Lực lượng quân đội Ba Lan sửa chữa hàng rào biên giới với Belarus bị hư hỏng do va chạm với người di cư ngày 8/11. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổ bật trong ngày:
Nga nổi giận vì cáo buộc của Thủ tướng Ba Lan, đến lúc Minsk-Moscow đồng tâm?
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan đang "nung" căng thẳng giữa Minsk với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và những đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga cũng bị cuốn vào "cuộc chiến".
Ngày 10/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phản pháo những phát biểu của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước đó rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về tình hình ở biên giới Belarus-Ba Lan.
Ông Peskov cho hay: "Chúng tôi coi những lời của Thủ tướng Ba Lan là hoàn toàn vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được. Tuyên bố đó là hoàn toàn vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trong khuôn khổ chuyến công du Moscow, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Make cáo buộc chính EU và các quốc gia có biên giới với nước này kích động cuộc khủng hoảng di cư trên.
Ông Make cho biết: "Trong điều kiện áp lực trừng phạt của phương Tây đối với Belarus ngày càng gia tăng, chúng tôi hướng tới việc củng cố hợp tác với Nga cũng như sự ủng hộ lẫn nhau, bao gồm cả phản ứng chung trước các hành động thù địch đối với Minsk".
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, cả Moscow và Minsk có cơ sở nghiêm túc để tin rằng, chính sách của phương Tây (như NATO, EU) nhằm ngăn chặn Nga và Belarus phản ánh chiến lược dài hạn của khối này hướng tới "cái gọi là răn đe Moscow và Minsk".
Nhà ngoại giao Nga khẳng định, Moscow và Minsk có những lập trường và cách tiếp cận chung, được tổng thống hai nước vạch ra, về "cách phản ứng trước những hành động hoàn toàn không thân thiện của bên ngoài". (AFP, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Biên giới Ba Lan nóng rẫy, châu Âu vào cuộc, Belarus phản pháo |
Lãnh đạo Nga, Mỹ có khả năng gặp nhau vào đầu năm 2022
Ngày 10/11, tờ Kommersant của Nga dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể gặp nhau trực tiếp vào đầu năm 2022.
Theo tin, hiện hai bên chưa nhất trí về chi tiết cuộc thảo luận nói trên, song kế hoạch sơ bộ là hai bên sẽ tiến hành hội nghị qua trực tuyến vào cuối năm nay.
Tờ này cho biết thêm, hai lãnh đạo sẽ thảo luận một loạt thỏa thuận mà đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh tại ở Geneva (Thụy Sỹ) hồi tháng 6 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận chương trình nghị sự sâu rộng.
Trước thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thực sự nào, song nói rằng, "mọi thứ đều có thể xảy ra". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Những tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ |
Biển Đen nổi sóng với hàng loạt hoạt động của tàu chiến Nga, Mỹ
Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết, quân đội nước này đang liên tục theo dõi các hoạt động của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Porter, tàu tiếp liệu hải quân John Lenthall của Mỹ cũng như soái hạm Mount Whitney ở Biển Đen.
Theo bộ trên, ngày 6/11 vừa qua, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ đã bay qua Biển Đen, cách biên giới Nga khoảng 100 km.
Cũng trong thời gian này, Hạm đội Biển Đen của Nga đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự với sự tham gia của tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Essen, các tàu chống ngầm nhỏ và trực thăng săn ngầm nhằm tìm kiếm và tiêu diệt các tàu ngầm của đối phương giả định.
TIN LIÊN QUAN | |
Nga tuyên bố 'chiếu tướng' tàu Mỹ vào Biển Đen |
Ấn Độ cảnh báo “kiểu chạy đua vũ trang mới” vượt phạm vi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 9/11, tại một hội nghị về hàng hải, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Shringla đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương xây dựng cấu trúc hợp tác mới cho không gian hàng hải chung để đảm bảo an ninh và thương mại tự do.
Theo ông Shringla, sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân các nước trong khu vực này cần được xây dựng dựa trên nền tảng luật pháp, trật tự và an ninh, do đó, cần có một kiến trúc hợp tác mới cho không gian hàng hải chung nhằm đảm bảo an ninh cho người dân ở những nước này.
Phát biểu tại hội nghị, đề cập sự mở rộng chưa từng có của các lực lượng hải quân thông thường ở khu vực Thái Bình Dương, Thứ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar cho rằng, điều này đang thúc đẩy “kiểu chạy đua vũ trang mới” có tác động vượt xa phạm vi của khu vực.
Ông Kumar khẳng định, Ấn Độ sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia có thiện chí vì hòa bình trong khu vực và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phản đối các nỗ lực gây hấn và ngăn chặn các nỗ lực đó trên biển và trên đất liền.
Quan chức Quốc phòng Ấn Độ lưu ý, lĩnh vực hàng hải hết sức rộng lớn và các thách thức cũng đa dạng nên hành động riêng rẽ không phải là lựa chọn thực tế cho bất kỳ quốc gia nào. Ấn Độ hoan nghênh tất cả các quốc gia tôn trọng luật lệ và tránh hành vi gây hấn, để thúc đẩy hợp tác trong khu vực. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Tàu chiến sắp đi qua Biển Đông, Tư lệnh Hải quân Đức ra cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương |
Biển Đông: Indonesia, Malaysia kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Ngày 10/11, Thủ tướng Malaysia Sri Ismail Sabri Yaakob cho biết, nước này nhất trí với Indonesia rằng, vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Phát biểu họp báo sau hội đàm chính thức với Tổng thống Joko Widodo trong chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Indonesia, Thủ tướng Sri Ismail Sabri Yaakob nhấn mạnh, các nước liên quan cần tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo hãng thông tấn chính thức Antara, trước đó, vấn đề Biển Đông cũng đã được Tổng thống Joko Widodo thảo luận với người tiền nhiệm của ông Sri Ismail là Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin trong chuyến thăm chính thức Indonesia hồi đầu tháng 2/2021.
