Một khu vực đổ nát ở Zaporozhizhia, Ukraine, sau mộtcuộc tấn công tên lửa ngày 11/10. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nhiều thành phố của Ukraine tiếp tục bị tấn công bằng tên lửa: Sáng 11/10, các cuộc tấn công tên lửa của Nga từ không phận trên Biển Caspi và Biển Đen tiếp tục nhắm vào những mục tiêu ở Vinnitsa, Odessa, Ochakiv, Zaporozhizhia và Nikolaev và một số thành phố khác của Ukraine.
Theo thông tin ban đầu, Ukraine đã kích hoạt các hệ thống phòng không, trong khi cơ quan quản lý các tình trạng khẩn cấp của nước này cũng đặt toàn quốc vào tình trạng báo động trước nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công bằng tên lửa, đồng thời kêu gọi người dân ở lại nơi trú ẩn.
Các cuộc tấn công của Nga được xem là nhằm trả đũa vụ tấn công vào một cây cầu quan trọng nối lục địa Nga với bán đảo Crimea hồi cuối tuần trước mà Moscow đổ lỗi cho Ukraine gây ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/10 cảnh báo, nếu tìm cách tiếp diễn những vụ tấn công khủng bố ở Nga, Kiev sẽ phải vấp phải hành động đáp trả cứng rắn. (Reuters, TASS, Sputnik)
* Nga cảnh báo phương Tây tiến gần 'lằn ranh đỏ': Ngày 11/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nêu rõ, Washington và các đồng minh đang ngày càng tiến gần "lằn ranh đỏ" khi họ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo ông Antonov, sau cuộc tấn công tên lửa của Nga hôm 10/10, việc Washington tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Ukraine “các khí tài quân sự bổ sung, trong đó có những mẫu mới nhất” chứng tỏ rằng Mỹ là một bên tham gia cuộc xung đột hiện nay giữa Moscow và Kiev.
Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov để ngỏ khả năng Moscow thực hiện các biện pháp đáp trả phù hợp trước sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc xung đột Ukraine.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya tuyên bố Moscow sẽ đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. (TASS)
* Pháp nói về 'chính sách tồi tệ nhất' trong quan hệ với Nga: Theo hãng tin TASS, ngày 11/10, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết, Paris phản đối mọi động thái nhằm cô lập Nga.
Theo Ngoại trưởng Colonna, việc lập các kênh liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều rất quan trọng. Đối thoại sẽ giúp mang lại kết quả. Trái lại, hành động "cô lập sẽ là lựa chọn chính sách tồi tệ nhất".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gần đây cũng tuyên bố, các nhà lãnh đạo thế giới nên "đối thoại" với Tổng thống Putin để "mở ra cánh cửa thế giới".
* Nhóm G7 sẽ họp khẩn về các vụ tấn công tên lửa của Nga vào Ukraine trong ngày 11/10. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến tham dự cuộc họp trên nhằm nỗ lực tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Trước đó, ông Zelensky đã điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Liz Truss, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, Tổng thống Mỹ hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, trong đó có việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến.
Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố phương Tây sẽ tăng cường sức ép đối với Nga, trong đó có quyết định thông qua các biện pháp trừng phạt mới và hỗ trợ Ukraine hết sức có thể. (Reuters, Kyodo)
* Các nước lên tiếng về vụ tấn công tên lửa vào Ukraine: Ngày 11/10, chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga thực hiện một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine hôm 10/10.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố, Tokyo sẽ tiếp tục sự ủng hộ và viện trợ cho chính phủ và người dân Ukraine cũng như phối hợp với cộng đồng quốc tế, trước hết là với các quốc gia thành viên G7.
Trong khi đó, điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh “tầm quan trọng của phản ứng mạnh mẽ từ G7" đối với vụ tấn công tên lửa và cho biết, Ukraine cần một lá chắn trên không để bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ông Trudeau cũng nhắc lại sự ủng hộ của Canada dành cho Ukraine. (Yonhap, TASS, Global News)
* Các nước đồng minh sườn Đông NATO ra tuyên bố chung chỉ trích Nga: Ngày 11/10, lãnh đạo 11 nước thành viên ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia, Montenegro và Bắc Macedonia đã ra một tuyên bố chung liên quan vụ tấn công tên lửa ở Ukraine hôm 10/10.
Tuyên bố trên, do văn phòng Tổng thống Ba Lan công bố, nêu rõ: "Chúng tôi... lên án việc dội bom ồ ạt vào các thành phố của Ukraine..."
