Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Tiếp tục thách thức Mỹ, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo
Rạng sáng ngày 25/3, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 2 vật thể lạ và rơi xuống Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông).
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã xác định các vật thể bay này là tên lửa đạn đạo và có thể đã rơi xuống khu vực ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hai vật thể bay đã được phóng đi từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên vào khoảng 7h sáng (giờ địa phương).
Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ ngày 29/3/2020, và là vụ phóng tên lửa thứ hai trong tuần qua, sau khi Bình Nhưỡng phóng các tên lửa hành trình tầm ngắn ra Hoàng Hải cuối tuần qua. (Yonhap/NHK)
Mỹ cuối cùng cũng giật mình, gọi họp khẩn với Hàn Quốc
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ngày 25/3 nhấn mạnh các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy rõ mối đe dọa mà chương trình vũ khí của nước này gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy cho biết họ đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến của các đồng minh.
Mỹ dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp an ninh với Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới để thảo luận cách giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 25/3 cho biết, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã điện đàm thảo luận với quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Sung Kim về các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ngoài ra, ông Noh Kyu-duk cũng có kế hoạch điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi.
Theo quan chức trên, Washington đang giám sát chặt chẽ tình hình với sự cảnh giác cao độ. Khi được hỏi về khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đưa ra hành động, quan chức Bộ Ngoại giao Seoul cho hay ít có khả năng HĐBA LHQ có những động thái hướng tới một nghị quyết mới hoặc áp đặt trừng phạt, khi mà những vật thể được phóng đều là tầm ngắn. Ngoài ra, Seoul nhấn mạnh đang phối hợp chặt chẽ với Washington và các nước liên quan khác về vấn đề này. (Reuters/Yonhap)
Thế giới phản ứng như nào?
Về phần mình, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng lên tiếng và lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cụ thể, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh vụ phóng tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình khu vực. Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông sẽ thảo luận sâu về vấn đề Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Washington vào tháng sau.
Ngay sau khi nhận được tin, Ủy ban Thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp kéo dài 90 phút. Sau cuộc họp, Chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đặc biệt là khi vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính quyền ông Joe Biden đang xem xét lại chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã kêu gọi nỗ lực duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và cảnh báo chống lại "mọi hình thức hoạt động quân sự".
Ông Lavrov khẳng định: "Tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, cũng như trên Bán đảo Triều Tiên. Điều bao gồm trong đó là tất cả các quốc gia liên quan phải từ bỏ một cuộc chạy đua vũ trang và tất cả các hình thức hoạt động quân sự". (AP/Reuters/Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyên gia Hàn Quốc: Nếu Mỹ trừng phạt, Triều Tiên sẽ 'làm tới' |
Mỹ, Nhật sẽ tổ chức tập trận chung để phòng thủ đảo Senkaku/Điếu Ngư
Theo Nikkei Asia, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu đàm phán về việc tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Theo kế hoạch, các lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Hàng hải và Phòng không Nhật Bản sẽ tham gia tập trận cùng lực lượng Thủy quân lục chiến và Không quân Hoa Kỳ để bảo vệ quần đảo Senkaku, hiện do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc tập trận chung này hôm 19/3. Ông nói: “Chúng ta cần nâng cao năng lực của mình thông qua các cuộc tập trận chung và chứng minh sự hiện diện của mình". (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Nhật: Trung Quốc có được nhắc tên tại Đối thoại 2+2? |
Nhật Bản sẽ hành động cứng rắn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan
Truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) cho hay, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách triển khai quân đội của mình để có thể giúp Mỹ bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc phát động tấn công.
Ngoài ra, theo Nikkei Asia, ngày 16/3 vừa qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Nhật đã đề cập đến chủ đề hợp tác song phương trong việc bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc bất ngờ tấn công hòn đảo. Nhưng chi tiết về sự phối hợp này vẫn chưa được thảo luận kỹ càng.
Sau cuộc gặp, hai nước đã đưa ra một tuyên bố dài, trong đó họ nhấn mạnh cảnh báo rằng sẽ không dung thứ cho "hành vi gây bất ổn" của Trung Quốc. (Taiwan News)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc phản đối tàu khu trục Mỹ ở Eo biển Đài Loan, coi đó là hành động khiêu khích |
Mỹ không ép đồng minh chọn phe trước thách thức từ Trung Quốc
Ngày 24/3, trong bài phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Washington không ép buộc đồng minh phải chọn phe, nhưng kêu gọi nỗ lực tập thể để ứng phó với cách hành xử của Trung Quốc.