Cụ thể, tại cuộc hội đàm ngày 5/2 tại Jakarta với Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng, Biển Đông sẽ ổn định nếu tất cả các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị ADMM Hẹp: ASEAN cần kiên định lập trường, nguyên tắc về Biển Đông |
Tình hình Afghanistan: Đại diện Mỹ-Taliban chuẩn bị chạm mặt
Ngày 10/11, Ngoại trưởng của chính quyền do Taliban lập nên tại Afghanistan Amir Khan Muttaqi bắt đầu chuyến thăm Pakistan để thảo luận các quan hệ thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Taliban đang tìm cách để được quốc tế công nhận và dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước ngoài để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm của quan chức Taliban sẽ "tập trung vào tăng cường thương mại, tạo điều kiện cho hoạt động đi lại xuyên biên giới, kết nối đường không và đường bộ".
Trong khi đó, giới chức Pakistan và Mỹ cho biết, tân đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Thomas West sẽ thăm Pakistan trong tuần này để thảo luận với ông Muttaqi và các nhà ngoại giao cấp cao khác từ Trung Quốc và Nga.
Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông West đến khu vực này kể từ khi nhậm chức. Cuộc gặp được gọi là "Bộ 3+", dự kiến diễn ra ngày 11/11 tại Islamabad.
Theo quan chức Pakistan, cuộc gặp Bộ 3+ "chủ yếu nhằm tìm cách tránh khủng hoảng nhân đạo và xem xét các khả năng thành lập một chính phủ đại diện ở Afghanistan". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh G20: Món nào cho bữa tối thân tình? |
Trung Quốc nói sẵn sàng hợp tác giải quyết bất đồng với Mỹ
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đăng tải một tuyên bố cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Washingtonđể giải quyết thỏa đáng những bất đồng.
Nội dung phát biểu trên nằm trong một bức thư được Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đọc, trong đó ông Tập tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác để tăng cường trao đổi và hợp tác toàn diện với Mỹ.
Trong khi đó, ngày 9/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger kêu gọi Washington và Bắc Kinh tìm ra biện pháp để cùng tồn tại và hợp tác với nhau.
Theo ông Kissinger, "đây là điều cần thiết để Trung Quốc và Mỹ vượt qua các khó khăn”, đồng thời lưu ý rằng, điều quan trọng hơn đối với hai nước là cần tìm ra những dự án chung có thể hợp tác, nhấn mạnh rằng, không có quốc gia nào chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh ở thế giới hiện nay.
Cũng trong ngày 9/11, có thông tin cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tổ chức sớm nhất là vào tuần tới.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục thực thi lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc, mà Washington cho là thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội quốc gia châu Á. Quy định này được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. (Reuters, THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị họp thượng đỉnh? |
Mỹ, Hàn Quốc thúc đẩy tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc đang tích cực thảo luận khả năng đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời phối hợp trong một dự thảo tuyên bố về vấn đề này.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 9/11, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck khẳng định: “Không chỉ có sự trao đổi quan điểm về dự thảo tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, mà hai nước còn đang tiếp tục những nỗ lực tích cực và sáng tạo liên quan đến vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh”.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra thông cáo cho biết, ngày 1/11 vừa qua, các quan chức cấp cao nước này và Mỹ đã thảo luận về cách thức tái khởi động đối thoại với Triều Tiên cũng như cam kết giữa Washington và Seoul thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng mật thiết |
Một số tin quốc tế nổi bật khác trong ngày:
Pháp chuẩn bị đón đoàn quan chức cấp cao Nga: Ngày 9/11, chính phủ Pháp cho biết, nước này sẽ chủ trì các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao với Nga vào ngày 12/11 tới để thảo luận tình hình Ukraine, các hoạt động của Moscow tại khu vực Sahel ở Tây Phi và chương trình hạt nhân của Iran. (AFP)
Quốc hội Nhật Bản họp kỳ đặc biệt vào ngày 10/11 để hoàn thiện nhân sự của Hạ viện và chính phủ theo quy định của Hiến pháp sau cuộc tổng tuyển cử. Trong phiên khai mạc, ông Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đã được Quốc hội Nhật Bản bầu làm thủ tướng nước này. (Kyodo)
Tổng thống Czech trao quyền thành lập chính phủ mới, thời của ông Fiala đã tới: Ngày 9/11, Tổng thống Czech Milos Zeman đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho ông Petr Fiala - người đứng đầu liên minh Together theo đường lối trung hữu. (AFP)
Ngoại trưởng một quốc gia khối Arab đến Syria, Mỹ sốt ruột: Ngày 9/11, tuyền thông nhà nước Syria đưa tin, Tổng thống nước này Bashar al-Assad đã tiếp Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed tại thủ đô Damascus. (Reuters)
| Tin thế giới 9/11: Châu Âu đón tin vui giữa cơn đói khí đốt; Nga báo động tình hình Ba Lan-Belarus; Warsaw tính đường cầu viện NATO Khủng hoảng năng lượng châu Âu, vấn đề di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, quan hệ Mỹ-Romania, quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, tình hình ... |
| Nga-Trung Quốc bắt tay sản xuất trực thăng hạng nặng Ngày 8/11, trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin, Tổng giám đốc Tổng Công ty Trực thăng Nga Andrei Boginsky cho biết, nước này ... |