Lãnh đạo các nước tại Hội nghị “Đối tác phương Đông” 2015. |
Diễn ra từ 21- 22/5, Hội nghị năm nay quy tụ 28 nước thành viên EU và sáu nước thuộc Liên Xô cũ là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Moldova, Gruzia và Ukraine. Ra đời vào năm 2009 tại Prague (Czech), sáng kiến "Đối tác phương Đông" của EU nhằm mục đích tạo tiền đề cho những thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội tại các nước thuộc không gian hậu Xô-viết, từ đó thực hiện chính sách mở rộng về phía Đông.
Mặc dù hướng tới mục tiêu "Đông tiến", nhưng dưới sức ép của Nga, EU buộc phải từng bước xem xét lại lộ trình này. Đặc biệt từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra, với sự quyết đoán của Tổng thống Nga Putin trong vấn đề sáp nhập Crimea, các nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế của EU hiểu rõ rằng Moscow tìm mọi cách để Ukraine không ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Người hàng xóm Ukraine có một vai trò địa chính trị chiến lược đối với Nga, cũng như có các quan hệ hợp tác quốc phòng bền chặt có từ thời Liên Xô.
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị ở Riga vừa qua, các nhà lãnh đạo EU, đứng đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác giữa EU với các nước Đông Âu, nhưng đồng thời lại dội một gáo nước lạnh vào hy vọng gia nhập liên minh của các quốc gia này (đặc biệt là ba nước Gruzia, Moldova và Ukraine) khi tuyên bố trong ngắn hạn EU không tính đến việc kết nạp thêm thành viên mới đến từ phía Đông. Động thái này được cho là nhằm làm dịu bớt căng thẳng với Nga, vốn phản đối mọi sự xâm nhập của EU và NATO vào vùng đệm ảnh hưởng truyền thống.
Với bài học rút ra từ việc kết nạp các thành viên Đông Âu trước đây như Romania, Bulgaria, giờ đây EU có tính toán thực tế hơn. Các quốc gia có ảnh hưởng của EU đồng thời là các quốc gia có các mối quan hệ kinh tế ràng buộc với Nga, đặc biệt là Đức, Pháp nhận thức được rõ ràng các đòn trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Nga cũng ảnh hưởng tai hại tới nền kinh tế ốm yếu đang trên đà hồi phục của cả khối. Các quốc gia này cần thị trường rộng lớn của nước Nga cho các sản phẩm xuất khẩu của mình.
Sức lôi cuốn từ một EU thịnh vượng vẫn rất mạnh với các nước phía Đông, cho dù phần nào hình ảnh của EU và sức mạnh của đồng Euro bị sụt giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nước EU, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế không mặn mà với việc đưa các đối tác Đông Âu này gia nhập không gian chung của họ, bởi việc kết nạp thành viên mới sẽ tạo nên thử thách kinh tế và xã hội mà cả khối phải gánh chịu.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả khu vực gặp nhiều khó khăn như câu chuyện nợ nần và khủng hoảng của một số thành viên yếu kém như Hy Lạp, việc Anh đang muốn “ly khai”, EU không hẳn đã mong muốn đẩy những cam kết hỗ trợ thêm rộng và xa hơn.
Nguyễn Quân