Nhỏ Bình thường Lớn

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Khi vũ khí không gian mạng ‘vượt mặt’ vũ khí hạt nhân

Trước đây, quan hệ Nga-Mỹ phần lớn xoay quanh căng thẳng về vũ khí hạt nhân nhưng hiện nay hai nước lại chuyển quan tâm sang vấn đề hiện đại hơn: vũ khí không gian mạng.

Trong 70 năm qua, các cuộc hội đàm giữa các đời tổng thống Mỹ với lãnh đạo Liên Xô cũ, sau này là Nga luôn bị chi phối bởi một mối đe dọa chung: vũ khí hạt nhân.

Đây là vũ khí mà hai bên đã tích lũy từ những năm 40 của thế kỷ trước, dùng làm phương tiện thị uy và có thể là để hủy diệt lẫn nhau nếu như sự đe dọa ấy thất bại.

Vũ khí không gian mạng được coi là một trong những vấn đề nóng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: Financial Times)
Vũ khí không gian mạng được coi là một trong những vấn đề nóng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: Financial Times)

Nhưng hiện nay, các quốc gia đã chuyển hướng quan tâm sang vũ khí không gian mạng. Những công cụ răn đe truyền thống của thời đại hạt nhân không còn hiệu quả trong bối cảnh không gian mạng xuất hiện nhiều kẻ tấn công ẩn danh và khó quy trách nhiệm.

Chính vì vậy, chủ đề này lần đầu tiên được đặt vào trọng tâm của cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin diễn ra tại Geneva hôm 16/6 vừa qua.

Cạnh tranh kiểu mới

Suốt 10 năm qua, Nga và Mỹ đã vướng vào một cuộc cạnh tranh công nghệ căng thẳng và các cuộc xung đột trên không gian mạng nổ ra liên tục như chuyện thường ngày. Nhưng tại các cuộc họp thượng đỉnh, vấn đề này thường không được đưa vào các chương trình nghị sự chính.

Tuy nhiên, cục diện giờ đã khác. Nước Mỹ thời gian qua đã phải hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công mạng bằng mã độc nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống dẫn nhiên liệu của Colonial Pipeline, Tập đoàn sản xuất thịt JSB, đến hệ thống máy tính của các bệnh viện, dịch vụ y tế... Những cuộc tấn công này cho thấy hệ thống an ninh mạng của Mỹ đang tồn tại nhiều lỗ hổng nguy hiểm.

Đối với ông Biden, vũ khí hạt nhân vẫn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu. Các trợ lý của ông cho biết, hai tổng thống đã dành nhiều thời gian để tranh luận về “các chiến lược ổn định”, ám chỉ việc kiềm chế leo thang vũ khí hạt nhân.

Nhưng với vấn đề an ninh mạng, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh và thượng đỉnh với NATO ở Brussels trước đó, ông Biden đã nói với các đồng minh của mình rằng ông Putin sẽ phải trả giá đắt nếu như Nga tiếp tục thực hiện các hành vi tấn công mạng.

Tuy nhiên, không dễ gì để đạt được mục đích đó. Qua một thập niên tăng cường đối phó với tấn công mạng, thế giới đã rút ra kinh nghiệm rằng những công cụ răn đe truyền thống đã không còn hiệu quả.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden được nhiều chuyên gia đánh giá là 'mang tính xây dựng' và có ý nghĩa quan trọng. (Nguồn: AP)
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden được nhiều chuyên gia đánh giá là 'mang tính xây dựng' và có ý nghĩa quan trọng. (Nguồn: AP)

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn hay nói về những khoản đầu tư khổng lồ vào ngư lôi hạt nhân và vũ khí siêu thanh mới, cũng nhận thức được rằng Moscow không dễ sử dụng những vũ khí tân tiến trên. Trong khi đó, Nga có thể vận hành "kho vũ khí" trên không gian mạng hàng ngày.

Ông Biden đã từng đưa ra quan điểm rằng, ông Putin cần phải có những động thái rõ ràng hơn nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, nếu không Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả lại trên không gian mạng. Đây là động thái “ăn miếng trả miếng” từ phía Mỹ.

Quá nhiều ẩn số

Trong cuộc chạy đua hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, nhờ công tác tình báo, Mỹ có thể biết rõ nơi cất giấu vũ khí của Liên Xô và ai có quyền khai hỏa. Nhưng trên không gian mạng, không có cách nào để lường trước được tất cả các mối đe dọa, và cũng không thể biết được ai đang đặt tay trên bàn phím để nhấn “nút khai hỏa”. Liệu đó có phải là một vị tướng? Tin tặc làm việc cho cục tình báo hàng đầu nước Nga hay tin tặc làm việc tự do nhằm cung cấp mã độc tống tiền như mạng lưới DarkSide, đối tượng đứng sau cuộc tấn công vào Colonial Pipeline?

Tháng 4/2015, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin rằng tin tặc Nga đã đột nhập hệ thống máy tính không thuộc diện mật của Nhà Trắng và truy cập các email trao đổi giữa Tổng thống Barack Obama và những người trong Nhà Trắng. Mặc dù tin tặc không lấy được các thông tin mật, các email gửi đến và đi của ông Obama có những thông tin nhạy cảm.

