Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump vẫn còn cửa ở Nhà Trắng?
Tờ The Hill nhận định dù Đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu bầu ông Joe Biden làm tân tổng thống Mỹ nhưng kết quả này vẫn có thể bị bác bỏ ở Quốc hội. Theo luật pháp Mỹ, Hạ viện và Thượng viện sẽ họp mặt vào ngày 6/1 để xác nhận và công bố kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nếu một thành viên của Hạ viện và Thượng viện phản đối phiếu đại cử tri của 1 bang, họ sẽ phải họp riêng để biểu quyết về vấn đề này.
Với việc 126 Hạ nghị sĩ ký đơn ủng hộ vụ kiện của bang Texas yêu cầu lật ngược kết quả bầu cử và nhiều thành viên đảng Cộng hoà từ chối công nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử, có khả năng kết quả bỏ phiếu của vài bang chiến địa sẽ bị thách thức.
Được biết, đạo luật về số đại cử tri (ECA) của luật pháp liên bang đã được đưa ra từ hơn 100 năm trước nhưng chưa từng được sử dụng đầy đủ. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, đạo luật này chưa chắc đã hợp hiến.
Trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa vẫn đang lên kế hoạch tham gia “canh bạc” cuối cùng để phản đối chiến thắng của ông Biden, cuộc đua vào chiến ghế tổng thống Mỹ năm nay sẽ còn diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc trước ngày nhậm chức 20/1. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, khả năng ông Joe Biden đắc cử và sẽ nhậm chức được coi là viễn cảnh khả thi nhất. (The Hill)
Ông Biden sẽ không từ bỏ ‘vũ khí’ trừng phạt
Theo nguồn tin, sau khi nhậm chức ngày 20/1 năm tới, ông Biden sẽ nhanh chóng bắt đầu điều chỉnh cách tiếp cận chính sách bấy lâu nay của Tổng thống Donald Trump, trong khi vẫn cần thời gian cân nhắc trước khi đưa ra bất cứ thay đổi nào lớn với những mục tiêu trừng phạt hàng đầu như Trung Quốc và Iran.
Thách thức của ông Biden là sẽ phải phân loại lệnh trừng phạt nào nên giữ, lệnh nào nên hủy bỏ và lệnh nào tiếp tục mở rộng. Đây là một nhiệm vụ khó khăn sau 4 năm Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, chủ yếu là đơn phương với mức kỷ lục.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, trước khi những đánh giá này được hoàn tất, ông Biden sẽ làm rõ rằng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn là công cụ chính trong quyền lực của Mỹ, mặc dù nó sẽ không còn được thực hiện trên tinh thần “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính sách đối ngoại - Bài toán hóc búa cho ông Joe Biden |
Mỹ-Trung Quốc
Quân đội Mỹ chỉ trích Trung Quốc ‘thiếu tôn trọng’
Ngày 16/12, Quân đội Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì không tham gia một cuộc họp cấp cao trực tuyến với các quan chức hàng đầu của Mỹ, dự kiến diễn ra tuần này.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Phil Davidson đánh giá đây là một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc không tôn trọng các thỏa thuận của mình. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: “Đây sẽ là một lời nhắc nhở cho tất cả các quốc gia khi họ theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc trong tương lai”.
Trung Quốc được trông đợi sẽ tham gia các cuộc họp liên quan đến Hiệp định Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) và các vấn đề an toàn hàng hải dự kiến diễn ra từ ngày 14-16/12, tuy nhiên Mỹ không rõ lý do tại sao phía Trung Quốc không tham dự. Quân đội Mỹ cho biết, từ năm 1998 họ đã thường xuyên gặp gỡ trực tiếp với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để tiến hành đối thoại MMCA, tuy nhiên cuộc họp năm nay đã được chuyển sang hình thức trực tuyến do dịch Covid-19. (Reuters)
‘Ông Biden nên tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc’
Đó là lời nhắn nhủ đến từ Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tới Tổng thống đắc cử Joe Biden. Theo đó, Mỹ cần tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước và dùng thuế quan làm đòn bẩy.
Ông Lighthizer cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng được cam kết mua hàng theo thỏa thuận, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 10/2020, Trung Quốc mới nhập khẩu một nửa lượng hàng hóa, dịch vụ so với yêu cầu của thỏa thuận, dữ liệu của Viện kinh tế quốc tế Peterson cho thấy.
"Tôi sẽ dùng quy trình giải quyết tranh chấp để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Chắc chắn tôi sẽ duy trì thuế quan (với hàng hóa Trung Quốc). Nếu quý vị thấy các lệnh áp thuế dần biến mất, đó là tín hiệu cho thấy chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận Trung Quốc đang là đối thủ chiến lược", ông Lighthizer nói. (Reuters)
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang ‘bôi nhọ’ doanh nghiệp nước này
Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Mỹ đang "bôi nhọ" các công ty Trung Quốc sau khi các nguồn tin tiết lộ rằng, Washington đã cảnh báo các quốc đảo ở Thái Bình Dương về các mối đe dọa an ninh do một công ty Trung Quốc thầu việc xây dựng cáp internet dưới biển. Tuyên bố trên do Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại buổi họp báo ở Bắc Kinh.