Theo các nước trên, "bất kỳ lời đe dọa nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được" và cam kết sẽ "bảo vệ các quốc gia và đồng minh của chúng tôi". (AFP)
* Yêu cầu bỏ phiếu kín về Ukraine của Nga bị bác bỏ tại Liên hợp quốc: Với 107 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định tổ chức bỏ phiếu công khai - chứ không phải bỏ phiếu kín như yêu cầu của Moscow - về dự thảo nghị quyết lên án động thái của Nga nhằm sát nhập 4 tỉnh do nước này kiểm soát một phần ở Ukraine.
Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu “chống” đối với yêu cầu của Nga về việc tiến hành bỏ phiếu kín. Chỉ có 13 quốc gia ủng hộ lời kêu gọi của Nga và 39 nước bỏ phiếu trắng. Nga và Trung Quốc nằm trong số các quốc gia không bỏ phiếu. (UN)
* Tổng thống UAE thăm Nga thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine: Trong ngày 11/10 (giờ địa phương), Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed có chuyến thăm Nga và cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin.
Hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE dẫn thông báo ngày 10/10 của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, chuyến thăm nhằm thúc đẩy "các giải pháp chính trị hiệu quả" cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Dự kiến các nhà lãnh đạo UAE và Nga sẽ thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. UAE kêu gọi giải quyết xung đột thông qua đối thoại, đồng thời tôn trọng các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: 'Chất xúc tác' khiến Nhật Bản quyết tâm đổi mới chiến lược quốc phòng |
Châu Âu
* Ukraine tuyên bố tạm dừng xuất khẩu điện sang EU: Ngày 10/10, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo, sau các cuộc tấn công bằng tên lửa, nước này sẽ ngừng xuất khẩu điện sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) - thị trường năng lượng chính của Kiev - kể từ ngày 11/10.
Theo Bộ Năng lượng Ukraine, nước này cần thời gian để ổn định hệ thống năng lượng trong nước. Trong khi đó, Cơ quan tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine cho biết, nhiều khu vực ở nước này đã mất điện hoàn toàn và nguồn cung năng lượng cũng bị gián đoạn một phần.
Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết, Kiev đã cắt giảm khoảng 30% nguồn cung cấp điện sang nước này vào sáng cùng ngày. (Reuters)
* Anh đánh giá về khả năng Nga có hoạt động hạt nhân: Giám đốc cơ quan tình báo mạng và an ninh của chính phủ Anh Jeremy Fleming ngày 11/10 cho biết, nước này sẽ nhận thấy một số loại dấu hiệu nếu Nga bắt đầu xem xét triển khai kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Quan chức này cũng lưu ý, "nếu Nga đang xem xét khả năng đó, đó sẽ là một thảm họa như nhiều người đã đề cập".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, Moscow không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào.
Theo ông Ryabkov, các nước phương Tây "đang cố ý đưa ra những luận điệu hạt nhân" nhằm khiến Nga bị cho là đang chuẩn bị tiến hành những cuộc tấn công bằng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). (Sputnik, Reuters)
* Nga 'khuyên' Mỹ thận trọng khi nói về xung đột hạt nhân: Ngày 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Mỹ và "các vệ tinh" của họ nên "thận trọng tối đa khi đưa ra nhận xét về một cuộc xung đột hạt nhân có thể xảy ra".
Kêu gọi tất cả những ai quan tâm đến tình hình hiện nay "đừng thổi phồng cuộc xung đột một cách giả tạo", nhà ngoại giao Nga nêu rõ: "Tôi khuyên người Mỹ và các vệ tinh của họ... cả các nhà phân tích và nhà khoa học chính trị, hãy thể hiện trách nhiệm tối đa khi đưa ra các nhận xét trước công chúng". (TASS)
* Nga và Belarus triển khai nhóm quân chung trong khu vực Pháp cảnh báo: Hãng tin BelTA ngày 10/10 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đồng ý triển khai một nhóm quân chung trong khu vực do những căng thẳng ở biên giới phía Tây của Nhà nước Liên minh.
Ngày 11/10, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, việc nước này triển khai lực lượng quân sự chung với quân đội Nga ở biên giới là một biện pháp phòng thủ. Cơ sở của nhóm này là quân đội Belarus.
Phản ứng trước động thái này, cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cảnh báo, Belarus có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu ngày càng can dự sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
* Mỹ thúc đẩy hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia: Ngày 10/10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Hai bên đã trao đổi về “các bước tích cực” mà Azerbaijan và Armenia đang thực hiện để hướng tới một thỏa thuận hòa bình, trong đó bao gồm cả việc Azerbaijan tuyên bố trả tự do cho 17 tù nhân chiến tranh cho Armenia.
