Trước đó, ông Trump từng cho rằng gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải đối mặt với một NATO "bất mãn" hay một Thủ tướng Anh Theresa May rối bời trong những rắc rối của Brexit. Song, ông đã nhầm. Trước một nhà lãnh đạo “già rơ”, vị cựu tỷ phú bất động sản đã tỏ ra thiếu kinh nghiệm chính trị và bản lĩnh cần có của người đứng đầu Nhà Trắng khi có nhiều phát biểu “tâng” người đồng cấp Nga và phủ nhận vị thế, vai trò của Mỹ. Không ít người đã đặt câu hỏi rằng: Phải chăng Tổng thống Mỹ đã “chọn” Nga?
Một Putin bản lĩnh
Nghi ngại trên là có cơ sở, nếu nhìn vào màn trình diễn của hai nhà lãnh đạo trong họp báo chung sau hội đàm kín kéo dài hai tiếng. Mọi lời nói trong bài phát biểu, cũng như trả lời đều được Tổng thống Nga Vladimir Putin tình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và bài bản. Cụ thể, ông Putin cho biết việc hai bên sẽ tiến tới gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), mở rộng hợp tác quân sự, cam kết chống khủng bố, bảo đảm an ninh mạng. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng đề cập đến tình hình tại Syria và khẳng định hai bên cần nỗ lực chung để sớm mang đến hòa bình, ổn định cho quốc gia bất ổn này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo sau Thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/7 tại Helsinki. (Nguồn: Time) |
Ông ca ngợi những nỗ lực của người đồng cấp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, song cũng cho rằng Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký kết với Iran cần được duy trì. Về tình hình Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng Washington cần thúc giục Kiev tuân thủ Thỏa thuận Minsk đã ký kết. Đặc biệt, ông chủ điện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc về sự can thiệp của Moscow vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Trong khi đó, đứng trước một Tổng thống Putin bản lĩnh và đầy khôn khéo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra khá lúng túng và thiếu thuyết phục. Phong thái thiếu tự tin, nhượng bộ của ông là hoàn toàn trái ngược so với những gì mà ông thể hiện trước lãnh đạo châu Âu vài ngày trước đó, từ lên án Thủ tướng Đức Angela Merkel về ngân sách quốc phòng, chỉ trích chính sách Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May tới điểm mặt Liên minh châu Âu như “kẻ thù” .
Vạch áo cho người xem lưng
Mở đầu bài phát biểu, ông Trump cam kết: “Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ làm tất cả để mang lại lợi ích lớn nhất cho nước Mỹ và người dân Mỹ”. Tuy nhiên, phần nội dung và trả lời phỏng vấn của ông sau đó lại mang đến ấn tượng hoàn toàn khác. Tổng thống Mỹ đánh giá cao vai trò của Moscow trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đề cập khái quát đến tình hình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, gia tăng áp lực lên Iran, giải quyết tình hình Syria, hợp tác chống khủng bố và đẩy mạnh quan hệ thương mại.
Trong khi đó, ông lại tự tay hạ thấp uy tín của Mỹ khi tin tưởng vào “cam kết mạnh mẽ” đến từ ông Putin, lãnh đạo của quốc gia ông Trump từng nhận định là “đối thủ cạnh tranh”, đồng thời phủ nhận kết quả điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chỉ trích Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và chế nhạo ứng cử viên Hillary Clinton. Ông thậm chí còn chấp nhận ý tưởng của ông Putin về việc để các điều tra viên tới Nga thẩm vấn các đặc vụ Nga, còn Moscow sẽ tiếp cận với quan chức tình báo Mỹ để tiến hành cuộc điều tra của riêng mình. Hiếm có Tổng thống quốc gia nào lại cho rằng đất nước của mình “khờ khạo” hay “vạch áo cho người xem lưng” như ông Trump. Bên cạnh đó, ông đã không lên án việc Nga sáp nhập Crimea hay cáo buộc nước này nhúng tay vào vụ đầu độc cựu điệp viên tại Anh, nhường lại đất diễn cho ông Putin “ghi điểm” trong những vấn đề này.
Khôn nhà dại chợ
Với màn trình diễn thiếu thuyết phục và lép vế hoàn toàn so với “đối thủ cạnh tranh”, ông Trump đã phải chịu không ít chỉ trích, trong đó có nhiều thành viên then chốt trong đảng Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khẳng định: “Chắc chắn rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử… Tổng thống cần hiểu rằng Nga không phải là đồng minh của chúng ta”. Tương tự, Thượng Nghị sỹ John McCain cho rằng bình luận của ông Trump về can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ là “một trong những màn trình diễn tồi tệ nhất của Tổng thống Mỹ từng được biết tới”. Lãnh đạo phe Thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer thì mạnh mẽ lên án hành động chỉ trích cơ quan tình báo và tin tưởng ông Putin của Tổng thống Trump là đi ngược lại các giá trị truyền thống và không mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Đứng trước áp lực từ cả hai đảng, ông Trump đã buộc phải đính chính về thông điệp của mình, cho rằng ông đã “dùng sai từ” khi muốn khẳng định rằng chính Nga chứ không phải ai khác đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. Song lời sửa sai muộn màng này khó có thể giúp ông Trump thoát khỏi cơn thịnh nộ của giới chính trị và cử tri. Tuy nhiên, trước mắt vị cựu tỷ phú bất động sản 72 tuổi vẫn là một chặng đường dài và đây có thể là cơ hội quý báu để ông nâng cao bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang cho những sóng gió sắp tới.