📞

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tới Mỹ: Bên nồng ấm, phía lạnh lùng

Minh Quân 10:08 | 14/11/2019
TGVN. Các vấn đề nóng cùng sự “vênh” giữa Tổng thống và Quốc hội Mỹ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khiến chuyến công du Washington của ông Erdogan trắc trở hơn bao giờ hết. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Donald Trump có nhiều việc phải làm nếu muốn đưa quan hệ song phương quay trở về quỹ đạo như trước. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 13/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ thăm chính thức Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối tình thân khăng khít ngày nào giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong 40 năm trở lại đây sau khi Ankara mở chiến dịch tấn công vào khu vực nằm dưới sự kiểm soát của người Kurds hồi tháng trước. Quan trọng hơn, ông Erdogan đã chỉ trích thỏa thuận ngừng bắn tại Syria từng cam kết với ông Trump để quay sang ủng hộ một thỏa thuận khác với sự tham dự của ông Putin nhằm phân chia ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông.

Thêm vào đó, tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trục xuất một công dân Mỹ bị cho là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sang Hy Lạp. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo công nhận sự tồn tại của cuộc diệt chủng Armenia và vai trò của Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Vì thế, chuyến thăm của ông Erdogan tới Washington, gặp lại ông Trump được kỳ vọng có thể mang lại thay đổi.

Bốn vấn đề nóng

Tuy nhiên, quan hệ hai nước ở thời điểm hiện tại tồn tại nhiều vấn đề nan giải và khó có thể giải quyết ổn thỏa trong một chuyến thăm.

Vấn đề đầu tiên là Syria. Một nhiệm vụ chính của ông Trump trong lần gặp gỡ ông Tayyip Erdogan lần này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Syria. Bởi lẽ, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã khiến Quốc hội Mỹ tiến hành trừng phạt với Ankara, khiến quan hệ song phương căng thẳng. Đây là điều Tổng thống Donald Trump không hề mong muốn: Ông luôn có thái độ mềm mỏng, nhượng bộ hiếm thấy dành cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria hay phản đối trừng phạt của Quốc hội.

Khi ấy, ông Erdogan sẽ thuyết phục ông Trump từ bỏ quan hệ với SDF và nhượng phần kiểm soát ít ỏi còn lại ở Đông Bắc Syria cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thuyết phục Tổng thống để lại một phần lực lượng tại Syria nhằm “bảo vệ các mỏ dầu” và gìn giữ quan hệ với SDF. Dù nghe lời thuyết giáo của đồng minh một thuở hay tin tưởng vào cánh tay phải, quyết định của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới cục diện hiện nay tại Syria.

Vấn đề thứ hai nhiều khả năng được thảo luận sẽ là quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã bỏ ngoài tai lời đe dọa của Washington để tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Moscow. Đổi lại, Mỹ đã trục xuất các phi công Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình huấn luyện F-35, lo ngại rằng thông tin nhạy cảm về loại máy bay này có thể lọt sang phía Nga. Song Ankara vẫn khẳng định mua sắm trang thiết bị quốc phòng thuộc chủ quyền quốc gia và Washington lẫn tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có quyền can thiệp. Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien cảnh báo Mỹ sẵn sàng tăng trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ hệ thống tên lửa S-400. Tuy nhiên, với tính cách quyết liệt thường thấy, ông Erdogan sẽ không nhượng bộ.

Quan hệ đồng minh nhiều sóng gió giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Razor Forex)

Vấn đề thứ ba đáng chú ý là việc Mỹ tiến hành trừng phạt Halkbank, một trong những ngân hàng công lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, vì vi phạm lệnh cấm vận Iran trong năm 2013. Ngân hàng này, thông qua các công ty bình phong và giao dịch giả, đã tiến hành giao dịch hơn 20 tỷ USD giữa các quan chức cấp cao của Ankara và phía Tehran. Ông Erdogan cáo buộc động thái của Mỹ là “bước đi bất hợp pháp và xấu xí” của Mỹ, dựng lên nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch tại Syria.

Vấn đề thứ tư liên quan đến số phận của Giáo sĩ Fetullah Gulen và các công dân người Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Ông Erdogan đã nhiều lần thúc giục ông Trump bắt giữ và dẫn độ nhân vật được cho là chủ mưu của vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, song chưa bao giờ nhận được câu trả lời thích đáng. Vấn đề này có thể sẽ được đề cập một lần nữa, nhưng khó thu về phản hồi tích cực.

Bên nồng ấm, phía lạnh lùng

Việc giải mã những khúc mắc trên ra sao không chỉ phụ thuộc vào phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, mà sẽ phụ thuộc nhiều vào Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ.

Việc cuối tháng 10 vừa qua, Quốc hội Mỹ công nhận sự tồn tại Diệt chủng Armenia và vai trò của Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ trong thảm sát này với số phiếu áp đảo cho thấy ngay cả thành viên đảng Cộng hòa cũng ủng hộ một chính sách cứng rắn với Ankara. Các dự luật trừng phạt Halkbank và các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được đề xuất và chỉ chờ ngày được bỏ phiếu tại lưỡng viện.

Tuy nhiên, thái độ của ông Trump khi đón tiếp ông Erdogan lại nồng ấm đến lạ thường. Trong lá thư tuần trước, ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị hai bên thiết lập thỏa thuận thương mại 100 tỷ USD, đề xuất tới ông Erdogan cách thức nhằm tránh cấm vận của Mỹ vì mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ông Trump tán dương ông Erdogan là “người bạn”, “một con người cứng rắn xứng đáng nhận được sự tôn trọng”. Đổi lại, ông Erdogan có thể tuân thủ thỏa thuận ký kết giữa hai bên vào ngày 17/10 vừa qua nhằm hạn chế tầm hoạt động của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria.

Tại sao thỏa thuận ngừng bắn và mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lại quan trọng với ông Trump? Bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và ông Trump hiện hướng tới hoàn thành lời hứa tranh cử, chấm dứt sự can dự của Mỹ tại Syria và rút quân đội về nước. Khi ấy, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở đây có thể duy trì sự ổn định, tạo điều kiện để ông Trump rút quân khỏi Syria và tự tin để gọi đó là một “chiến thắng”.

Thịnh tình của ông Trump trong mối quan hệ với ông Erdogan khi ấy có lẽ là yếu tố sống còn trong việc tái thiết lại quan hệ thân tình giữa hai quốc gia đồng minh một thời.