Trước đó, Ngoại trưởng Blinken đã tiến hành cuộc điện đàm 3 bên với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan, một tuần sau khi 2 quốc gia này cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, tại cuộc điện đàm, ông Blinken nói với hai người đồng cấp rằng, Washington hoan nghênh những bước đi tích cực của 2 bên nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình bền vững, đồng thời nhấn mạnh ngoại giao là giải pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Cái giá của xung đột |
Châu Á
* Iran khẳng định tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân: Ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định, nước này sẽ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán và ngoại giao như trước nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao Iran nhấn mạnh, Tehran kiên quyết chống lại mọi nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, với mục đích gây sức ép để nước này phải nhượng bộ và thỏa hiệp. (IRNA)
* Lebanon và Israel đạt thỏa thuận về ranh giới trên biển: Ngày 11/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết, nước này và Lebanon đã đạt được "một thỏa thuận lịch sử" về phân định ranh giới trên biển giữa hai bên.
Ông Lapid nói: "Đây là một thành tựu lịch sử sẽ củng cố an ninh của Israel, bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế của Israel và đảm bảo sự ổn định của biên giới phía Bắc của chúng tôi".
Thỏa thuận này sẽ được đưa ra trước nội các an ninh và chính phủ Israel vào ngày 12/10 để được thông qua trước khi được quốc hội xem xét. (Reuters)
* Hàn Quốc-Pakistan ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trong ngày 11/10. Tại cuộc hội đàm ở Seoul, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul và người đồng cấp Pakistan Hamood Uz Zaman đã nhất trí về sự cần thiết mở rộng hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình, trao đổi huấn luyện quân sự và các lĩnh vực khác.
Theo bộ trên, ông Shin Beom-chul đã bày tỏ “quan ngại” sâu sắc trước loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và giải thích việc Seoul thúc đẩy sáng kiến “táo bạo” nhằm trợ giúp Bình Nhưỡng cải thiện kinh tế để đổi lại các biện pháp phi hạt nhân hóa.
Đáp lại, ông Hamood cam kết Pakistan sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc theo đuổi hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
* Hàn Quốc nói Triều Tiên sẽ không thu được gì từ vũ khí hạt nhân: Ngày 11/10, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Yoon Suk Yeol quả quyết: “Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển hạt nhân và đe dọa không chỉ Hàn Quốc mà còn cả thế giới… Tôi cho rằng họ sẽ không thu được bất cứ lợi ích nào từ vũ khí hạt nhân”.
Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức ngừng những hành động làm gia tăng căng thẳng, sau khi hôm 10/10, Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiến hành các cuộc tập trận “tên lửa chiến thuật” và cam kết tăng cường sức mạnh hạt nhân.
Đề cập đề xuất của Tổng thống Yoon Suk Yeol về việc hỗ trợ tái thiết nền kinh tế Triều Tiên để đổi lại những biện pháp phi hạt nhân hóa, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng "phản hồi đề xuất về ‘sáng kiến táo bạo’ của chúng tôi”.
Quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh, Seoul coi việc Bình Nhưỡng thúc đẩy tổ chức cuộc tập trận hạt nhân nhắm vào Hàn Quốc là “rất nghiêm trọng” sau khi Triều Tiên gần đây thông qua luật mới ám chỉ khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu. (Reuters, Yonhap)
* Mỹ-Hàn tập trận không phải là cái cớ cho Triều Tiên: Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/10 cho rằng, những hành động phòng thủ của Washington như tập trận và huấn luyện hải quân chung với Hàn Quốc không thể là cái cớ để biện minh cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố những vụ thử tên lửa của nước này là hành động “tự vệ” trước các mối đe dọa từ Mỹ. (Yonhap)
* Ấn Độ đề cập khả năng mở rộng quan hệ với Australia: Ngày 10/10, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết, nước này sẽ mở rộng quan hệ với Australia và New Delhi coi Canberra là một "đối tác nghiêm túc, chuyên nghiệp và thoải mái".
Mạnh mẽ bày tỏ sự hài lòng của New Delhi với kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia, ông S. Jaishankar tuyên bố rằng, Ấn Độ ủng hộ cách giải quyết vấn đề này của cơ quan giám sát hạt nhân quốc tế.
