📞

Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn: Bước tái khởi động ngoạn mục

15:26 | 05/11/2015
Sau ba năm bị gián đoạn, Cuộc họp cấp cao lần thứ sáu giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Thủ đô Seoul hôm 1/11 đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa ba nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Ba nhà lãnh đạo ba nước đã đạt được những nhận thức chung quan trọng.

Trái ngược với nhiều dự đoán ban đầu rằng Thượng đỉnh lần này sẽ ít thực chất, những kết quả được công khai sau cuộc họp cho thấy ba nước đã đạt được những bước tiến đáng kể, vượt xa kỳ vọng. Đó là một sự tái khởi động ngoạn mục của mối quan hệ tay ba Trung - Nhật - Hàn trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp.

Tìm kiếm điểm chung

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc cả ba nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau, trong đó sự hòa dịu trở lại của quan hệ Trung - Nhật, Nhật - Hàn cũng như nhu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế của Trung Quốc là những nhân tố cơ bản nhất. Sau một thời gian căng thẳng, quan hệ Trung - Nhật ấm lên kể từ sau cuộc gặp giữa ông Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để xúc tiến đối thoại cấp cao.

Kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, buộc Bắc Kinh phải tính toán lại mức độ quan hệ với Tokyo và Seoul. Họ có nhu cầu rất lớn trong việc thúc đẩy hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Nhật Bản - những đối tác hàng đầu của Trung Quốc. Việc Nhật tham gia và kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công là một bất ngờ cho cả Hàn Quốc và Trung Quốc. Mới đây, Hàn Quốc cũng chính thức bày tỏ ý định muốn gia nhập TPP. Do vậy, cả ba nước cần nhanh chóng gặp nhau để bàn về một FTA có chất lượng cao, nếu không sẽ có sự phân hóa mạnh về đầu tư, thương mại, rất không có lợi cho các nước này.

Cả ba nước đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, không muốn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đi ngược lại lợi ích to lớn này ở khu vực.

Kết quả vượt mong đợi

Trước Hội nghị, hầu hết chuyên gia đều cho rằng việc nối lại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên đã là một thành công. Nhưng thực tế cho thấy ba nước còn làm được nhiều hơn thế.

Thứ nhất, cả ba nhà lãnh đạo đã trao đổi một cách thẳng thắn, thực chất về các vấn đề còn gai góc trong quan hệ song phương và ba bên. Các vấn đề như Nhật Bản phải xin lỗi về những lỗi lầm trong quá khứ, vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục trong các trại lính của Nhật Bản trước đây, vấn đề biển đảo… vốn rất nhạy cảm, nhưng cả ba đã chấp nhận đặt tất cả lên bàn hội nghị. Đó là bước tiến bộ lớn.

Đáng chú ý, Tổng thống Park Geun Hye khi mới lên nhận chức đã nói công khai rằng, nếu Nhật không xin lỗi, bà sẽ không bao giờ gặp lãnh đạo cấp cao nước này. Nhưng cái bắt tay giữa bà với ông Shinzo Abe tại Seoul chứng tỏ lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh lập trường theo hướng mềm mỏng hơn.

Hai là, trong nhiều vấn đề nhạy cảm, ba nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng. Ví dụ như Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý nối lại cuộc đàm phán về khai thác chung trên biển Hoa Đông. Hay về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục, trước đây các nhà lãnh đạo Nhật Bản thường lảng tránh thì nay lãnh đạo Nhật - Hàn đã đồng ý sẽ bàn bạc để giải quyết, mặc dù không nói chi tiết là theo hướng nào.

Ba là, ba bên cũng cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế, đạt được một số nhận thức chung về quy mô, lộ trình, nội dung… của một FTA Trung - Nhật - Hàn trong tương lai.

Mới là bước khởi đầu

Những khía cạnh tích cực của Hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước Đông Bắc Á là không phải bàn cãi, góp phần đưa khu vực đến sự hòa dịu tạm thời, giảm bớt cạnh tranh bất lợi giữa ba nền kinh tế lớn nhất Đông Á. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để cả ba cải thiện lòng tin, tìm ra các cơ chế đối thoại phù hợp mới, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của từng nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tuy vậy, đột phá lúc này là không hề đơn giản. Dù cả ba đã đạt được nhận thức chung ở cấp chiến lược, nhưng việc đi vào cụ thể bàn về các vấn đề kỹ thuật sẽ còn không ít khó khăn trong thời gian tới. Không rõ ba nước sẽ vượt qua trở ngại này như thế nào bởi mâu thuẫn, mất lòng tin vốn sâu sắc như ở Đông Bắc Á sẽ không thể dễ dàng được hàn gắn trong ngày một ngày hai.

Nhưng nếu không có những cuộc gặp như vậy, không biết đến bao giờ Đông Bắc Á mới có được cơ hội để tháo gỡ vướng mắc vốn đã tồn tại từ lâu và gây trở ngại rất lớn cho ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Có lẽ ba nước nên bắt đầu từ những vấn đề ít nhạy cảm như cùng hợp tác giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại… từng bước xây dựng lòng tin để hướng tới sự hợp tác lớn hơn, hữu ích hơn cho khu vực và thế giới. Đây là một chặng đường dài và kết quả vừa qua là nỗ lực rất lớn của ba nước, đặc biệt là nước chủ nhà Hàn Quốc.

Dương Hạnh