Bắc Kinh cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu EU tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp của Trung Quốc. (Nguồn: VCG) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Báo động không kích khắp Ukraine trong ngày 8/5, chỉ vài giờ sau khi Nga tiến hành hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa quy mô lớn vào quốc gia Đông Âu hồi đêm qua.
Các blogger quân sự Ukraine cho hay, cảnh báo không kích có thể đã được kích hoạt sau khi một máy bay chiến đấu của Nga được trang bị vũ khí siêu thanh Kinzhal cất cánh.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo, các lực lượng của họ đã phá hủy tổng cộng 35 UAV Shahed do Iran chế tạo mà Nga sử dụng trong các cuộc không kích đêm trước đó.
Báo cáo cập nhật của bộ trên xác nhận: "Nga cũng tiến hành 16 cuộc tấn công bằng tên lửa đêm qua, đặc biệt là ở các thành phố Kharkov, Kherson, các khu vực Mykolaiv và Odessa".
Ngoài ra, theo báo cáo, Nga tiến hành 61 vụ không kích và 52 cuộc tấn công khác từ các hệ thống hỏa lực rocket hạng nặng trong cả ngày 7/5 nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Ukraine. (Reuters)
* Chỉ thị mới của Tổng thống Nga: Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cảnh báo, khả năng Nga leo thang xung đột vào ngày 9/5-Ngày Chiến thắng đánh dấu sự kiện đánh bại Đức Quốc xã-là không thể lường trước được.
Trên kênh Telegram, bà Maliar cho rằng, Kiev phải luôn chuẩn bị sẵn sàng trước năng lực quốc phòng của đối phương.
Theo thông tin tình báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu quân đội nước này phải tiến đến khu vực biên giới hành chính của hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk trước ngày 9/5. (Ukrinform)
* Czech khuyên Ukraine không vội phản công: Ngày 7/5, Tổng thống Czech Petr Pavel nói rằng, nếu Ukraine thất bại trong cuộc phản công đang được lên kế hoạch, Kiev sẽ không còn cơ hội thứ hai.
Theo nhà lãnh đạo, Kiev không nên vội vàng phản công vì quân đội Ukraine dù mạnh đến đâu cũng có thể phải chịu "những tổn thất khủng khiếp" trong quá trình tác chiến, vì vậy, "nếu chỉ có một lần, cần đợi thời gian để nó thành công”.
Ông Pavel cũng kêu gọi phương Tây chuẩn bị cho thực tế Ukraine có thể sẽ không đạt được các mục tiêu đã nêu. (The Kyiv Independent)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Nga hành động khẩn trước kế hoạch phản công, Kiev khoe hạ vũ khí 'độc nhất vô nhị' của Moscow? |
Châu Âu
* Tổng thống Pháp sẽ thăm cấp nhà nước tới Đức, theo thông báo của Berlin ngày 8/5, trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng giữa hai bên từ chính sách năng lượng cho đến quan hệ với Trung Quốc.
Theo lịch trình cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm Đức từ ngày 2-4/7 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier "để tôn vinh mối quan hệ hữu nghị thân thiết giữa hai nước nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Elysee" về quan hệ song phương. (AFP)
* Thủ tướng và nhiều bộ trưởng Slovakia từ chức: Ngày 7/5, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger đã đề nghị Tổng thống nước này Zuzana Caputova miễn nhiệm ông, chỉ vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử sớm vào tháng 9.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Vlcan, Ngoại trưởng Rastislav Kacer, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế trong chính phủ tạm quyền của ông Heger cũng từ chức.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở Slovakia.
Sau loạt động thái trên, Tổng thống Caputova đã bổ nhiệm Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Ludovit Odor làm người lãnh đạo một chính phủ kỹ trị mới, đồng thười cho biết, bà sẽ chỉ định một chính phủ mới sau ngày 15/5. (Reuters, AFP)
* Pháp-Italy xích mích về phát ngôn: Ngày 7/5, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết, nước này không hài lòng với lời xin lỗi của Paris về việc Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 4/5 nói Rome "không có khả năng giải quyết các vấn đề di cư".
Theo Ngoại trưởng Tajani, Pháp cần có "những từ ngữ rõ ràng hơn", đồng thời hy vọng rằng chính phủ Pháp "sẽ thay đổi quan điểm và đưa ra lời xin lỗi thể hiện sự tương phản với các quan điểm mà ông Darmanin đã nói".
Ngày 4/5, Ngoại trưởng Tajani hủy chuyến thăm Paris vào phút chót để phản đối bình luận của ông Darmanin.
Ngày 5/5, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran nỗ lực xoa dịu căng thẳng khi nói với CNews rằng, ông chắc chắn Bộ trưởng Darmanin không muốn tẩy chay Italy. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hai 'mảnh ghép' EU căng thẳng, Italy không hài lòng với lời xin lỗi của Pháp |
Trung Quốc
* Bị EU tính trừng phạt 'gà nhà', Trung Quốc phát cảnh báo cứng: Theo dự thảo Financial Times được tiếp cận, EU đã đưa 7 công ty Trung Quốc, bị cáo buộc bán cho Nga linh kiện có thể được sử dụng trong vũ khí, vào danh sách dự thảo gói trừng phạt mới.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đề nghị áp đặt trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Gói này sẽ được các nước thành viên EU thảo luận trong tuần này.
