Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky 'xuống tay', ký sắc lệnh trừng phạt các thực thể Nga
Ngày 28/1, trên trang web của Tổng thống Ukraine công bố sắc lệnh mà Tổng thống Volodymyr Zelensky ký về các biện pháp mới trừng phạt Moscow, theo đó áp đặt các hạn chế đối với các pháp nhân và cá nhân của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những đối tượng cụ thể nào nằm trong diện bị trừng phạt.
Tổng thống Zelensky cũng chỉ thị thông báo cho nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia khác về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự. (Unian)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Ukraine: Bán đảo Crime là 'vết thương hở' của Nga mà Kiev đã 'sát đủ muối' |
Italy: Đảng Dân chủ đề cử ông Giuseppe Conte tiếp tục làm thủ tướng
Ngày 28/1, trong cuộc tham vấn với Tổng thống Sergio Mattarella, Lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) trung tả của Italy Nicola Zingaretti đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Giuseppe Conte, người vừa đệ đơn từ chức Thủ tướng, đồng thời cho rằng một giải pháp cần phải được đưa ra nhanh chóng
Ông Zingaretti đã đề xuất trao cho ông Conte nhiệm vụ thành lập chính phủ mới nhằm tháo gỡ thế bế tắc chính trị hiện nay ở nước này.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo đảng PD này không giải thích rõ làm thế nào một chính phủ mới ở Italy có thể được thành lập nếu thiếu sự ủng hộ của đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Italy từ chức: Khó khăn riêng, thách thức chung thời Covid-19 |
Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh tuyên bố lợi ích chung với Mỹ vượt xa bất đồng
Ngày 29/1, phát biểu với một phái đoàn Hạ nghị sĩ Mỹ đang thăm Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước này Vương Kỳ Sơn cho rằng, lợi ích chung giữa hai nước vượt xa những bất đồng giữa hai bên.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, ông Vương đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng, duy trì tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, cũng như xử lý các bất đồng là chìa khóa để thúc đẩy các quan hệ hai chiều ổn định và lành mạnh.
Cùng ngày, Chủ tịch Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende cho biết, các thành viên trong chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp Trung Quốc có thể gặp nhau tại hội nghị WEF diễn ra tại Singapore trong tháng 5 tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Khuyên Mỹ đừng coi Trung Quốc là 'kẻ thù tưởng tượng', Bắc Kinh kêu gọi hợp tác tin tưởng lẫn nhau |
Vấn đề Đài Loan: Quân đội của ông Biden lên tiếng
Ngày 28/1, Lầu Năm Góc tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với khả năng tự vệ của Đài Loan, đồng thời cho rằng, không có lý do gì để căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan "dẫn đến tình huống như đối đầu".
Tuyên bố của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby là phát biểu đầu tiên của quân đội Tổng thống Joe Biden về căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức tuần trước và được đưa ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó đe dọa rằng, nền độc lập cho Đài Loan "có nghĩa là chiến tranh". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Global Times: Trung Quốc đe dọa hành động quân sự trước các diễn tiến trong quan hệ Mỹ-Đài Loan (Trung Quốc) |
Trung Quốc-Nhật Bản: Tokyo lên tiếng về Luật Hải cảnh mới của Bắc Kinh
Ngày 29/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi kêu gọi Trung Quốc đảm bảo Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2 tới, phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ với sự quan tâm cao độ về các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc ban hành luật sẽ tác động như thế nào đến những nước khác", ông Motegi nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố sẽ phản ứng "một cách bình tĩnh và kiên quyết" trước bất kỳ hành động nào của lực lượng hải cảnh Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Luật mới của Trung Quốc có thể nhắm vào các tàu Nhật Bản hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Tân Ngoại trưởng Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Manila gửi Bắc Kinh công hàm phản đối Luật Hải cảnh |
Trung Quốc không công nhận hộ chiếu Anh cho người Hong Kong
Từ ngày 31/1, những người mang quốc tịch Anh (hải ngoại) sẽ có thể nộp đơn xin sống và làm việc tại Anh trong thời gian tối đa 5 năm và sau đó xin nhập quốc tịch Anh.
Theo chính sách mới, bất kỳ cư dân Hong Kong nào sinh trước năm 1997 (tương đương với khoảng 2,9 triệu người trưởng thành và 2,3 triệu người phụ thuộc) đều đủ điều kiện đăng ký hộ chiếu hải ngoại của Anh.
Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ không công nhận hộ chiếu hải ngoại của Anh là giấy thông hành hợp lệ hoặc để nhận dạng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bất chấp cảnh cáo, Anh bắt đầu chương trình thị thực mới cho người Hong Kong, Trung Quốc lên tiếng |
Ấn Độ-Trung Quốc: Công ty chủ quản của TikTok phản đòn Ấn Độ
Ngày 28/1, báo Economic Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Người khổng lồ Internet của Trung Quốc ByteDance đã bắt đầu quá trình sa thải nhân viên ở Ấn Độ sau khi chính quyền New Delhi áp đặt lệnh cấm vĩnh viễn đối với các ứng dụng phổ biến nhất của hãng này là TikTok và Helo trong tuần qua.
Theo đó, khoảng 800 trong số hơn 2.000 người Ấn Độ có thể mất việc làm, trong khi cũng có nguồn tin nói rằng tất cả đều có thể bị ảnh hưởng, trừ 100-200 nhân viên hỗ trợ các nhóm toàn cầu hoặc đảm nhận các vai trò quan trọng.
Những người bị sa thải sẽ được cung cấp các khoản tiền về y tế và ngừng hợp đồng.
