Lần đầu tiên cuộc gặp G7 diễn ra mà không có sự tham gia của Nga sau 17 năm. |
Mũi nhọn hướng về Nga
Đây là lần đầu tiên cuộc gặp G7 diễn ra mà không có sự tham gia của Nga sau 17 năm, kể từ khi nước này trở thành thành viên năm 1997. Quyết định này được đưa ra hồi tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý trước sự phản đối mạnh mẽ của phương Tây, dù Nga năm nay là Chủ tịch của G8. Đây là một thông điệp rõ ràng được Tổng thống Mỹ Obama và phương Tây gửi tới Tổng thống Nga Putin, sau khi thưởng thức “món ăn” Crimea mà ông Putin “thết đãi” trên bàn tiệc quốc tế.
Mặt khác, cuộc gặp giữa Obama và Tổng thống mới của Ukraine, ông Petro Poroshenko không chỉ chứng tỏ sự hậu thuẫn của Mỹ đằng sau Ukraine mà còn là một lời cảnh báo. Thông điệp của Mỹ và phương Tây là các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản với các quan chức cấp cao của Nga và Crimea mới chỉ là những bước mở đầu, các biện pháp đe dọa trừng phạt kinh tế và thương mại sắp tới sẽ còn mạnh mẽ hơn nếu Moscow tiếp tục có những hành động bị coi là gây bất ổn.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 đối với Nga khá thẳng thắn, rằng “Các thôn tính bất hợp pháp Crimea của Nga, và các hành động gây bất ổn phía đông Ukraine là không thể chấp nhận và phải dừng lại”. Còn Tổng thống Pháp François Hollande thì đề cập theo kiểu “vừa đấm, vừa xoa” khi cho rằng “các nước G7 đã sẵn sàng để nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và đưa vào thực hiện nhằm đảm bảo rằng Nga không có các tấn công mới”, và rằng “đối thoại và sự xuống thang nên được khuyến khích”.
Việc Mỹ và EU phản ứng như trên xuất phát từ một số nguyên nhân: Thứ nhất, họ cần loại bỏ Nga ra khỏi G8 vì vừa để giữ thể diện cho mình, vừa tìm cách răn đe Nga và các nước khác không có hành động tương tự trong tương lai. Thứ hai, phương Tây không dám làm mạnh tay vì thấy vẫn cần và có thể lôi kéo Nga vào việc giúp làm giảm căng thẳng ở Đông Ukraine, cũng như sự hợp tác của Nga trong các hồ sơ Iran và Syria. Việc Tổng thống Putin được mời tham dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của Mỹ, Anh tại Normandy (Pháp) trong Thế chiến II (1944-2014) và gặp một loạt nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây cho thấy rõ điều này.
Nói không với đe dọa
Đáng chú ý, lần đầu tiên G7 có tuyên bố chung về Biển Đông, trong đó nhấn mạnh sự “quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”, khẳng định sẽ “chống lại bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc vũ lực”, và “ủng hộ quyền tìm kiếm giải pháp để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và phù hợp với luật pháp quốc tế của các bên yêu sách”.
Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng tuyên bố chung của G7 là nhằm đến nước này, tác nhân chính gây ra các căng thẳng và bất ổn trên Biển Đông hiện nay. Động thái trên của G7 xuất phát từ một số tính toán sau:
Thứ nhất, G7 lo ngại việc làm của Trung Quốc không chỉ đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông mà còn đe dọa đến an ninh và ổn định của toàn bộ khu vực Đông Á. Hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam được thực hiện ngay sau Tuyên bố đơn phương thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông tháng 11/2013, và nếu không được ngăn chặn thì có thể đưa đến các bước đi tiếp theo, thậm chí còn quyết đoán và nguy hiểm hơn. Thứ hai, G7 thể hiện trách nhiệm của mình trước các vấn đề lớn của thế giới, đó là đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới và luật pháp quốc tế phải là công cụ chủ yếu để xử lý quan hệ giữa các quốc gia.
Tuyên bố này của G7 có thể chưa trực tiếp giải quyết được tranh chấp, nhưng là tín hiệu mạnh mẽ nhất của cộng đồng quốc tế từ trước đến nay phản đối việc sử dụng sức ép để đe dọa và làm thay đổi nguyên trạng tranh chấp trên Biển Đông.
Nhìn chung, tuy Crimea và Biển Đông là hai vấn đề khác nhau, nhưng thông điệp của G7 khá tương đồng ở một điểm. Đó là sự mong muốn các nước lớn xử sự có trách nhiệm và tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều có thể giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế. Chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tính toán kỹ hơn các hành động của mình và không thể tiếp tục đi ngược lại mong muốn và nguyện vọng của cộng đồng quốc tế như thời gian qua.
Nguyễn Trâm AnhViện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao