUS).

Thông điệp quan trọng

Thứ nhất, Nhật Bản thay đổi mạnh mẽ chính sách quốc phòng, an ninh, nâng tầm vị thế quốc gia. Thủ tướng Kishida cho rằng xung đột ở Ukraine, khu vực Trung Đông và nguy cơ tiềm ẩn ở nhiều nơi khác cho thấy căng thẳng địa - chính trị gia tăng, môi trường an ninh quanh Nhật Bản ngày càng nguy hiểm, phức tạp, buộc Tokyo phải thay đổi chính sách, chiến lược phòng vệ.

Từ năm 2021, Thủ tướng Kishida dự định tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027; tích cực tham gia các hoạt động, hợp tác quốc phòng, an ninh với đồng minh, đối tác; mở rộng xuất khẩu thiết bị quốc phòng, nâng cao năng lực tác chiến, khả năng răn đe và phản ứng với các thách thức.

Cùng với đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo… với các đồng minh, đối tác, đặc biệt là Mỹ, nhằm nâng cao vị thế, ảnh hưởng ở khu vực và trên thế giới; qua đó ghi điểm với cử tri trong nước trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ nội các chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, giá cả leo thang và vụ bê bối gây quỹ của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP)…

Thứ hai, khẳng định vai trò, sức mạnh, sự bền vững, lâu dài và nâng tầm mối quan hệ liên minh Nhật Bản - Mỹ trên toàn cầu. Nhật Bản định vị Mỹ là đồng minh lâu đời, đối tác chiến lược toàn diện, hàng đầu ở khu vực và trên toàn cầu. Đối với Mỹ, Nhật Bản giữ vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; vừa là hậu phương bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, vừa là chiến trường sẵn sàng triển khai lực lượng răn đe, đối phó với các đối thủ ở khu vực. Hai nước rất cần nhau, có nhiều lợi ích chung, có tiềm năng hợp tác về quốc phòng, an ninh, bổ trợ nhau về kinh tế, khoa học, công nghệ…

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên và cũng là lần phát biểu đầu tiên tại Quốc hội Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản sau chín năm kể từ lần công du của Thủ tướng Abe Shinzo tháng 4/2015. Qua chuyến thăm này, Washington và Tokyo muốn chứng tỏ mối quan hệ song phương phát triển rộng, sâu, hiện đại, bền vững lâu dài và “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Diễn ra vào thời điểm chuyến thăm trước bầu cử Mỹ hơn sáu tháng, hai nhà lãnh đạo khẳng định Washington và Tokyo có vai trò rất quan trọng trong duy trì trật tự thế giới tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền; tự tin thúc đẩy vai trò dẫn dắt trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Quan hệ liên minh đang chứng tỏ “vững như bàn thạch”, không phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.