📞

Thủ tướng Nhật công du Iran: Tốt người, lợi mình

Chu Văn 10:32 | 13/06/2019
TGVN. Trong lúc căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Tehran với hy vọng trung gian hòa giải và thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Tehran. Liệu chuyến công du của vị "thuyết khách" đến từ xứ sở mặt trời mọc có như mong đợi? Phân tích của TG&VN.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm đến Iran từ 12-14/6. Đây là chuyến thăm Iran đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm trong hơn 4 thập kỷ qua. 2019 cũng là năm hai nước kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Sứ mệnh trung gian

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Iran lâm vào tình thế đối đầu căng thẳng với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA hồi năm ngoái. Không những vậy, Mỹ còn tái áp đặt các lệnh trừng phạt và đưa quân tới khu vực, gây sức ép về kinh tế và quân sự lên Tehran, trong đó có việc buộc các đồng minh như Nhật Bản ngừng mua dầu của Iran.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Abe hội kiến Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani. Tại các cuộc gặp, ông Abe đều nhấn mạnh tầm quan trọng của JCPOA, ngay cả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và Iran tháng trước tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong điều khoản.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Tokyo cuối tháng 5, Thủ tướng Abe đã bày tỏ mong muốn tạo điều kiện để Washington và Tehran tiến hành đàm phán, giúp mọi chuyện không bị chệch hướng cũng như không kéo theo một cuộc đối đầu quân sự tại Trung Đông. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định trong một tuyên bố: “Điều quan trọng nhất ở đây là chúng tôi kêu gọi Iran, với tư cách cường quốc khu vực, tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và đóng vai trò xây dựng đối với sự ổn định trong khu vực”.

Có thể thấy, căng thẳng gần đây giữa Mỹ - Iran đã đẩy Nhật Bản vào thế khó khi Washington là một đồng minh hàng đầu, còn Tehran là nguồn nhập khẩu dầu quan trọng của Tokyo. Michael Bosack, chuyên gia tại Hội đồng Yokosuka Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, nhận định Thủ tướng Abe không đưa ra yêu cầu với Iran hay chuyển thông điệp hộ Mỹ, mà tiếp cận quốc gia Hồi giáo với tư cách một nhà hòa giải trung lập. “Nhật Bản không mang theo bất cứ nội dung lịch sử hay tôn giáo nào, thay vào đó thể hiện con đường riêng trong chính sách Trung Đông”, ông Bosack nói với AFP.

Các yếu tố trên giúp Thủ tướng Abe dễ tiếp cận với Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei hơn, đồng thời khiến các chính trị gia có tư tưởng cứng rắn ở Iran dễ chấp nhận các đề xuất của Nhật, thay vì chuốc lấy chỉ trích vì chấp nhận giải pháp của phương Tây.

Tìm thành tựu mới

Ở khía cạnh khác, Nhật Bản không chỉ là nhà hòa giải Mỹ - Iran, mà Tokyo còn có lợi ích riêng của mình trong vấn đề này. Trước tiên, Nhật Bản rất quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn cung năng lượng ở khu vực này, nên tình trạng căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sẽ gây thiệt hại cho Tokyo.

Bên cạnh đó, chuyến công du lần này góp phần giúp ông Abe khẳng định vai trò thuyết khách quốc tế, nâng tầm hoạt động ngoại giao của Nhật Bản trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka cuối tháng 6 này. Hiện tại, các nỗ lực của Nhật Bản nhằm giải quyết tranh chấp Vùng lãnh thổ phương Bắc/ Quần đảo Kuril với Nga đang bế tắc. Cùng lúc, Nhật Bản cũng rất “đau đầu” xử lý thách thức an ninh từ nước láng giềng Triều Tiên. “Thủ tướng Abe cần đạt được một thành tựu mới trong lúc đang gặp khó khăn quan hệ với Nga và Triều Tiên”, Giáo sư Tetsuo Kato (Đại học Waseda) nhận định.

Tuy nhiên, ông Seyyed Hossein Naghavi-Hosseni, đại diện Ủy ban Đối ngoại - An ninh của Quốc hội Iran, cho rằng hiện chưa có những điều kiện phù hợp cho đối thoại Washington - Tehran. Theo quan chức này, những hành động của Mỹ tạo ra sự ngờ vực đến mức bất kỳ cơ quan nào tại Iran đều không tin vào sự cần thiết của đàm phán. Trên Sputnik, viện dẫn việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn, ông Naghavi-Hosseni hoài nghi: “Đâu là sự đảm bảo rằng nếu Iran nối lại đàm phán với Mỹ và đạt được thỏa thuận, thì họ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình?”.

Trong khi đó, nước Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. Ông chủ Nhà Trắng cần phải kiếm thêm điểm trên lĩnh vực đối ngoại nhằm phục vụ cho chiến dịch bầu cử và các hoạt động chính trị của mình. Thế nên, ông Trump đang “gây áp lực tối đa” với Iran để đạt được những mục tiêu này. Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng với mô-típ hành xử như vậy, Tehran chưa sẵn sàng đối thoại. Rõ ràng Iran sẽ không đơn giản chấp nhận ngồi lại vào bàn đàm phán sau khi hứng chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt, càng không phải sau khi ký vào một thỏa thuận lịch sử với người tiền nhiệm của Trump để bây giờ chứng kiến nó bị xé nát.

Từ những phân tích trên, giới quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Iran lần này của Thủ tướng Nhật Bản sẽ giúp “hạ nhiệt” đáng kể quan hệ Washington – Tehran. Trên thực tế, Nhật Bản cũng chưa từng đóng vai trò đáng kể trong các vấn đề Trung Đông. Trong vai trò nhà trung gian hòa giải, ông Abe được cho là chỉ đang thực hiện ngoại giao con thoi để phần nào thúc đẩy các kênh liên lạc nhằm giảm khả năng xung đột quân sự.