📞

Tổng thống Bush với tầm nhìn châu Á

13:01 | 08/08/2008
Tổng thống Bush trên đường đến dự Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 đã làm một chuyến công du cuối cùng tại châu Á, lần thứ 9 trong cương vị Tổng thống. Đó là một kỷ lục chưa dễ bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ vượt qua được. Nhất là, trong bối cảnh chính quyền Bush phải đối mặt với nhiều thách thức: hai cuộc chiến tranh (Afghanistan và Iraq), bề bộn những chương trình nghị sự dang dở tại Trung Đông. Kinh tế Mỹ ngày càng ảm đạm, 4 tháng nay, đứng bên bờ của cuộc suy thoái...

Những năm qua, nhiều lần, đồng minh và bạn bè của Mỹ ở châu Á đã chỉ trích chính quyền Mỹ bỏ rơi châu Á. Dường như để trang trải với bạn bè và nhằm cân bằng đối nội và đối ngoại trước việc thực hiện lời hứa với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến dự Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, ông Bush thăm Hàn Quốc và Thái Lan. Tại Thái Lan, trong lễ kỷ niệm 175 năm thiết lập quan hệ giữa Mỹ - Thái, ngày 7/8, ông Bush đã phát biểu về chính sách châu Á. Đã từ rất lâu, một Tổng thống Mỹ đưa ra một bài phát biểu như vậy.

 

Bài phát biểu đề cập đến bốn nội dung chính:

 

Một, khẳng định lại bốn mục tiêu lớn Mỹ theo đuổi tại châu Á: Củng cố quan hệ các nước đồng minh; thiết lập quan hệ đối tác dân chủ với các nước khác trong khu vực; tăng cường quan hệ kinh tế để nắm bắt cơ hội tìm kiếm sự thịnh vượng và phát triển và cùng hợp tác giải quyết những thách thức toàn cầu.

 

Hai, khẳng định lại tầm quan trọng của các liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, đề cập đến nội dung quan hệ mới với 5 quốc gia mà Mỹ có hiệp ước liên minh: Australia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và  Thái Lan.

 

Ba, nhằm trấn an các đồng minh, Tổng thống Mỹ khẳng định lại tầm quan trọng của châu Á, xác nhận rằng, kể từ khi trở thành Tổng thống, ông ta “đã tin rằng Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và rằng các lợi ích và ý tưởng như vậy đòi hỏi một sự cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết (của Mỹ) tại châu Á”. Tổng thống Mỹ khẳng định, “tất cả (thành viên) trong khu vực này có thể tin tưởng vào cam kết long trọng của Hoa Kỳ: Mỹ đã sát cánh với nhân dân tự do của châu Á trong quá khứ. Mỹ sẽ sát cánh cùng nhân dân tự do của châu Á hôm nay. Và Mỹ sẽ sát cánh cùng nhân dân tự do của châu Á lâu dài trong tương lai”.

 

Bốn, cũng quan trọng nhất, là chính sách Mỹ đối với Trung Quốc. Ông Bush nhìn nhận “quan hệ song phương Mỹ - Trung là một kiểu quan hệ phức tạp, có lúc lợi ích quốc gia nhất trí, nhưng cũng có lúc lợi ích quốc gia không nhất trí như vấn đề kinh tế”. Hòa bình và tương lai thành công của châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào quan hệ và “sự can dự của cả Mỹ và Trung Quốc”. Ông Bush cũng thừa nhận rằng, việc theo đuổi 4 mục tiêu chính sách châu Á sẽ tạo cho Mỹ và đồng minh sân chơi mới để thực hiện các quan hệ với Trung Quốc “một cách tự tin”.

 

Dư luận chung cho rằng, những nội dung chính sách Tổng thống Mỹ đưa ra lần này không phải là mới. Cái mới là chúng được xếp đặt vào tầm nhìn bao quát, với các mối liên hệ giữa các vấn đề và nội dung. Không nói thì cũng rõ, mục tiêu của phát biểu này còn nhằm ghi nhận di sản của chính quyền Bush trong quan hệ với châu Á. Các nhà vạch chính sách hiện tại và chính quyền mới ở Mỹ rõ ràng đang phải đối mặt với một châu Á đang thay đổi mạnh mẽ. Mà rượu mới, ắt cần phải có bình mới.