Theo báo trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang thăm thủ đô Bình Nhưỡng. Thông tin này đặc biệt thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông và giới phân tích toàn cầu. Tổng thống Moon Jae-in vẫn chưa chấp nhận hay từ chối lời mời trên một cách rõ ràng, khiến cho Bán đảo Triều Tiên dường như đang bị phủ bóng bởi một bức màn bí mật.
Từ những tia hy vọng lóe lên
Lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm dấy lên những hy vọng tích cực về tình hình trên bán đảo Triều Tiên sau Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018. Trước đây, nhiều nhà phân tích cho rằng khi Thế vận hội Pyeongchang kết thúc, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ nhanh chóng được nối lại do sự kiên quyết của Washington, và nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại với “thú vui” thử tên lửa.
Trong trường hợp đó, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có thể nhanh chóng trở về mức trước khi Thế vận hội Pyeongchang diễn ra. Sự giải tỏa căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên thông qua Thế vận hội Pyeongchang có thể sẽ “chết yểu”, và mỗi bên sẽ quay trở lại với thực tại.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap) |
Trong những ngày qua, Tổng thống Moon Jae-in đã tiếp phái đoàn Triều Tiên với sự hiếu khách nồng nhiệt và thịnh tình. Kim Yo-jong, em gái và là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đã chuyển bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho Tổng thống Hàn Quốc. Đây được xem là một biểu tượng của việc cải thiện các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và là một thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ Tổng thống của Moon Jae-in nếu bầu không khí này tiếp tục đựơc duy trì.
Trong khi đó, Washington lại dường như đang thể hiện điều gì đó khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến lễ đón tiếp do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì khá trễ và chỉ ở lại có 5 phút. Giới quan sát cho rằng hành động đó có thể ẩn chứa những ý đồ khác nhau, song chắc chắn nó cho thấy sự không hài lòng đối với nước chủ nhà Hàn Quốc.
Đến cái khó của ông Moon Jae-in
Nếu sự liên kết giữa Seoul với Bình Nhưỡng tại Thế vận hội Pyeongchang chỉ là tạm thời và không để lại di sản tích cực cho các mối quan hệ liên Triều trong tương lai mà thay vào đó trở thành một trở ngại trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, thì chắc chắn Tổng thống Moon Jae-in sẽ rơi vào tình cảnh “xôi hỏng bỏng không”.
Ông Moon Jae-in là người thân cận của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun - người từng ủng hộ chính sách “Ánh Dương” và chính ông đã kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều trong cuộc bầu cử, nên nhiều khả năng ông muốn nhận lời mời đến thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, liệu ông có thể thực hiện chuyến công du này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tổng thống Hàn Quốc tiếp các quan chức cấp cao của Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap) |
Nếu trong tương lai gần tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lại trạng thái trước khi diễn ra Thế vận hội, với các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và các cuộc thử tên lửa liên tục của Triều Tiên, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân... thì kế hoạch thăm Bình Nhưỡng của ông Moon Jae-in chắc chắn sẽ bị “phá sản”.
Trong khi đó, việc cử phái đoàn sang Hàn Quốc và mời Tổng thống Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng cho thấy Triều Tiên có ý định tiếp tục ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa sau Thế vận hội. Tuy nhiên, rất nhiều phương tiện truyền thông của Mỹ và Hàn Quốc lại cho rằng, Bình Nhưỡng đang muốn "câu giờ" cho chương trình vũ khí của họ.
Hiện Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa chỉ là đơn phương và không liên quan đến các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn. Washington vẫn yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và chỉ có bằng cách làm như vậy mới tạo được nền tảng cho cuộc đối thoại Mỹ - Triều. Từ quan điểm này, nhiệm vụ tiếp theo của Tổng thống Moon Jae-in sẽ là phải thuyết phục Washington.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đó của Tổng thống Moon Jae-in chắc chắn không phải là điều dễ dàng và nhiều khả năng còn dẫn tới những rủi ro mang tính chính trị. Tuy nhiên, chỉ khi ông chủ Nhà Xanh thực hiện thành công điều này thì mới có thể có hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình thực sự.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở ngã tư đường. Hiện rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra, song Thời báo Hoàn cầu cho rằng, nhiều khả năng Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới thăm Bình Nhưỡng trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Mong muốn đó có thể biến thành động lực đối với ông và từ đấy mang lại sự thay đổi.