Tại đây, ông đã có màn chỉ trích Trung Quốc bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, đồng thời kêu gọi tạo lập quan điểm thống nhất từ các đồng minh của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời khẳng định cam kết tuyệt đối của Washington với NATO, trong đó có Điều 5 của Hiến chương đề cập tới cơ chế phòng thủ tập thể.
Sau bài phát biểu của mình, ông Blinken cùng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ra tuyên bố chung, khẳng định đồng thuận về tái khởi động đối thoại song phương về vấn đề Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác đối tác để xử lý “hành xử gây thách thức” từ Nga. (DW)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Trung: Lấy điểm đồng làm điểm cộng |
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục bị kiện
14 tiểu bang của Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Biden hôm 24/3 nhằm thách thức việc ông tạm dừng cho thuê khai thác dầu khí trên vùng đất do liên bang quản lý.
Vụ kiện được đưa ra một ngày trước khi chính quyền ông Biden bắt đầu xem xét chương trình cho thuê khai thác dầu khí.
“Chúng tôi cho rằng hành động của Tổng thống Biden là không hợp pháp và chúng tôi sẽ buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm, nhằm đảm bảo duy trì những lợi ích mà chúng tôi đã đạt được trong những năm qua để bảo vệ công nghệ khai thác dầu khí và năng lượng trong nước”, Jeff Landry, Bộ trưởng Tư pháp bang Louisiana cho biết.
Các tiểu bang nộp đơn kiện chính quyền Tổng thống Biden bao gồm Alabama, Alaska, Arkansas, Georgia, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Oklahoma, Texas, Utah, Louisiana, Wyoming và Tây Virginia. Trong đó, Wyoming tự nộp đơn kiện tại tòa án ở bang này. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Lịch sử các cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ |
Tình hình Myanmar: Biểu tình tiếp diễn, chính quyền quân sự tiếp tục chịu áp lực từ hai phía
Ngày 25/3, sau cuộc đình công im lặng toàn quốc với việc người dân ở trong nhà, các doanh nghiệp đóng cửa để phản đối chính quyền quân sự, hàng nghìn nhà hoạt động dân chủ tiếp tục đổ xuống các đường phố của Myanmar để biểu tình.
Các cuộc biểu tình hôm nay diễn ra tại thành phố Yangon, Monywa và một số thành phố khác, các nhân chứng và thông tin trên mạng xã hội cho biết.
Nant Khi Phyu Aye, một trong những người có mặt trên đường phố cho biết, nhiều người biểu tình là thanh niên. “Họ muốn biểu tình mỗi ngày, không nghỉ một ngày nào”.
Trong một diễn biến khác, hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Mỹ đang lên kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát trong một dấu hiệu cho thấy sức ép quốc tế ngày càng tăng đối với cuộc chính biến ngày 1/2. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Myanmar: Hội đồng Nhân quyền LHQ báo động tình trạng bạo lực, chính quyền quân sự nói nghị quyết 'thiếu công bằng' |
Tắc kênh đào Suez do tàu container mắc cạn
Một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới là kênh đào Suez (Ai Cập) đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, sau khi một tàu container cỡ lớn gặp nạn và bị mắc cạn khiến tàu thuyền khác không thể di chuyển.
Theo ban quản lý kênh đào Suez, tàu container Ever Given (mang cờ Panama) dài 400m và có trọng tải 224.000 tấn đã bị mắc kẹt tại đây khi đang trên đường đến cảng Rotterdam (Hà Lan). Điều kiện thời tiết xấu với gió mạnh và bão cát cản trở tầm nhìn nên tàu đã mất kiểm soát và đâm vào bờ rồi mắc cạn.
Hiện tàu Ever Given đang nằm chặn ngang kênh đào Suez, khiến các tàu thuyền khác cũng bị mắc kẹt và không thể di chuyển. Nhà chức trách đã điều 8 tàu lai dắt đến "giải cứu" tàu Ever Given, song công tác khắc phục sự cố sẽ phải mất vài ngày. Với thiệt hại sau vụ việc, nhiều khả năng tàu Ever Given sẽ không thể di chuyển mà phải được lai dắt đến bến cảng gần nhất để sửa chữa. (Reuters)