Trong tương lai, Ấn Độ có khả năng sẽ tăng cường sự hiện diện ngoại giao và chương trình viện trợ ở khu vực Thái Bình Dương khi nền kinh tế của nước này phát triển. (ABC News)
* Ấn Độ bảo vệ mối quan hệ lâu dài với Nga: Ngày 10/10, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Australia Penny Wong tại Canberra, Ngoại trưởng S. Jaishankar cho biết, Ấn Độ sở hữu một kho dự trữ vũ khí lớn có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga.
Theo ông, Ấn Độ và Nga có mối quan hệ lâu dài chắc chắn phục vụ tốt cho lợi ích của New Delhi.
Khi được hỏi về việc liệu Ấn Độ có nên giảm phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí của Nga và suy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga hay không do những diễn biến ở Ukraine, Ngoại trưởng Jaishankar nói: “Cuộc xung đột hiện nay, giống như mọi cuộc xung đột quân sự khác, đều có những bài học được rút ra từ đó và tôi chắc chắn rằng các đồng nghiệp rất chuyên nghiệp của tôi trong quân đội sẽ nghiên cứu điều đó vô cùng kỹ lưỡng”. (Hindustan Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Đằng sau đợt phóng tên lửa mới của Triều Tiên |
Châu Mỹ
* Nga để ngỏ khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ tại G20: Ngày 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này sẽ không từ chối cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới.
Theo ông Lavrov, Nga sẽ xem xét nếu Moscow nhận được đề xuất này từ Washington, đồng thời sẵn sàng lắng nghe bất kỳ đề xuất nào liên quan các cuộc đàm phán hòa bình, song lưu ý rằng ông không thể dự đoán trước kết quả của tiến trình này.
Cũng trong bài phát biểu, ông Lavrov chỉ trích khi đưa tin rằng Nga từ chối các đề xuất đàm phán bởi "trên thực tế, chúng tôi đã không nhận được bất kỳ đề nghị nghiêm túc nào". (Reuters)
* Thủ tướng Canada vượt xa lãnh đạo đối lập mức độ tín nhiệm: Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới đây do công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện, nhà lãnh đạo đảng Tự do của Canada Justin Trudeau là sự lựa chọn ưu tiên cho vị trí thủ tướng, so với ông Pierre Poilievre - tân lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập.
Nếu chỉ có ông Trudeau và ông Poilievre có mặt trong lá phiếu, 46% số người được hỏi cho biết họ ưa thích Thủ tướng đương nhiệm hơn, so với 30% ủng hộ nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, một số lớn người được hỏi (19%) không muốn ai trong số 2 nhà lãnh đạo này dẫn dắt đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Trudeau còn vượt xa ông Poilievre về mức độ ưa thích trong nhóm cử tri nữ, với 52% ủng hộ so với mức 22% dành cho đối thủ.
Kể từ khi đảm nhận cương vị mới, ông Poilievre đã chỉ trích kịch liệt Thủ tướng Trudeau tại Hạ viện về chính sách kinh tế, đặc biệt là tình trạng lạm phát và mức chi tiêu của chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do.
| Tin thế giới 10/10: Kiev rung chuyển, Tổng thống Ukraine hiện ở đâu? Ông Putin nói gì vụ nổ cầu Crimea? Ấn Độ-Pakistan cần 'cho hòa bình cơ hội' Các vụ nổ ở thủ đô Kiev và cầu Criema giữa xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Ấn Độ-Pakistan, tình hình Bán đảo Triều Tiên, bầu ... |
| Mỹ hỗ trợ hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine, Australia cân nhắc huấn luyện binh sĩ Kiev Ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quân ... |
| Ukraine coi hệ thống phòng không là ‘ưu tiên số một’ sau khi Kiev bị tấn công Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã điện đàm với Thủ tướng Anh Liz Truss, ít lâu sau khi thủ đô Kiev hứng ... |
| Điểm tin thế giới sáng 11/10: Malaysia giải tán Hạ viện, lũ lụt ở Bali, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố 'rắn' về xung đột Nga-Ukraine Tình hình Ukraine, diễn biến mới ở chính trường Malaysia, Thái Lan chuẩn bị Tuần lễ APEC, tập trận Mỹ-Nhật...là tin tức thế giới đáng ... |
| Hàng loạt vụ nổ lớn tại trung tâm thủ đô Kiev: Ukraine tuyên bố sẽ 'đáp trả' Ngày 10/10, trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine đã 'rung chuyển' sau hàng loạt vụ nổ lớn. Giới chức nước này cho biết đã ... |