📞

Triều Tiên - thách thức hàng đầu của Chính quyền Donald Trump

09:17 | 09/03/2017
Triều Tiên đang dần trở thành một vấn đề cấp thiết trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với thách thức chính sách đối ngoại nghiêm trọng nhất từ khi lên nắm quyền sau vụ Triều Tiên thử tên lửa, một động thái mà quốc gia này tuyên bố nhằm đẩy mạnh các nỗ lực tấn công nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. 

Ngày 6/3, Triều Tiên đã bắn ít nhất 4 quả tên lửa về phía nước láng giềng phía Đông; 3 trong số các quả tên lửa này đã rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc và nhiều chuyên gia nhận định các tên lửa này không phải là tên lửa Scud hay tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong được Triều Tiên phát triển từ những năm 1990 và không thể chạm tới đất Mỹ. 

Hồi tháng 1 vừa qua, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định mục tiêu mà Triều Tiên tuyên bố là chế tạo thành công tên lửa hạt nhân tầm xa đủ sức tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ là điều “sẽ không xảy ra”, song ông chưa từng nói sẽ ngăn chặn tham vọng này như thế nào.

Sau khi Triều Tiên nói rằng các vụ phóng tên lửa là nhằm diễn tập một cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, nơi có khoảng 50.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú, Thủ tướng Shinzo Abe và ông Trump đã có một cuộc điện đàm, đồng thời cảnh báo mối đe dọa từ Triều Tiên đang “bước vào một giai đoạn mới”. Nhiều quan chức cho rằng đã đến lúc Tổng thống Trump cần nói rõ về các phát biểu của mình và Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước những mối đe dọa này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters).

Trong tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng là chuyến công du đầu tiên của ông tới khu vực. Quyền Người Phát Bộ Ngoại giao Mark Toner cho biết ông Tillerson sẽ thảo luận “các biện pháp phối hợp chiến lược để giải quyết mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên… Với việc Triều Tiên liên tục có những hành động khiêu khích, Mỹ đang tích cực làm việc với các đối tác và đồng minh trong khu vực để đối phó những mối đe dọa này”. 

Căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng với việc Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Trung Quốc có những phản ứng khá mạnh mẽ đối với kế hoạch này dù Washington và Seoul khẳng định mục đích chính của THAAD là để phòng thủ và không ảnh hưởng tới tên lửa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại rằng hệ thống radar của THAAD có thể cho phép Mỹ dễ dàng do thám hoạt động của các tên lửa Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu khả năng răn đe của họ trước Mỹ. Chuyên gia về hàng không vũ trụ, cố vấn cho chương trình 38 North của Viện Mỹ-Hàn John Schilling thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết: “Đôi lúc người ta (Trung Quốc) nói hơi quá về việc đây là một mối đe dọa, song khả năng của hệ thống THAAD tới mức nào vẫn còn là điều bí mật, bởi vậy người ta cũng không thể đánh giá thấp chúng”. 

Các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên phóng thử cùng lúc 4 tên lửa nhiều khả năng là một nỗ lực nhằm thử nghiệm khả năng qua mặt các hệ thống phòng không tân tiến. Hệ thống phòng không Patriot, tiền thân của THAAD có thể chặn đứng lần lượt 16 tên lửa và nhiều người cho rằng THAAD cũng như vậy, song việc đối phó với các tên lửa được phóng đồng loạt là điều không hề dễ dàng. Chuyên gia về Triều Tiên Joseph Bermudez cho rằng Bình Nhưỡng có thể có đủ các bệ phóng di động để bắn cùng lúc 36 loại tên lửa đạn đạo thuộc nhiều loại khác nhau. 

Một binh sĩ đứng gần khu vực Tongchang-ri, nơi Triều Tiên từng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa trong những năm qua. (Nguồn: AP)

Người đồng sáng lập chương trình 38 North Joel Wit cho rằng Triều Tiên đã bí mật đánh tín hiệu cho thấy họ muốn có một khởi đầu mới với Chính quyền Trump, song việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự hồi tuần này đã dập tắt mọi ý định. Ông nói: “Mong muốn ấy không tồn tại mãi và cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra đã chấm dứt một quãng thời gian yên ả”. 

Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Quốc phòng và Dân chủ Anthony Ruggiero nhìn nhận việc triển khai THAAD là bước đi quan trọng, song không đủ để giải quyết thách thức nảy sinh từ chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ông nhận định: “Để ngăn chặn họ, chúng ta cần tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể Triều Tiên ở nước ngoài”. Theo ông, chính quyền Trump cần siết chặt quản lý và có chế tài đối với các ngân hàng quốc tế giao dịch với Triều Tiên, bởi “không có lý do chính đáng nào cho các ngân hàng nước ngoài hợp pháp và có uy tín giao dịch với các ngân hàng Triều Tiên”. 

Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp, cơ quan và cá nhân người Triều Tiên, song chủ yếu là các thực thể ở trong nước, bởi vậy các biện pháp này thực sự không có nhiều hiệu quả. Ông Ruggiero lưu ý rằng mặc dù các tên lửa được phóng ngày 6/3 không phải là loại tân tiến và không thực sự là một mối đe dọa, hành động bắn cùng lúc nhiều tên lửa về phía Nhật Bản truyền tải một thông điệp khá khiêu khích. 

Khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Obama đã cảnh báo người kế nhiệm về những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng và rằng đó là vấn đề cấp bách nhất mà ông Trump sẽ phải đối mặt. Chính quyền Obama đã thực hiện hàng loạt đòn trừng phạt, với sự hậu thuẫn từ các nghị quyết của Liên hợp quốc, song vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Tờ New York Times đưa tin Mỹ cũng đã nỗ lực phát động một cuộc chiến an ninh mạng để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia bị cô lập này. 

(theo AFP)