TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump hứa đem lại hòa bình cho Israel-Palestine | |
Cuộc gặp Trump - Abbas và bàn cờ Trung Đông |
Theo đặc phái viên của Palestine tại Nga Hafiz Nofal, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ hội kiến người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 11/5 tại khu nghỉ dưỡng Sochi. Trong chuyến thăm trước đó của nhà lãnh đạo Palestine tới Washington, ông đã đạt được thành công quan trọng khi kết giao với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump và nhận được lời cam kết của ông Trump về việc phối hợp tiến tới thỏa thuận hòa bình Trung Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tháng 9/2015. (Nguồn: AFP) |
Chủ động tạo lợi thế
Trong bối cảnh trên, có thể dự đoán rằng, ông Abbas mong muốn đạt được điều tương tự khi gặp gỡ người đồng cấp Nga Putin. Theo ông Hafiz Nofal, hai nhà lãnh đạo sẽ bàn luận về kết quả của cuộc họp của Liên đoàn Arab tại Amman (Jordan) liên quan đến tù nhân Palestine tại Israel, đặc biệt là vấn đề tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia kình địch ở Trung Đông này.
Rõ ràng, trong bối cảnh Mỹ dù đã cởi mở hơn trong việc đối thoại với Palestine nhưng vẫn thiên về bảo toàn quan hệ mật thiết với Israel, ông Abbas hy vọng tận dụng chuyến thăm sắp tới để giành sự ủng hộ của Nga, bên cạnh các nước Arab, để tránh bị yếu thế trên bàn đàm phán với ông Netanyahu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng không muốn lép vế hay tỏ ra bị động so với ông Abbas. Ông Netanyahu là một trong nguyên thủ quốc gia đầu tiên gặp gỡ ông Trump kể từ khi nhà tỷ phú Mỹ trở thành lãnh đạo Nhà Trắng. Gần đây nhất, ông cũng có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin hồi tháng 3. Tuy nhiên, nội dung cuộc gặp giữa hai người lại xoay quanh tình hình Syria, cũng như để cảnh báo Nga về quan hệ gần gũi của nước này với Iran chứ không phải là về tranh chấp chủ quyền Israel–Palestine.
Thủ tướng Israel cũng tiếp tục khẳng định quan điểm của mình trong việc chỉ trích ông Abbas, bất chấp việc ông Trump gọi Tổng thống Palestine là “con người của hòa bình”. Đáng chú ý, ông Netanyahu cũng sẽ sớm có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 5 khi ông Trump có chuyến công du Trung Đông. Giới quan sát cho rằng, ông Netanyahu sẽ tận dụng cơ hội này để “nhắc nhở” ông Trump về mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước và kêu gọi lãnh đạo Mỹ tiếp tục chính sách ủng hộ Jerusalem của nhiều đời Tổng thống tiền nhiệm. Bên cạnh đó, ông Netanyahu cũng nhiều khả năng sẽ nhắc khéo ông Trump cẩn trọng trong mối quan hệ với Palestine hay đưa ra những tín hiệu ủng hộ cho chính sách “Hai nhà nước” của Ramallah.
Khó ngồi lại với nhau
Về phía Nga, chuyến thăm Sochi của Tổng thống Abbas sắp tới là cơ hội để ông Putin mở rộng tầm ảnh hưởng của Moscow trong vấn đề Israel–Palestine. Gần đây, Nga bày tỏ mong muốn trở thành trung gian hòa giải và tổ chức một cuộc hòa đàm giữa Jerusalem và Ramallah, tuy nhiên nỗ lực này dường như không thành công. Nhân chuyến thăm của ông Abbas tới Nga lần này, ông Putin dự định mời ông Netanyahu tham dự để hai nhà lãnh đạo Trung Đông có thể gặp nhau trực tiếp, nhưng cả hai đều từ chối đề xuất này.
Trong khi đó, ông Trump và chính quyền của mình cũng đang tham gia tích cực hơn vào việc giải quyết vấn đề Israel– Palestine. Cuối tháng 5 này, ông Trump sẽ có chuyến thăm tới Saudi Arabia, sau đó gặp gỡ Thủ tướng Israel Netanyahu tại Jerusalem trước khi dừng chân tại Vatican để hội kiến Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, ông Trump sẽ có rất nhiều việc phải làm nếu như muốn chuyến công du của mình tới Jerusalem thành công. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải thuyết phục Thủ tướng Netanyahu rằng mối quan hệ đồng minh Washington- Jerusalem là bất biến, ngay cả khi ông Trump mới tiếp thân mật ông Abbas.
Ông cũng cần thể hiện quyết tâm lập lại hòa bình Trung Đông, vấn đề mà nhiều đời Tổng thống Mỹ đã không thể xử lý trọn vẹn. Điều này thực sự cần thiết khi cho đến nay, ông Trump chưa đưa ra bất kỳ cơ chế cụ thể nào để tiến tới một giải pháp lâu dài cũng như không đề cập tới bước đi tiếp theo dựa trên Sáng kiến Hòa bình Arab hay giải pháp “Hai nhà nước” và quyền lợi của người Palestine.
Dù đã chủ động hơn trong việc can dự vào quá trình đàm phán hòa bình Israel – Palestine, dường như cả hai siêu cường Nga - Mỹ vẫn bế tắc trong việc đưa hai nước ngồi lại với nhau. Trong khi đó, cả ông Abbas và Netanyahu vẫn tiếp tục chỉ trích nhau và đều tập trung lôi kéo sự ủng hộ cho các giải pháp của riêng mình hơn là đàm phán nhằm tìm ra một phương án chung. Bởi vậy, tình hình Israel – Palestine dù đã có những bước chuyển mình tích cực nhưng khó có thể đạt được đột phá trong thời gian tới.
IMF: Trung Đông và Trung Á vẫn cần ưu tiên cải cách ngân sách và củng cố tài chính Môi trường thuận lợi hơn (bao gồm tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến và xu hướng tăng giá hàng hóa) đã giúp thúc ... |
Việt Nam kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Syria “Một cơn bão hoàn hảo” đang nhấn chìm khu vực Trung Đông, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế; sự chia rẽ trong ... |
WB hạ dự báo tăng trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi Trong báo cáo giám sát tình hình kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17/4 ... |