📞

Tìm lại hào quang cho EU

14:00 | 08/10/2017
Bài phát biểu cuối tháng Chín vừa qua của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy tham vọng của nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong việc đưa xứ Gaul trở lại vị thế của quốc gia đồng sáng lập Liên minh châu Âu (EU).

Ai là người dẫn dắt châu Âu? Đầu năm 2017, câu trả lời hiển nhiên là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ở thời điểm đó, người đứng đầu nước Đức được cho là sẽ tiếp tục dẫn dắt EU, trong khi nước Anh đang bận đàm phán Brexit, Italy thì không có nhiều ảnh hưởng, còn người Pháp lại đang lo lắng về chính phủ mới của ông Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài phát biểu về cải tổ EU ngày 26/9 tại Đại học Sorbonne. (Nguồn: Time)

Thế nhưng, với bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ngày 26/9, Tổng thống Macron đã thể hiện rõ quyết tâm khôi phục vị thế mà nước Pháp từng đánh mất và mong muốn đồng hành cùng bà Merkel lấy lại hào quang và sức mạnh vốn có của EU.

Những ý tưởng táo bạo

Trước hàng nghìn người tại Đại học Sorbonne, ông Macron không che giấu tham vọng của mình về mục tiêu tái thiết EU. Những đề xuất táo bạo của nhà lãnh đạo trẻ về chia sẻ ngân sách quân sự, thành lập cơ quan chuyên trách cải cách và củng cố đồng Euro là minh chứng rõ nét cho điều này. Ông cũng đề xuất tăng cường đánh thuế khí thải, đánh thuế các công ty công nghệ nước ngoài và tiến hành chiến dịch cân đối tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp. Xây dựng thị trường số hóa và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng cũng được ông Macron nhắc đến.

Qua bài phát biểu trên, nhiều người nhận định rằng mục tiêu của nhà lãnh đạo Pháp là chấm dứt chủ nghĩa dân túy bằng cách tạo ra sự cân bằng giữa bảo hộ việc làm cho người dân và cải cách, điều mà nhiều người lo ngại có thể khiến họ mất đi những quyền lợi vốn có. Ngoài ra, việc cải tổ khu vực đồng Euro được cho là sẽ giúp châu Âu vững vàng hơn trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới.

Tuy nhiên, khó đoán được liệu những ý tưởng táo bạo của ông có thể cách tân châu Âu, biến EU thành một khối tự tin, cởi mở, dám nghĩ dám làm hơn không.

Vì châu Âu hay vì Paris

Tham vọng của ông Macron cho nước Pháp và EU là thế, nhưng quan trọng là, những ý tưởng mà ông đưa ra trước hết phải được thực hiện thành công tại quê nhà. Nếu Pháp, dưới sự dẫn dắt của ông vẫn chưa thể trở thành một trụ cột về kinh tế vững chắc của EU, thì tiếng nói của người đứng đầu xứ Gaul sẽ khó được các quốc gia thành viên khác coi trọng.

Hiện tại, ông Macron có nhiều lý do để lạc quan về tương lai nước Pháp trong thời gian tới. Với tỷ lệ ủng hộ ở mức 53% trong tháng Chín (bước nhảy vọt so với con số 40% hồi tháng Bảy), dường như người Pháp đang dần lấy lại lòng tin vào nhà lãnh đạo trẻ tuổi và đảng Tiến bước. Nắm bắt được điều này, Tổng thống Macron đã ngay lập tức tận dụng lợi thế khi ngày 22/9, Chính phủ và các tổ chức công đoàn đã cùng đi đến một thỏa thuận về cải cách lao động, vốn được cho là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Trở lại chẳng dễ dàng

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đều đã “thuận buồm xuôi gió”. Trước mắt, ông Macron vẫn còn phải đối mặt với quá nhiều thách thức cần phải xử lý ở trong nước như  vấn đề trợ cấp, thuế phí, chi tiêu công và giáo dục… Hơn thế nữa, ông cũng phải thành công trong việc cải thiện năng suất lao động, gia tăng các khóa học nghề cho sinh viên và cải tiến dịch vụ tuyển dụng nhân sự có phần trì trệ của xứ Gaul.

Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Pháp cần thuyết phục người dân rằng cắt giảm thuế đánh vào tài sản có giá trị cao và thuế thu nhập doanh nghiệp như một hình thức kích thích môi trường đầu tư và kinh doanh. Chỉ với việc khôi phục được sức mạnh kinh tế của Pháp, ông Macron mới có thể nghĩ đến việc lấy lại vị thế vốn có của Paris tại Brussels.

Pháp quay trở lại là “chính mình” sẽ là tin mừng cho cả châu Âu, đặc biệt là Đức, bởi Thủ tướng Angela Merkel sau khi tiếp tục tại vị lần thứ tư đang cần một “người đồng hành” để dẫn dắt châu Âu vượt qua những khó khăn trước mắt, từ đàm phán Brexit, chia rẽ nội bộ EU, tình trạng khủng bố leo thang cho tới quan hệ đang có dấu hiệu đi xuống với Nga và Mỹ.

Để vượt qua những khó khăn này không chỉ đòi hỏi EU cần tiếp tục gắn kết, mà còn trông chờ vào sự dẫn dắt của hai đầu tàu Paris và Berlin, cùng hai  vị thuyền trưởng "vừa cũ, vừa mới". Muốn vậy, phải giải quyết xong các vấn đề của nước Pháp, ông Macron mới có thể nghĩ đến việc cùng Thủ tướng Merkel tìm lại ánh hào quang cho EU thời hậu Brexit.