Cuộc hòa đàm Nga-Ukraine diễn ra ngày 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhờ sự năng nổ của Ankara. (Nguồn: Hurriyet Daily News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Hòa đàm Nga-Ukraine đã bắt đầu ở Istabul vào ngày 29/3, tập trung vào một số vấn đề quan trọng.
Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết: "Quan trọng nhất là thỏa thuận về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine, bởi vì với thỏa thuận này, chúng tôi sẽ có thể kết thúc chiến tranh khi Ukraine cần... Vấn đề thứ 2 là ngừng bắn để giải quyết tất cả các vấn đề nhân đạo còn tồn đọng".
Theo ông Podolyak, một vấn đề khác là "sự leo thang chiến tranh", bao gồm cả những gì ông miêu tả là "vi phạm các quy tắc chiến tranh", song không nêu cụ thể. (Reuters)
* Sẽ sớm biết đàm phán Nga-Ukraine có triển vọng hay không, đó là bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov về số phận của các cuộc hòa đàm.
Theo ông Peskov, nếu không có điều gì "hứa hẹn" đạt được trong cuộc đàm phán tới đây, Nga sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự đặc biệt, với một trong những mục tiêu là "phi hạt nhân hóa" Ukraine. (TASS)
* Nga dồn tổng lực "giải phóng Donbass", cảnh cáo NATO: Ngày 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, nước này đã hoàn tất mọi nhiệm vụ chính trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, hoạt động quân sự sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu đã đề ra, bởi "tiềm lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine đã suy giảm đáng kể, điều này cho phép quân đội Nga dồn toàn lực vào việc đạt được mục tiêu chính, đó là giải phóng vùng Donbass".
Bộ trưởng Shoigu còn chỉ trích quan điểm của các nước phương Tây trong hoạt động cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là "vô trách nhiệm", đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả đầy đủ nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp máy bay và hệ thống phòng không cho phía Kiev.
Trước đó, Moscow đã ra thông báo về kết quả mới nhất của chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi Kiev nói rằng, các lực lượng của Nga đã bị đẩy lùi khỏi nơi có vị trí chiến lược gần thủ đô Kiev. (Sputnik, Reuters)
* Serbia sẵn sàng tổ chức hòa đàm Nga-Ukraine tại Belgrade, theo lời của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ông nhắc lại rằng, thủ đô của quốc gia Balkan này từng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán về Ukraine và Afghanistan.
Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền thông Serbia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow mong muốn có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine và sẵn sàng cân nhắc nhiều địa điểm để tổ chức các cuộc đàm phán với Kiev, trong đó có Belgrade.
Tuy vậy, ông lưu ý, không cần thiết phải đưa Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ - những nước ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột - vào tiến trình đàm phán hòa bình.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Có rất nhiều ví dụ về những lần thành tựu ngoại giao bị các đồng nghiệp phương Tây làm tan vỡ. Không thể tin tưởng họ được nữa". (RT, TASS)
* Tổng Giám đốc IAEA đến Ukraine: Ngày 29/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo, Tổng Giám đốc cơ quan này Rafael Grossi đang ở thăm Ukraine để "xúc tiến hỗ trợ an ninh và an toàn nhanh chóng cho các cơ sở hạt nhân" của quốc gia Đông Âu.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Grossi tới Ukraine sau khi Nga chiếm giữ một số cơ sở hạt nhân, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 2.
Cảnh báo cuộc xung đột quân sự đang đặt các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở khác có chất phóng xạ của Ukraine vào tình trạng nguy hiểm chưa từng có, lãnh đạo IAEA nói: "Ukraine đã yêu cầu chúng tôi hỗ trợ về an toàn và an ninh. Bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu đáp ứng yêu cầu này". (AFP)
* Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) kêu gọi Nga-Ukraine đạt thỏa thuận về sơ tán dân thường khỏi thành phố miền Nam Mariupol bị bao vây của Ukraine và những khu vực khác, trong bối cảnh các nguồn cung thiết yếu đang cạn kiệt.