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nếu các biện pháp trừng phạt đó có hiệu lực, Bắc Kinh sẽ có hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình.
Người phát ngôn bộ trên Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Quan hệ kinh tế và thương mại Nga-Trung Quốc công bằng và minh bạch, không nhắm đến bất cứ nước thứ ba nào cũng như không phải mục tiêu để một bên thứ ba nào khác can dự và cưỡng ép”.
Theo ông, nếu EU áp đặt trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc thì hành động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin và sự hợp tác với Bắc Kinh, làm leo thang sự chia rẽ và đối đầu trên toàn cầu. (Financial Times, Reuters)
* Trung Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á tại tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc nước này từ 18-19/5.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ngày 8/5, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trên.
* Quan chức cấp cao Trung Quốc bận rộn công du các châu lục: Ngày 8/5, hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama) cho hay, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế sẽ thực hiện chuyến thăm Malaysia (châu Á), Morocco và Senegal (châu Phi) từ ngày 11-20/5.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết, Ngoại trưởng nước này Tần Cương sẽ công du Đức, Pháp và Na Uy từ ngày 8-12/5 tới. (Reuters, Bernama)
TIN LIÊN QUAN | |
Châu Âu 'đặt cược' rủi ro với Trung Quốc hay đi theo tiếng gọi của Mỹ? |
Đông Bắc Á
* Thượng đỉnh Hàn-Nhật: Ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khi ông thăm chính thức Seoul.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cử một nhóm chuyên gia Hàn Quốc đến kiểm tra kế hoạch xả nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân đang ngừng hoạt động Fukushima.
Trong cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Kishida bày tỏ sự đau đớn trước những trải nghiệm đau buồn của các nạn nhân lao động cưỡng bức của thời kỳ thuộc địa,
Nhà lãnh đạo Nhật Bản mong muốn xây dựng lòng tin lớn hơn với Tổng thống Yoon Suk Yeol để "mở ra một kỷ nguyên mới" trong quan hệ song phương.
Theo ông Kishida, Nhật Bản sẵn sàng thúc đẩy giao lưu nhân dân với các nước láng giềng để "làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển quan hệ song phương". (Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật dự kiến hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore từ ngày 2-4/6, Yonhap đưa tin ngày 8/5.
Nếu diễn ra, sự kiện này sẽ đánh dấu cuộc gặp song phương đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước kể từ tháng 11/2019.
Tại hội đàm, hai bên dự kiến thảo luận về một loạt vấn đề an ninh đang chờ xử lý, bao gồm tranh cãi trong quá khứ về việc máy bay tuần tra biển của Nhật Bản tiếp cận tàu chiến Hàn Quốc vào năm 2018 và 2019.
* Nhật Bản trang bị tên lửa đối phó Triều Tiên: Tại cuộc họp báo ngày 8/5, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết, nước này sẽ triển khai tên lửa đất đối không Patriot (PAC3) tại căn cứ Miyakojima của Lực lượng phòng vệ trên không, thuộc thành phố Miyakojima, tỉnh Okinawa.
PAC3 cũng sẽ được trang bị tại căn cứ của lực lượng phòng vệ mặt đất tại Ishigaki và Yonaguni, cũng thuộc tỉnh Okinawa.
Đây là biện pháp nhằm ứng phó với hoạt động phóng vệ tinh trinh sát quân sự của Triều Tiên. Ông Matsuno cho biết, việc trang bị PAC3 nhằm tăng khả năng ứng phó cần thiết, dựa trên các cơ sở đánh giá mang tính tổng hợp, đồng thời, đảm bảo hòa bình và an toàn cho Nhật Bản. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyến thăm sớm Hàn Quốc và những tính toán 'vừa vặn' của ông Kishida |
Trung Đông
* Mỹ-UAE-Saudi Arabia-Ấn Độ thảo luận tình hình Trung Đông: Nhà Trắng thông báo, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cùng các cố vấn an ninh quốc gia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ.
Theo thông báo, cuộc gặp nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một khu vực Trung Đông an toàn và thịnh vượng kết nối với Ấn Độ và thế giới. (Sputnik)
* Căng thẳng Israel-Palestine về các khu định cư Do Thái mới: Ngày 7/5, THX đưa tin, Palestine phản đối việc Israel xây dựng khu định cư mới gần làng Mukhmas của Palestine, cách thành phố Jerusalem 8 km về phía Đông Bắc, coi động thái này "vi phạm luật pháp quốc tế".
Bộ Ngoại giao Palestine khẳng định đang theo dõi mọi diễn biến liên quan với Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Israel chưa đưa ra bình luận nào.