Cùng ngày, quan chức Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẵn sàng hợp tác với các tổ chức của Mỹ trên tinh thần bình đẳng và cùng có lợi, mặc dù các cơ quan không gian vũ trụ của Mỹ không được phép hợp tác với Trung Quốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Trung Quốc là vấn đề quốc tế tồn tại trong thế kỷ 21 |
Tình hình Iran
Iran muốn đuổi Mỹ khỏi khu vực
Phát biểu trên được lãnh tụ Khamenei đưa ra ngày 16/12 trong cuộc họp chuẩn bị cho lễ tưởng niệm một năm ngày tướng Qassem Soleimani bị quân đội Mỹ ám sát ở Iraq.
Tại đây, ông Khamenei khẳng định việc báo thù nhằm vào những kẻ sát hại tướng Soleimani sẽ được thực hiện cùng với việc đẩy đuổi lực lượng quân sự Mỹ khỏi khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Iran kêu gọi tập hợp một cuộc “kháng chiến khu vực” mà mục tiêu chính là chống lại hiện diện của Mỹ ở Trung Đông.
Ông Khamenei nói sự thù địch của Mỹ với Iran sẽ không chấm dứt ngay cả khi ông Trump rời nhiệm sở. Bình luận về khả năng Mỹ sẽ quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) sau những tín hiệu mà ông Joe Biden phát đi, lãnh tụ Iran khẳng định, “Đó chỉ là những hứa hẹn của quỷ dữ. Cái này đã xảy ra ở nhiều đời chính quyền Mỹ. Nước Mỹ thời Obama cũng gây ra những điều tồi tệ với người dân Iran. Chúng ta không được tin kẻ thù". (al-Monitor)
Các bên kêu gọi Iran quay lại JCPOA
Ngày 16/12, đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh - những nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã thảo luận về các giải pháp nhằm "gia cố" cho thỏa thuận vốn đang chịu nhiều áp lực từ việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, đến việc Tehran thông báo tiếp tục đình chỉ thực hiện cam kết trong JCPOA cùng nhiều yếu tố không thuận lợi khác.
Theo đó, các bên đã có cuộc thảo luận trực tuyến không chính thức kéo dài 2 giờ, kêu gọi Tehran "gắn bó" với thỏa thuận này. Quan chức phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Helga Schmid, trong thông báo đưa ra sau cuộc thảo luận, cho biết: "Đại diện các bên tham gia JCPOA đã thảo luận về cách thức nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận ký kết năm 2015 này".
Mặc dù không nêu cụ thể những khó khăn hiện nay, song bà Schmid cho rằng, JCPOA đang dần được tháo gỡ những nút thắt. (Al-Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Mỹ-Iran có động thái mới: Tranh thủ và ràng buộc |
Brexit
Anh và EU thu hẹp bất đồng
Ngày 16/12, tại Brussels, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ về nội dung giám sát cạnh tranh công bằng, một trong 3 vấn đề gây tranh cãi đang cản trở việc 2 bên đạt được thỏa thuận hậu Brexit. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều khoản về đánh bắt cá.
Dù chỉ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế của EU nhưng đánh bắt cá lại là vấn đề quan trọng đối với một số nước thành viên và cũng là vấn đề được khối này gắn với một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn. Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu: “Vẫn còn cơ hội và hy vọng. Tôi, những người bạn và đối tác của chúng tôi đều cảm nhận được và sẽ ký được thỏa thuận”.
Trong khi đó, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, thừa nhận bước tích cực trong tiến trình đàm phán, nhưng cho rằng "chưa có đột phá”. Bà cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục kéo dài cho đến cuối tuần này để xem có thể tìm ra một giải pháp không. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Đàm phán Brexit: Đâu chỉ là chuyện đánh cá? |
Nga
Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu cuộc họp báo thường niên năm 2020
Ngày 17/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo thường niên năm 2020.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc họp báo lớn năm nay diễn ra theo thể thức mới. Tổng thống Putin họp báo ngay tại dinh thự của mình ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moscow, thay vì trực tiếp đến Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thủ đô như mọi năm. Một nhóm phóng viên sẽ có mặt tại địa điểm họp báo của ông Putin và số phóng viên còn lại, căn cứ theo khu vực sẽ tập trung tại các đầu cầu ở Moscow, Tula, St.Petersburg, Rostov-on-Don, Stavropol, Nizhny Novgorod, Yekaterinburg, Novosibirsk và Vladivostok.
Như thường lệ, vấn đề đối nội của nước Nga vẫn được ưu tiên trong các cuộc họp báo lớn của Tổng thống Putin đặc biệt là khi trong năm nay, nước Nga đã tiến hành bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp.
Về vấn đề đối ngoại, dự kiến, ông Putin sẽ đề cập đến việc Nga giải quyết điểm nóng Nagorny-Karabakh; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; việc gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START Mới; tình hình bất ổn tại Belarus hay vấn đề Ukraine và tình hình ở Syria. (Sputnik)
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (11-17/12): Giá Bitcoin phá mọi đỉnh cao lịch sử, Mỹ vẫn 'chăm' nhập hàng Trung Quốc, Tiếp tục đàm phán Brexit TGVN. 'Cơn khát' Bitcoin của giới đầu tư đẩy giá đồng tiền điện tử này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 USD; Mỹ vẫn tăng ... |
| WHO sẽ phái nhóm điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 tới Trung Quốc TGVN. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ cử một nhóm đến Vũ Hán (Trung Quốc) để điều tra nguồn gốc của ... |
| Tin thế giới 16/12: Ông Trump bị 'đo ván' cay đắng; Trung Quốc coi đe dọa của Mỹ như 'gió thoảng'; Thổ Nhĩ Kỳ 'nổi cáu' TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Nga-Mỹ, căng thẳng Trung Quốc-Australia, hành động của Bắc Kinh ở châu Phi, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ ... |