Tổng giám đốc ICRC Robert Mardini khẳng định, cơ quan này sẽ không tham gia vào bất kỳ chiến dịch bắt buộc nào để sơ tán dân thường khỏi Ukraine và cũng không có thông tin trực tiếp về những gì đang xảy ra. Ông nói: "Mối quan tâm của chúng tôi là cường độ của cuộc chiến đang gây tổn hại cho dân thường".
Theo ông, Ukraine và Nga phải cho phép ICRC tới thăm tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ, theo Công ước Geneva và trao trả hài cốt những người thiệt mạng trong xung đột.
Trong khi đó, ngày 29/3, Ukraine thông báo sẽ mở lại 3 hành lang nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh sau 1 ngày tạm đóng cửa. (Reuters, AFP)
* Ukraine ước tính thiệt hại kinh tế sau hơn một tháng xung đột quân sự với Nga là gần 564,9 tỷ USD (515,8 tỷ Euro), bao gồm thiệt hại trước mắt, cùng với thiệt hại dự kiến trong hoạt động kinh tế và thương mại.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko lưu ý rằng, các con số tăng lên từng ngày, trong đó, thiệt hại đối với tài sản công và tư là yếu tố lớn nhất.
Thiệt hại cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm đường xá, đường sắt và sân bay bị hư hỏng, tổng cộng lên tới 119 tỷ USD, trong khi thiệt hại đối với tài sản tư nhân, kể cả nhà ở, là 90,5 tỷ USD. Thiệt hại và mất mát của các công ty tư nhân là 80 tỷ USD.
Bà Svyrydenko ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Ukraine sẽ giảm 112 tỷ USD, hơn 55% so với năm trước.
Chính phủ Ukraine nhiều khả năng sẽ mất 48 tỷ USD doanh thu từ thuế, hoặc gần như tất cả những gì họ mong đợi sẽ thu được trong năm nay. Trong khi đó, 54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ không thành hiện thực.
Theo quan chức Ukrain, chính phủ nước này sẽ tìm cách tịch thu các tài sản Nga tại nước này để bồi thường. (Interfax)
TIN LIÊN QUAN | |
Hành trình sơ tán của người Việt ở 'điểm nóng' Mariupol |
Nga
* Điện Kremlin nhận định, sớm muộn gì Nga và Mỹ cũng cần đối thoại về an ninh, nhưng quan hệ hai nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi "những lời xúc phạm cá nhân" của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắm vào người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Những lời xúc phạm cá nhân không thể hủy hoại nhưng để lại vết hằn trong quan hệ giữa các nguyên thủ quốc gia".
Nga có thể đang ám chỉ bình luận của ông Biden hôm 25/3 rằng, "ông Putin không thể tiếp tục cầm quyền”. Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần làm rõ bình luận trên của Tổng thống Biden, khẳng định không tìm cách thay đổi chế độ ở Nga.
Cùng ngày, Moscow cáo buộc Mỹ đứng đầu chiến dịch quy mô lớn trên mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước của Nga, cảnh báo sẽ bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. (Reuters)
* Nga trục xuất các nhà ngoại giao của 3 nước Baltic: Các hãng thông tấn TASS và RIA của Nga dẫn một nguồn tin cho biết, ngày 29/3, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập các đại sứ của ba nước Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania để thông báo về quyết định trục xuất một số nhà ngoại giao.
Trước đó hồi đầu tháng 3, các nước Baltic trên đã trục xuất tổng cộng 10 nhà ngoại giao Nga trong một hành động trừng phạt phối hợp liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
* Điện Kremlin bình luận về khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân: Ngày 28/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, Moscow sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân trong trường hợp "có mối đe dọa tới sự tồn vong" của Nga.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn với Đài PBS, ông Peskov nói: "Bất luận kết quả chiến dịch ở Ukraine ra sao, dĩ nhiên chúng tôi không thấy có lý do phải sử dụng vũ khí hạt nhân".
