📞

Thượng đỉnh G7: Cơ hội cuối cùng cho phương Tây?

Phan Quân 20:00 | 09/06/2021
Liệu Thượng đỉnh G7 có thể đạt kết quả thực chất, hay lại chỉ là cuộc hàn huyên mùa dịch giữa giới lãnh đạo phương Tây trước khi ‘ai về nhà nấy’?

Từ lâu, hàng tá bức ảnh, với vô vàn thông cáo dài dòng đã là mẫu số chung của những cuộc thượng đỉnh quốc tế. Thượng đỉnh G7, hay Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, lần thứ 47 diễn ra ngày 11-13/6 tại Carbis Bay, Cornwall, Tây Nam nước Anh liệu có khác?

Lãnh đạo các nước G7 sẽ tụ hội ở Anh để tham dự Thượng đỉnh cuối tuần này. (Nguồn: Sky News)

Khẳng định bản thân

Với Thủ tướng chủ nhà Boris Johnson, đã đến lúc để xóa tan mọi nghi ngờ về năng lực lãnh đạo, chứng minh ông có thể tổ chức thành công thượng đỉnh quốc tế tầm cỡ. Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để London thể hiện rằng “Vương quốc Anh toàn cầu” không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu.

Với nước Mỹ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống là dịp để ông Joe Biden khẳng định rằng nước Mỹ đã trở lại. Viết trong bài báo trên The Washington Post ngày 5/6, ông nhấn mạnh sẽ kêu gọi “các nền dân chủ trên thế giới” chống lại ảnh hưởng từ Nga và Trung Quốc.

Theo dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ gặp song phương với Thủ tướng Anh. Sau đó, ông sẽ tham dự ba cuộc thượng đỉnh liên tiếp với các đồng minh gồm G7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Cuối cùng, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ. Ông được kỳ vọng là sẽ truyền tải thông điệp chung của phương Tây, thể hiện sự cứng rắn cần thiết trước Nga.

Tương tự, thành công của Thượng đỉnh G7 lần thứ 47 sẽ là bằng chứng không thể đanh thép hơn, phủ nhận quan điểm của Thời báo Hoàn cầu (thuộc Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), cho rằng phương Tây đang “tuột dốc không phanh”. Nó sẽ tái khẳng định rằng phương Tây hoàn toàn có đủ năng lực để dẫn dắt thế giới.

Carbis Bay, Cornwall (Anh) được lựa chọn để tổ chức Thượng đỉnh G7. (Nguồn: Cornish Stuff)

Vượt lên chính mình

Song nói thì dễ, làm lại khó. Một trong những thách thức lớn nhất tới G7 đến từ hiện diện của các quốc gia thành viên trong nền kinh tế thế giới. Theo chuyên gia Renata Dwan của Chatham House, viện nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh), trong thập niên 1970, G7 chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội trên toàn thế giới. Giờ đây, con số này chỉ còn 40%.

Khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008, thế giới cần một nhóm các quốc gia lớn hơn để cứu vãn nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), bao gồm thành viên G7, cùng một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Thành công của G20 trong điều phối, triển khai các cam kết chung, đưa thế giới tránh khủng hoảng đã khiến nhiều người cho rằng G7 đã hết thời. Ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ nhận định mô hình G7 đã lạc hậu.

Song người kế nhiệm ông thì không. Cam kết mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong đối phó với Nga và Trung Quốc đã tạo một động lực mới cho sự tồn tại của G7.

Tuy nhiên, câu chuyện về cấu trúc còn đó: G7 không còn đại diện cho phần lớn nền kinh tế thế giới, với phần lớn các quan tâm chủ yếu tập trung ở châu Âu. Đó là lý do cho sự góp mặt của bốn khách mời tại Thượng đỉnh G7 lần này - Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc, ba trong số đó đến từ châu Á.

Điều này đánh dấu thay đổi lớn của G7, chuyển một phần trọng tâm sang khu vực này nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Renata Dwan của Chatham House, viện nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh), trong thập niên 1970, G7 chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới. Giờ đây, con số này chỉ còn 40%.

Song sẽ là sai lầm nếu G7 cố gắng phủ nhận vai trò của Bắc Kinh. Nhiều vấn đề trọng tâm của nhóm, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu tới thương mại, cần sự hợp tác của Trung Quốc. Thiếu vắng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giải quyết những thách thức toàn cầu này là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong bối cảnh đó, G7 sẽ có cách tiếp cận thực tế hơn, thúc đẩy các thỏa thuận toàn cầu, mới đây là về mức thuế tối thiểu với các tập đoàn. Thỏa thuận này sẽ được các nhà lãnh đạo ký kết tại Thượng đỉnh G7 tới, trước khi trở thành một phần trong nghị trình tại Thượng đỉnh G20 năm nay.

Một câu hỏi quan trọng khác tại Cornwall cuối tuần này là liệu các thành viên G7 có thể đề xuất và triển khai các sáng kiến thực tế, thay vì nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu chung chung như tiêm chủng toàn cầu, phát thải bằng 0 hay “thương mại tự do và công bằng”.

Về dịch Covid-19, G7 cần tăng cường ngân sách chương trình tiêm chủng toàn cầu COVAX. Mỹ và Anh sẽ đứng trước áp lực hỗ trợ vaccine Covid-19 cho các nền kinh tế đang phát triển, dù chưa hoàn thành tiêm chủng trong nước. Về mặt đối nội, đây sẽ là bước đi khó khăn. Tuy nhiên, trong một chiến lược tổng thể nhằm khôi phục vị thế dẫn dắt của phương Tây, điều này là cần thiết. Bằng không, đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc nắm thế chủ động chương trình tiêm chủng toàn cầu.

Về chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới và nỗ lực của một mình G7 là không đủ để thay đổi hiện trạng này. Tuy nhiên, nhóm có thể tìm đồng thuận trong một số sáng kiến chung như chấm dứt trợ cấp dành cho công nghiệp than đá, qua đó thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu trước thềm Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11 tới.

Đại dịch Covid-19 toàn cầu tạo ra nhiều thách thức với G7. Song cuộc khủng hoảng này cũng là dịp hiếm hoi để nhóm thể hiện khả năng dẫn dắt và G7 cần nắm bắt thời cơ có một không hai này.

(theo Financial Times)