Năm 2016, tình báo Mỹ đã buộc tội Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, phản ứng của ông Obama tương đối nhẹ nhàng: trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa một số cơ quan ngoại giao. Theo lời của một quan chức cấp cao vào thời điểm đó, thì đó là “phản ứng hoàn hảo của thế kỷ XIX cho một vấn đề của thế kỷ XXI”.

Đến thời của Tổng thống Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông Putin không can thiệp vào quá trình bầu cử. Chính vì không có phản ứng gay gắt, Mỹ đã lãng phí bốn năm mà không thiết lập bất kỳ tiêu chuẩn toàn cầu nào về an ninh mạng, một tiêu chuẩn mà Brad Smith, Chủ tịch của Microsoft, gọi là “Công ước Geneva về mạng”.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, Mỹ cũng đã đánh bật một nhóm lớn chuyên sử dụng mã độc, nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Điều khiến các quan chức an ninh Mỹ lo lắng không phải là quy mô của các cuộc tấn công, mà là sự tinh vi của chúng.

Vụ công ty SolarWinds bị tấn công mạng được coi là chưa từng có tiền lệ. (Nguồn: New York Times)
Vụ công ty SolarWinds bị tấn công mạng được coi là chưa từng có tiền lệ. (Nguồn: New York Times)

Cuộc tấn công mạng SolarWinds là một ví dụ. Đây không phải là một tấn công đơn giản bởi theo ước tính của Microsoft, có khoảng 1.000 tin tặc tham gia. Nhóm tin tặc này đã âm thầm xâm nhập vào hệ thống của SolarWinds trong suốt 9 tháng để khai thác thông tin từ chính quyền và doanh nghiệp ở nhiều nước, bao gồm Mỹ, Anh, Israel và Canada.

Điều đáng quan ngại hơn là cuộc tấn công được thực hiện từ trong lòng nước Mỹ, trên các máy chủ của Amazon, vì các tin tặc biết rằng các cơ quan tình báo Mỹ bị cấm hoạt động ngay tại đất nước này.

Như một nhẽ đương nhiên, Mỹ lại một lần nữa cáo buộc Nga là "thủ phạm đứng sau" nhóm tin tặc này.

Trên thực tế, ông Putin không thừa nhận việc Nga thực hiện các cuộc tấn công mạng. Ngược lại, Tổng thống Nga luôn ngầm ám chỉ rằng những cáo buộc của phương Tây là một phần của chiến dịch tin giả do Mỹ khơi mào.

Chia sẻ với NBC News cuối tuần qua, ông Putin cho hay: “Chúng tôi đã bị buộc tội đủ thứ. Can thiệp bầu cử, tấn công mạng... Mà không một lần nào họ đưa ra được bằng chứng hay chứng cứ để xác minh. Tất cả chỉ là những lời buộc tội vô căn cứ.”

Hợp tác liệu có lâu dài?

Tại cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã nhất trí hợp tác trong các mối quan ngại chung về an ninh mạng như cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu và coi đây là “lằn ranh đỏ” đối với hai nước.

Tong cuộc họp báo riêng, Tổng thống Biden cho biết ông cùng nhà lãnh đạo Nga đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề an ninh mạng và không gian mạng. Ông đã đề xuất rằng một số cơ sở hạ tầng quan trọng cần phải được "miễn nhiễm" với các cuộc tấn công, đưa ra một danh sách với 16 “thực thể cụ thể” như năng lượng và hệ thống nước.

Tổng thống Putin cũng thông báo ông và người đồng cấp Mỹ đã thảo luận về mối lo ngại an ninh mạng của hai nước, đồng thời cho biết Nga sẽ bắt đầu tham vấn về vấn đề này.

Ngoài ra, hai nước đã đồng ý thành lập các nhóm để điều tra các mối quan ngại về an ninh mạng khác nhau, bao gồm cả việc liệu Mỹ và Nga có các biện pháp mạnh mẽ chống lại tội phạm tấn công mạng nhằm vào quốc gia khác khi chúng ẩn náu trong lãnh thổ của mình hay không.

Việc ra được một phương án hành động chung nhằm đảm bảo an ninh mạng được đánh giá là một bước đi tích cực trong quan hệ 2 nước và có thể mở ra việc xây dựng một quy tắc chung, nhằm phòng chống nguy cơ về một cuộc chiến tranh trên không gian mạng trong tương lai.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ vẫn chưa có những tiến triển tích cực mang tính đột phá.

TIN LIÊN QUAN
Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: Đồng thuận nhỏ trong bất đồng lớn
Dư luận Mỹ sau Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Phe Cộng hòa chỉ trích đòi cứng rắn, phía Dân chủ hoan nghênh
Quan chức Mỹ: Thượng đỉnh Nga-Mỹ thẳng thắn, xây dựng và không khiêu khích
Tổng thống Nga thấy 'thoáng hy vọng' với Mỹ, 'va chạm' với ông Biden vụ bạo loạn Đồi Capitol
Tổng thống Mỹ: Nga đang 'rất, rất khó khăn, bị Trung Quốc bóp nghẹt'

(theo New York Times)