Vụ phóng ICBM ngày 18/12 của Triều Tiên nhắn gửi nhiều thông điệp. (Nguồn: KCNA) |
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), ngày 18/12, cho biết, tên lửa của Triều Tiên được phóng theo góc cao, đã bay được khoảng 1.000 km ở độ cao tối đa 6.000 km. Theo NHK (Nhật Bản), tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này và không gây thiệt hại.
Theo Yonhap, ICBM này có khả năng bay hơn 15.000 km nếu phóng ở góc thông thường (tức từ 30 độ-45 độ). Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, về lý thuyết tên lửa này của Triều Tiên có khả năng tấn công trực tiếp Washington.
Trong cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố “cần phải đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức trước bất kỳ hành động nào của Triều Tiên nhằm vào lãnh thổ và người dân chúng ta”. Ông nhấn mạnh cần hợp tác với cộng đồng quốc tế để chỉ trích và ngăn chặn các hoạt động hạt nhân, đồng thời tăng cường tham vấn hạt nhân với Mỹ cũng như tăng cường khả năng răn đe hạt nhân với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích vụ phóng ICBM nêu trên “là một vi phạm mới với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio “cực lực chỉ trích” vụ phóng của Triều Tiên.
Như vậy, đây là vụ phóng ICBM thứ năm của Triều Tiên trong năm nay. Đáng chú ý, trước đó một ngày, Bình Nhưỡng đã thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm ngắn khác ra Hoàng Hải. Qua đó, 2023 đánh dấu số vụ phóng ICBM của Triều Tiên nhiều nhất trong một năm. Vậy đâu là thông điệp đằng sau vụ phóng tên lửa này?
Đầu tiên, vụ phóng khẳng định bước tiến trong quá trình phát triển công nghệ tên lửa của mình. Chuyên gia về Triều Tiên, Giáo sư Park Won Gon của Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) cho biết, tên lửa này có thể là “Hwasong-18” (sử dụng nhiên liệu rắn). Có nhiều khả năng nước này tiếp tục tìm cách cải tiến Hwasong-18, đặc biệt về công nghệ “để tên lửa trở lại bầu khí quyển an toàn”.
Thứ hai, đây là lời cảnh báo của Triều Tiên tới Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo đó, lần phóng này của Triều Tiên được cho là để phản đối quyết định tổ chức cuộc họp Nhóm Tư vấn hạt nhân (NCG) do Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tuần trước, cũng như các hành động để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ngày 17/12 còn là ngày kỷ niệm 12 năm ngày mất của cố lãnh đạo Tiên Kim Jong Il (cha đẻ của Chủ tịch Kim Jong-un). Do đó, vụ phóng ICBM có thể nhằm thể hiện năng lực quốc phòng và củng cố tinh thần đoàn kết của người dân.
Cuối cùng, đây là cách Bình Nhưỡng nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh, trong bối cảnh một số nước kêu gọi Trung Quốc tác động tới Triều Tiên. Vụ phóng diễn ra trong lúc Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong Ho đang thăm Trung Quốc. Ông là quan chức cấp cao đầu tiên và cao cấp nhất của Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh sau khi hai nước nối lại hoạt động trao đổi đoàn gần đây.
Phát biểu với Ngoại trưởng Vương Nghị, ông nêu rõ Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Bắc Kinh để “bảo vệ lợi ích chung”.
Đáp lại, ông Vương Nghị khẳng định: “Trong bối cảnh có nhiều biến động dữ dội trên trường quốc tế, Trung Quốc và Triều Tiên tiếp tục duy trì đoàn kết và hậu thuẫn nhau mạnh mẽ”. Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ luôn “ủng hộ và tin tưởng lẫn nhau” trước “tình hình quốc tế hỗn loạn”. Đồng thời, ông nêu rõ: “Trung Quốc luôn nhìn nhận mối quan hệ Trung - Triều từ góc độ chiến lược và lâu dài đồng thời sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để tăng cường liên lạc và phối hợp, tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau”.
Do đó, phản ứng của Trung Quốc trước vụ phóng ICBM của Triều Tiên cũng là tương đối thận trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, Bắc Kinh “ghi nhận diễn biến mới”, song nêu rõ “vấn đề bán đảo Triều Tiên là phức tạp và tế nhị”. Theo ông, “các hành động răn đe và áp lực quân sự”, ám chỉ việc đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ, tập trận chung Mỹ - Hàn và tổ chức nhóm NCG, sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng. Đây có lẽ là phản ứng và thông điệp mà Triều Tiên hằng mong muốn từ vụ phóng.