📞

Toàn cầu hóa và sự chia rẽ quan điểm chính trị

08:31 | 01/08/2016
Đã qua rồi cái thời cánh tả “đấu đá” với cánh hữu, giờ đây là cuộc chiến giữa phe ủng hộ và phe phản đối toàn cầu hóa.

Ranh giới mới

Trong hai tuần vừa qua, ở Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lần lượt tổ chức đại hội toàn quốc để chính thức chọn ra ứng viên tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Thế nhưng, kỳ đại hội năm nay không giống các năm trước, không phải bởi việc bà Hillary Clinton trở thành nữ ứng viên Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử 240 năm lập quốc. Có thể nói, đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã vạch ra một “ranh giới chính trị” mới, không phải giữa cánh tả và cánh hữu, mà là giữa sự mở cửa (open) và khép kín (closed).

Ranh giới chính trị giữa sự mở cửa và khép kín. (Nguồn: The Economist)

Sự chia rẽ chính trị đó được thể hiện phần nào qua câu nói cửa miệng của Tỷ phú Donald Trump, ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa: “Chủ nghĩa vị nước Mỹ (Americanism), chứ không phải chủ nghĩa toàn cầu (globalism), là cương lĩnh tranh cử của tôi”.

Nước Mỹ không phải là trường hợp duy nhất. Trên khắp châu Âu, nhiều chính trị gia cho rằng thế giới đang hỗn loạn và nguy hiểm, vì vậy các quốc gia nên xây những bức tường thành ngăn cách để tự bảo vệ mình. Các đảng phái dân túy ở châu Âu đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân chúng, tham gia sâu vào các chính phủ hay các liên minh cầm quyền. Đặc biệt, việc Vương quốc Anh quyết định rời bỏ Liên minh châu Âu được đánh giá biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng chống toàn cầu hóa.

Những tin tức củng cố cho niềm tin về sự thoái trào của toàn cầu hóa xuất hiện hằng ngày trên báo chí. Ngày 26/7 vừa qua, hai kẻ tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cắt cổ một giáo sĩ ở Rouen, và đây cũng là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công mang màu sắc cực đoan ở Pháp và Đức thời gian qua. Nỗi lo sợ về an ninh đang mở đường cho quan điểm đóng cửa với thế giới.

Hậu quả nhãn tiền

Hệ thống thể chế, nguyên tắc và quan hệ đồng minh trên thế giới - được Mỹ xây dựng và dẫn đầu trong suốt 7 thập niên qua – là nền tảng cho sự phát triển phồn vinh toàn cầu. Hệ thống đa phương đó đã giúp tái thiết một châu Âu đổ nát thời hậu Thế chiến thứ Hai, chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô, kết nối nền kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới, cũng như cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân nhiều quốc gia.

Chính vì vậy, viễn cảnh về một thế giới bị chia rẽ được dự báo sẽ có tác động vô cùng lớn. Nếu Liên minh châu Âu (EU) tan rã thành các quốc gia riêng lẻ và Mỹ giảm bớt can thiệp vào các vấn đề quốc tế, các thế lực khác sẽ nhanh chóng lấp vào chỗ trống quyền lực.

Brexit đang khiến EU lung lay. (Nguồn: Financial Times)

Mới đây, Donald Trump tuyên bố nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ, Washington có thể sẽ không bảo vệ các đồng minh ở Baltic nếu các nước này bị Nga đe dọa. Trong khi từ trước tới nay, Mỹ luôn lớn tiếng khẳng định việc tấn công vào một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng là cuộc tấn công vào toàn thể liên minh. Nếu ông Trump không tôn trọng cam kết đó, liệu các đồng minh có còn tin tưởng Mỹ?

Ở châu Âu hiện nay, việc Anh rời bỏ EU đang cho thấy những hậu quả nhãn tiền. Chính bởi quyết định “Brexit” này, nước Anh đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Bản thân EU cũng đang lung lay sụp đổ. Nếu bà Marine Le Pen - một chính khách có tư tưởng dân túy - được chọn làm Tổng thống Pháp vào năm tới, Paris rất có thể sẽ nối gót London “chia tay” EU.

Hy vọng vào bà Clinton

Có thể nói, việc ngăn cản xu hướng chống toàn cầu hóa cần ba yếu tố chính: những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn, những chính sách quyết liệt hơn và những chiến lược thông minh hơn.

Trước tiên, những người ủng hộ toàn cầu hóa cần thuyết phục dư luận về việc tại sao NATO lại quan trọng đối với nước Mỹ, tại sao tự do thương mại và tự do đi lại có thể giúp xã hội phát triển, cũng như tại sao chống khủng bố cần sự phối hợp hiệu quả giữa các nước.

Dường như những nhà lãnh đạo ủng hộ toàn cầu hóa đang bị thất thế trước xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Chỉ có một vài nhà lãnh đạo như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Pháp Emmanuel Macron là vẫn luôn kiên trì đấu tranh cho các chính sách mở cửa.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau vẫn luôn ủng hộ toàn cầu hóa. (Nguồn: alJazeera)

Những ai tin vào toàn cầu hóa nên tích cực đấu tranh cho xu hướng này, tuy nhiên, họ cần phải ý thức được những mặt trái của toàn cầu hóa. Tự do thương mại có thể khiến nhiều người thất nghiệp, trong khi việc nhập cư ồ ạt có thể khiến xã hội bất ổn.

Tuy nhiên, không thể giải quyết những vấn đề khó khăn này bằng cách dựng những bức tường ngăn cách với thế giới. Thay vào đó, các nước cần những chính sách hợp lý để vừa kết nối với thế giới, vừa giảm nhẹ những tác động xấu. Các nước có thể để hàng hóa và dòng vốn đầu tư di chuyển tự do, song bên cạnh đó củng cố chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người bị mất việc làm. Để quản lý người nhập cư tốt hơn, các nước có thể cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng cũng như đảm bảo việc làm cho người tị nạn.

Về mặt chiến thuật, tùy từng quốc gia mà những người ủng hộ toàn cầu hóa có cách làm khác nhau để chiến thắng những người dân túy. Ở Hà Lan và Thụy Điển, các đảng phái chủ trương ôn hòa đã liên kết lại để đánh bật những đảng theo chủ nghĩa dân tộc. Các liên minh tương tự cũng xuất hiện ở Pháp nhằm làm thất bại cuộc đua vào Điện Élysée của đảng Mặt trận Dân tộc do bà Le Pen đứng đầu.

Bà Clinton phát biểu trước những người ủng hộ tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vừa qua. (Nguồn: Reuters)

Riêng ở Mỹ, niềm tin đang được đặt vào bà Hillary Clinton, ứng viên chính thức của đảng Dân chủ. Vì vậy, bà Clinton cần thể hiện rõ quan điểm cởi mở với toàn cầu hóa, hơn là việc nói lập lờ về điều nay. Việc bà cựu Ngoại trưởng chọn ông Tim Kaine - một chính trị gia thông thạo tiếng Tây Ban Nha và có tư duy quốc tế - là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Clinton và ông Trump không có nhiều chênh lệch. Tương lai của trật tự thế giới mang tính tự do tùy thuộc rất nhiều vào việc bà Clinton có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không.

Bài viết trên, được đăng tải trên báo The Economist (Anh) ngày 30/7, phản ánh quan điểm của tờ báo này. The Economist luôn chủ trương ủng hộ thương mại tự do, toàn cầu hóa, sức mạnh của chính phủ…

(lược dịch)