Chuyến thăm Trung Đông, bắt đầu từ ngày 9/1, gồm các nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực là Israel, Kuwait, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ai Cập. Lần đầu tiên trong lịch sử, với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Bush sẽ tới thăm các vùng lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng kể từ Cuộc chiến sáu ngày năm 1967.Không có gì ngạc nhiên khi dư luận nhìn nhận sự hiện diện của Tổng thống Mỹ ở Trung Đông mang theo một thông điệp quá tham vọng. Ông Bush muốn tái khẳng định cam kết của Mỹ về lộ trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine sau Hội nghị ở Annapolis vừa qua. Tuy nhiên, bản thân ông cũng thừa nhận rằng ông không thể đảm bảo Israel và Palestine sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình, hướng tới việc thành lập Nhà nước Palestine và an ninh cho người Do Thái. Rõ ràng, lộ trình hòa bình Trung Đông đóng vai trò rất quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực này mà mục tiêu nhất quán là phục vụ lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia của mình. Nhiều người đặt câu hỏi rằng chuyến công du 8 ngày liệu có thể giúp ông Bush tạo ra dấu ấn cho chính mình hay không, khi mà ông đã bỏ lỡ thời cơ trong suốt 7 năm qua. Luôn thiên vị đồng minh Israel, nhất là tại diễn đàn Liên hợp quốc, ông Bush đã né tránh việc can dự trực tiếp vào tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine để lao vào cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng nếu không điều chỉnh chính sách đối với Israel hiện nay, Mỹ sẽ không thể xoay chuyển nổi cục diện Trung Đông theo hướng hòa bình và ổn định hơn. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Bruce Riedel thuộc Viện Brookings (Mỹ) nhận xét rằng ông Bush bị coi là “khán giả” đối với Trung Đông và cả thế giới Ảrập. Thực tế tình hình khu vực cho thấy ông Bush dường như chỉ có thể tạo dựng một nền tảng nào đó cho tiến trình hòa bình vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ gây đổ vỡ giữa Israel và Palestine, đồng thời góp phần vào nỗ lực hòa giải giữa người Ảrập và người Do Thái. Báo cáo đánh giá tình báo quốc gia Mỹ (NIE) công bố cuối năm 2007 đã gây ra những phản ứng trái chiều, vừa mừng vừa lo, ở Trung Đông. Hơn ai hết, các nước Ảrập ở Vùng Vịnh không bao giờ muốn Mỹ lựa chọn giải pháp quân sự để ngăn chặn ảnh hưởng và sức mạnh hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, họ cũng tỏ ra quan ngại khi một quốc gia Hồi giáo với đa số tín đồ theo dòng Shi’ite như Iran nổi lên như một cường quốc khu vực có vũ khí hạt nhân. NIE cũng khiến các đồng minh Ảrập của Mỹ hoài nghi về chính sách mà Nhà Trắng sẽ theo đuổi đối với Iran và cả khu vực. Vì vậy, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Stephen Hadley, Tổng thống Bush sẽ chứng minh rằng Washington luôn thấu hiểu thách thức đặt ra đối với khu vực và Mỹ không thay đổi cam kết của mình. Ông sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo Ảrập ủng hộ cuộc đàm phán Israel - Palestine và nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc chặn đứng những tham vọng của Iran”. Mặc dù rất mong đợi một chiến lược an ninh nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ phía Iran, song các nước đồng minh Ảrập của Mỹ sẽ không đồng tình với giải pháp tấn công quân sự. Chuyên gia phân tích tại UAE, Mohammed al-Roken, cho rằng các nước Ảrập sẽ kêu gọi ông Bush không tấn công quân sự đối với Iran, mà thay vào đó là một thỏa thuận hòa bình.Như vậy, sự đan xen giữa cơ hội và thách thức, giữa tham vọng và hiệu quả khả thi, giữa thái độ “chờ xem” và hoài nghi của đồng minh, cùng với lời đe dọa đánh bom của al-Qaeda, đã phủ bóng đen lên chuyến công du của ông Bush tới Trung Đông. Ngay cả Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng không mong đợi gì nhiều từ chuyến đi này, mặc dù họ vẫn coi ông là “người bạn lớn”. Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều hiểu rằng chỉ có những nhượng bộ lẫn nhau mới tạo ra động lực thực sự thúc đẩy tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, cả hai ông đang ở vào thế yếu để có thể thuyết phục người dân Israel và Palestine chấp nhận nhượng bộ. Ông Bush bay tới Trung Đông trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào cuộc chạy đua để xác định xem ai sẽ là người thay thế ông. Có thể nói cuộc chiến chống khủng bố là một trong những đặc trưng cơ bản của chính phủ Mỹ dưới thời ông Bush, và bước vào năm cuối cùng, ông Bush muốn “thay đổi không khí” bằng nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Trung Đông. Ông đã tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ rằng an ninh của họ phần nào phụ thuộc vào tiến trình hòa bình ở “vùng đất Thánh”. Thế nhưng, cho dù Nhà Trắng có lạc quan đến mấy, khó mà kỳ vọng chuyến thăm “từ biệt” các nhà lãnh đạo trong khu vực của ông Bush có thể tạo ra dấu ấn đáng kể nào. Rõ ràng, nỗ lực vào phút chót của ông Bush đang diễn ra trên một “sân khấu chỉ toàn cảnh tối” mà chính ông lại bị coi là “khán giả”.Lê Phương