Trong khi đó, cùng ngày, Cơ quan quản lý đất đai Israel đã chào các gói thầu riêng cho việc xây dựng 1.248 căn nhà định cư mới ở Bờ Tây bất chấp việc nước này hồi tháng 2 cam kết sẽ tạm dừng cấp phép các khu định cư mới trong 4 tháng.
Cũng trong ngày 7/5, cơ quan chức năng Israel đã phá dỡ trường Jib Al-Deeb tại thành phố Bethlehem - vốn do EU tài trợ cho người Palestine - do cho rằng, công trình này được xây dựng không phép với kiến trúc không đảm bảo an toàn, có nguy cơ sụp đổ.
Bộ Giáo dục Palestine đã lên án hành động của Israel, đồng thời quan ngại việc học sinh bị tước quyền được giáo dục trong môi trường tự do và an toàn. Trong khi đó, EU khẳng định, việc phá dỡ ngôi trường "là trái phép theo luật pháp quốc tế và quyền được giáo dục của trẻ em phải được tôn trọng". (THX, Times of Israel)
* Syria về với "thế giới Arab": Ngày 7/5, ngoại trưởng các nước thành viên thuộc Liên đoàn Arab (AL) đã nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) và thông qua quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong khối.
AL cũng đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng, bao gồm đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Lebanon và Tổng thư ký AL Ahmed Abul-Gheit, nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria.
Tuy nhiên, quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL không đồng nghĩa với việc khôi phục quan hệ bình thường giữa Syria và các quốc gia Arab, vì đây là quyết định có chủ quyền của từng quốc gia.
Chính vì vậy, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majid bin Muhammad Al-Ansari cho biết, quan điểm của nước này về “bình thường hóa với chính quyền Syria không thay đổi”, đó là sẽ phải gắn với tiến trình có thể hướng tới "một giải pháp chính trị" nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria.
Theo ông Al-Ansari, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải "giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng dẫn đến việc họ bị tẩy chay và thực hiện các bước tích cực để giải quyết các vấn đề của người dân Syria". (AFP, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Syria trở về 'vòng tay' Arab sau 12 năm: Hy vọng mới về sự hồi sinh, Damascus có quyền ngồi vào 'bất cứ ghế nào' |
Tình hình Sudan
* Đàm phán chưa có tiến triển lớn, Indonesia ra lời kêu gọi: Ngày 8/5, một nhà ngoại giao giấu tên của Saudi Arabia cho hay, cuộc đàm phán giữa các tướng lĩnh của các bên đối địch ở Sudan cho đến nay "không có bước tiến lớn nào".
Theo các quan chức ngoại giao của Saudi Arabia, các bên chưa hề đưa ra một lệnh ngừng bắn lâu dài nào để thảo luận và các bên đều tin rằng họ có khả năng chiến thắng trong giao tranh”.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hối thúc ngừng sử dụng vũ lực và bạo lực tại Sudan vì người dân vô tội sẽ là nạn nhân của súng đạn trong khi bạo lực sẽ không giúp bên nào chiến thắng.
Người đứng đầu chính quyền Indonesia kêu gọi các bên tại Sudan ngồi lại với nhau và tạo ra không gian đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cuối cùng cho hòa bình tại quốc gia châu Phi này. (AFP)
* OIC kêu gọi viện trợ khẩn cấp, Saudi Arabia viện trợ 100 triệu USD cho Sudan: Ngày 7/5, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức tài chính và nhân đạo cũng như các nhà tài trợ quốc tế cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Sudan.
OIC hối thúc “tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn viện trợ nhân đạo” và kêu gọi các bên “tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu ở các vùng khác nhau” của Sudan.
Trong khi đó, cùng ngày, Saudi Arabia thông báo sẽ phân bổ 100 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Sudan.
| Điểm tin thế giới sáng 8/5: Syria trở lại Liên đoàn Arab, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đề nghị của Mỹ, Slovakia sắp có Thủ tướng mới? Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 8/5. |
| Tình hình Ukraine: Czech khuyên Kiev đừng vội phản công, Thổ Nhĩ Kỳ nói không trước đề nghị của Mỹ về viện trợ vũ khí Nga Ngày 7/5, Tổng thống Czech Petr Pavel nói rằng, Ukraine không cần vội phản công bởi nếu thất bại, Kiev sẽ không còn cơ hội ... |
| Financial Times: EU tính 'sờ gáy' doanh nghiệp Trung Quốc, lập trường tránh trừng phạt đã thay đổi? Theo dự thảo trừng phạt Financial Times được tiếp cận, hiện Liên minh châu Âu (EU) đang nhắm mục tiêu trừng phạt 7 công ty ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (1-7/5): Quân Ukraine bắn súng phóng lựu chống tăng, Điện Kremlin bị tấn công, du khách ‘đổ xô’ xem UAV chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ Xung đột ở Ukraine, Điện Kremlin bị tấn công, Moscow cáo buộc Kiev, Lễ đăng quang Vua Charles III của Hoàng gia Anh, tình hình ... |
| Tiết lộ quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ khẳng định không ganh đua trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine Ngày 7/5, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết, nước này đã cố gắng giúp giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ... |