Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Berlin ngày 2/5. Đức là điểm đến đầu tiên của ông Modi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2022. |
Hôm nay (2/5), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz sẽ chủ trì cuộc họp Tham vấn liên chính phủ Ấn Độ-Đức lần thứ 6. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Olaf Scholz được bầu làm Thủ tướng Đức vào tháng 12/2021.
“Tầm vóc mới” của quan hệ song phương
Trả lời phỏng vấn The Indian Express, Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ sự mong đợi được đón Thủ tướng Modi và chủ trì Tham vấn liên chính phủ với Ấn Độ - cuộc tham vấn đầu tiên của ông trên cương vị mới.
Ông cho rằng, đây sẽ là “cơ hội không chỉ để làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn đã thân thiết của chúng tôi” mà còn đưa mối quan hệ này “lên một tầm vóc hoàn toàn mới”.
Nhấn mạnh Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất trên thế giới và là một nền kinh tế sôi động ở Nam Á, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định: “Đối với Đức, Ấn Độ là một đối tác cùng chí hướng có tầm quan trọng cao. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cả về chính trị và kinh tế”.
Bên cạnh đó, “cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nỗ lực vì sự phát triển bền vững sẽ nằm trong chương trình nghị sự chung của chúng tôi.
Đức cũng muốn đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Việc ký kết một hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và EU sẽ là một bước quan trọng trong vấn đề này”.
Năm ngoái, Ấn Độ và Đức kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước trở thành đối tác chiến lược kể từ năm 2000.
Tại Berlin, Thủ tướng Modi sẽ hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz, cùng chủ trì cuộc họp Tham vấn liên chính phủ Ấn Độ-Đức lần thứ 6, dự tọa đàm với lãnh đạo doanh nghiệp hai nước, gặp gỡ cộng đồng Ấn kiều đang sinh sống tại Đức. |
Tìm tiếng nói chung trong vấn đề Ukraine
Xung đột Nga-Ukraine hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự không chỉ của toàn châu Âu.
Theo nhà lãnh đạo Đức, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine “phá vỡ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên hợp quốc; chủ quyền và sự bất khả xâm phạm của biên giới quốc tế”.
Khẳng định tình hình chiến sự ở Ukraine “làm tan nát nhà cửa, sinh kế và cuộc sống của chính người dân Ukraine”, Thủ tướng Olaf Scholz tin tưởng rằng có "sự đồng thuận rộng rãi" giữa Đức và Ấn Độ - vốn duy trì lập trường trung lập trong vấn đề này.
Bản thân ông đã và tiếp tục kêu gọi Tổng thống Nga Putin chấm dứt cuộc chiến hiện đang ở tuần thứ 9.
Để đối phó với hành vi “không thể chấp nhận được này”, Liên minh châu Âu cùng với các đối tác xuyên Đại Tây Dương đã thông qua các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga và chống lại những cá nhân liên quan, “buộc họ phải trả giá đắt cho cuộc chiến này”.
Ông nói: “Nhiều quốc gia đã tham gia các lệnh trừng phạt, ngay cả khi điều này nhất thiết phải gánh chịu chi phí kinh tế cho chính chúng tôi”.
Bản thân nước Đức đang thực hiện một chính sách rất tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
“Chúng tôi sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga vào mùa Hè này, chúng tôi sẽ loại bỏ dần dầu của Nga cho đến cuối năm và sẽ giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga”.
Theo thông báo của Bộ Kinh tế Đức ngày 1/5, nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Đức, giảm 23%. Than đá từ Nga cũng giảm 8% so với mức 45% mà Đức nhập khẩu trước đây. Lượng nhập khẩu khí đốt của Nga từ mức 55% trước thời điểm xảy ra xung đột Nga-Ukraine cũng giảm xuống còn 35%. |
Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như ảnh hưởng đến việc cung cấp lúa mì và an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Ông khẳng định, “Đức, với tư cách là chủ tịch G7, hỗ trợ các đối tác của chúng tôi trong việc giảm bớt tác động của cuộc chiến của Nga đối với an ninh lương thực toàn cầu”.
Khi được hỏi về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức trong bối cảnh hành động của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức cho khu vực, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, “các nguyên tắc về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi thể hiện cách tiếp cận chung, trên hết là đa phương và bao trùm”.
Đức là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du 3 nước châu Âu (cùng với Đan Mạch và Pháp) từ ngày 2-4/5 của Thủ tướng Narendra Modi. Tại Copenhaghen, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có các cuộc làm việc song phương với lãnh đạo chủ nhà và dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu lần thứ 2 với lãnh đạo của 5 nước là Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển. Ấn Độ là quốc gia thứ hai sau Mỹ, xác lập được cơ chế thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Bắc Âu. Tại Paris, ông Modi sẽ có cuộc gặp với ông Emmanuel Macron – người mới tái đắc cử Tổng thống Pháp. Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông đến Pháp kể từ năm 2015. |
| Cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder: Đức sẽ phải quay lại với Nga Trong bài phỏng vấn được đăng tải trên tờ New York Times hôm 23/4, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng một nước như ... |
| Lần đầu công du sau nhậm chức, Thủ tướng Đức chọn Nhật Bản Ngày 9/4, một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên kế hoạch thăm nước này vào cuối tháng ... |