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Peskov khẳng định chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không nhắm tới nhà hay căn hộ của thường dân. (TASS)
* Nga xếp kênh DW của Đức là "tình báo nước ngoài": Bộ Tư pháp Nga đã xếp kênh truyền hình Deutsche Welle (DW, tạm dịch: Làn sóng Đức) là "tình báo nước ngoài", theo đó mọi chương trình phát sóng phải được gắn nhãn theo quy định luật pháp của Nga.
Trang web của DW đã bị cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga Roskomnadzor chặn từ đầu tháng 3/2022.
TIN LIÊN QUAN | |
Giá dầu thế giới: Thế khó của Mỹ và EU |
Mỹ-Trung Quốc
* Trung Quốc phản đối gay gắt dự luật cạnh tranh của Mỹ: Ngày 29/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ dự luật của Mỹ nhằm tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Trả lời họp báo, ông Uông nêu rõ: "Nội dung của dự luật phóng đại lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc, kích động sự phát triển của đối thủ chiến lược với Trung Quốc, tràn ngập tư duy thời Chiến tranh Lạnh".
Khẳng định dự luật đi ngược lại mong muốn của công chúng ở cả Trung Quốc và Mỹ nhằm tăng cường liên hệ và hợp tác, ông Uông nêu rõ: "Phía Trung Quốc cực lực phản đối và sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình".
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ nên duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn, thay vì lấy Trung Quốc làm cái cớ cho mọi thứ và coi Trung Quốc như một kẻ thù trong tưởng tượng".
Dự luật của Mỹ nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn trong việc cung cấp các mặt hàng như chất bán dẫn và khôi phục việc làm ở Mỹ. Dự luật quy định việc phân bổ 45 tỷ USD để cải thiện chuỗi cung ứng của Mỹ và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ngoài ra, dự luật yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden và người kế nhiệm phải đệ trình một báo cáo sáu tháng một lần nhằm xác định các lĩnh vực đối thoại tiềm năng với Trung Quốc liên quan đạn đạo, siêu thanh, hạt nhân, vũ trụ và kỹ thuật số, cũng như vấn đề kiểm soát vũ khí. (Sputnik)
* Mỹ nhận định mối đe dọa chính đến từ Trung Quốc: Theo Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks, Chiến lược quốc phòng của Bộ này - đã được đệ trình lên các nhà lập pháp ở Quốc hội - cho rằng: “Nga vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc và tham vọng của họ mới là thách thức số một”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Không phải Nga, Mỹ nhận định mối đe dọa chính đến từ nước nào? |
Hội nghị Ngoại trưởng các nước láng giềng Afghanistan: Trung Quốc chủ trì, Mỹ dự
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc họp Ngoại trưởng lần thứ ba các nước láng giềng của Afghanistan tại huyện Đồn Khê, tỉnh An Huy ở miền Đông Trung Quốc từ ngày 30-31/3.
Ngoại trưởng hoặc đại diện của Pakistan, Iran, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan sẽ tham dự cuộc họp này.
Sau đó, ông Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc đối thoại cấp Ngoại trưởng các nước láng giềng Afghanistan và Afghanistan. Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ do Taliban lập nên ở Afghanistan Amir Khan Muttaqi sẽ được mời tham dự cuộc đối thoại.
Ngoại trưởng 2 nước Indonesia và Qatar sẽ được mời tham gia với tư cách khách mời. Mỹ cũng sẽ cử đại diện tham dự các sự kiện này. (THX, Reuters)
| Tin thế giới ngày 28/3: Điện Kremlin nói đàm phán Nga-Ukraine không tiến triển, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định còn cơ hội; Hội nghị Negev ra tuyên bố Điện Kremlin nói đàm phán Nga-Ukraine không tiến triển, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định còn cơ hội; Hội nghị Negev ra tuyên bố chung là ... |
| Xung đột Nga-Ukraine, trừng phạt từ phương Tây và thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp Trung Quốc Trong những tuần tới, ban lãnh đạo của ba nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, gồm Geely, Great Wall và Cherry, sẽ phải đưa ... |