ByteDance hiện chưa đưa ra bình luận, nhưng những người liên quan đến công ty cho biết, hãng này đã cố gắng duy trì sự hiện diện ở Ấn Độ, dù chỉ với một nhóm nhỏ. (Economic Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ cấm vĩnh viễn Tiktok, WeChat và 57 ứng dụng của Trung Quốc |
Ấn Độ-Nhật Bản họp chung lần thứ 5 của Diễn đàn "hành động phía Đông"
Ngày 28/1, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nước này và Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp chung lần thứ 5 của Diễn đàn "hành động phía Đông" Ấn Độ-Nhật Bản (AEF) tại New Delhi.
AEF cung cấp nền tảng cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản ở Khu vực Đông Bắc theo Chính sách "Hành động phía Đông” của Ấn Độ và tầm nhìn của Nhật Bản về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Tại cuộc họp này, hai bên đã xem xét tiến độ của các dự án đang thực hiện ở vùng Đông Bắc Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm kết nối, thủy điện, phát triển bền vững, khai thác tài nguyên nước và phát triển kỹ năng.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về hợp tác trong các lĩnh vực mới như chăm sóc sức khỏe, công nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển chuỗi giá trị, thành phố thông minh, du lịch và giao lưu nhân dân. (Economic Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông |
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Tehran tái khẳng định lập trường
Ngày 29/1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, nước này sẽ không chấp nhận những yêu cầu của Mỹ về việc Tehran phải đảo ngược kế hoạch làm giàu uranium trong chương trình hạt nhân trước khi Washington dỡ bỏ trừng phạt.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Zarif cho rằng, yêu cầu của Washington “là không thực tế và sẽ không xảy ra”.
Trước đó, ngày 28/1, truyền hình nhà nước Iran đưa tin, nước này đã sản xuất 17kg uranium làm giàu ở mức 20% trong vòng 1 tháng, vượt mục tiêu 10kg/tháng, qua đó đưa chương trình hạt nhân của Tehran tiến gần hơn tới cấp độ có thể sản xuất vũ khí.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và Iran phối hợp với nhau để phá vỡ thế bế tắc hiện tại về thỏa thuận hạt nhân quốc tế.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng cho rằng, "có nhiều công việc phải thực hiện nhưng tôi không trông đợi một giải pháp ngay lập tức". (Reuters, AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan điểm của tân Ngoại trưởng Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran |
Nga phát hiện hàng chục máy bay do thám nước ngoài gần biên giới
Ngày 29/1, báo Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, các trạm radar của Nga đã phát hiện 30 máy bay nước ngoài đang tiến hành do thám trên không gần biên giới nước này trong tuần qua.
Thông tin đồ họa của báo trên cho thấy, đội máy bay trên gồm có 27 máy bay do thám nước ngoài và 3 máy bay không người lái. Báo này dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết không xảy ra vụ xâm phạm biên giới nước Nga nào từ nhóm máy bay trên.
Trước đó, cùng ngày, Nga cũng thông báo, tàu khu trục Porter của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đen và lực lượng Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu theo dõi hành động của tàu Mỹ. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đen, Nga giám sát chặt |
Bán đảo Triều Tiên: Mỹ cam kết duy trì các cuộc tập trận với Hàn Quốc
Ngày 28/1, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc thông qua các cuộc tập trận.
Ông Austin đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục theo đuổi các loại vũ khí tiên tiến mới, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Tuyên bố của ông Kirby được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, cho rằng các cuộc tập trận như vậy đi ngược lại các thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Dự báo thế giới 2021: Sẽ có Hội nghị thượng đỉnh Moon-Kim lần thứ 4? |
Địa Trung Hải: Hải quân Ai Cập và Hy Lạp tập trận chung
Ngày 28/1, Hải quân Ai Cập đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Hy Lạp ở Địa Trung Hải. Đây là một phần trong kế hoạch của lực lượng vũ trang Ai Cập nhằm trao đổi chuyên môn với các quốc gia láng giềng thân thiện.
Theo thông báo của lực lượng vũ trang Ai Cập, khinh hạm Taba của nước này và tàu chiến HS HYDRA F-452 của Hy Lạp đã tham gia cuộc tập trận nói trên, trong đó có một số hoạt động huấn luyện chung.
Thông báo khẳng định, cuộc tập trận diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Ai Cập và Hy Lạp, theo đó trao đổi chuyên môn nhằm củng cố lợi ích chung về an ninh hàng hải và ổn định khu vực. (Egypt Today)
TIN LIÊN QUAN | |
EU-Thổ Nhĩ Kỳ sắp lâm vào một 'cuộc chiến' mới? |
Mỹ-Afghanistan: Ngoại trưởng Blinken điện đàm với Tổng thống Ghani
Ngày 28/1, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để thảo luận về cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đối tác Mỹ-Afghanistan.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Blinken đã nêu bật sự hỗ trợ về mặt ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ đối với tiến hình hòa bình tại Afghanistan, tập trung vào việc giúp các bên xung đột đạt được một thỏa thuận chính trị và bền vững cũng như một lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài, vì lợi ích của người dân Afghanistan.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ đang xem xét lại thỏa thuận Mỹ-Taliban hồi tháng 2/2020 và xem xét việc Taliban có tuân thủ những cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, giảm bạo lực tại Afghanistan và tiến hành đàm phán với Chính phủ Afghanistan và các bên liên quan.
Ông Blinken cũng cam kết sẽ tham vấn Chính phủ Afghanistan, các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác quốc tế về một chiến lược tập thể nhằm hỗ trợ xây dựng một tương lai ổn định, an toàn, đảm bảo chủ quyền và dân chủ cho Afghanistan.