Điều này thể hiện ở việc ông Kim Jong-un mong muốn có thể gặp gỡ ông Moon Jae-in “thường xuyên hơn” trong năm 2019 để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông lấy làm tiếc vì chưa thể ghé thăm Seoul như từng cam kết hồi tháng Chín và “quyết tâm thực hiện điều này trong thời gian tới”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng gửi một “thông điệp hòa giải” tới Tổng thống Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa, song nội dung cụ thể chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un không bắt giới quan sát phải chờ lâu khi trong bài phát biểu đầu năm mới ngày 1/1, ông cho biết sẵn sàng gặp gỡ ông Donald Trump vào bất kỳ thời điểm nào để đạt được một kết quả tích cực. Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố Triều Tiên “sẽ không sản xuất, thử nghiệm, sử dụng hoặc cung cấp vũ khí hạt nhân” nếu Mỹ có các “biện pháp tương ứng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Thượng đỉnh ngày 12/6/2018 ở Singapore. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Tuy nhiên, một khi Mỹ “không giữ đúng lời hứa”, yêu cầu Triều Tiên hành động đơn phương trong khi tiếp tục các lệnh trừng phạt, gây sức ép và tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể tìm “hướng đi mới”.
Tuyên bố “vừa đấm vừa xoa” của ông Kim dường như thể hiện rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn, đây là cách Bình Nhưỡng giữ thế chủ động trong đàm phán dài hơi với Washington và Seoul, đảm bảo rằng những điều kiện cần thiết như duy trì an ninh, dỡ bỏ trừng phạt, hỗ trợ kinh tế… được triển khai song song với tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, thứ Nhà Trắng mong muốn không phải là một quá trình tiệm tiến, mà là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Nói cách khác, Washington muốn Bình Nhưỡng đơn phương tiến hành phi hạt nhân hóa và chỉ thay đổi chính sách một khi thấy được kết quả cuối cùng. Nhưng trong bối cảnh hai bên tiếp tục thiếu vắng lòng tin, Triều Tiên cần bám lấy lá bài vũ khí hạt nhân để đảm bảo cam kết từ Mỹ, khiến thế giằng co này tiếp tục kéo dài.
Theo đó, hầu như không có cuộc đàm phán trực tiếp nào diễn ra kể từ sau thượng đỉnh tại Singapore. Triều Tiên đã hoãn cuộc gặp dự kiến tại New York vào tháng 11/2018 với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tương tự, mặc dù đã cố gắng, song Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun vẫn chưa thể gặp trực tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Sun-hui.
Hàn Quốc đang cố gắng phá vỡ thế bế tắc này. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, những tháng đầu năm 2019 sẽ vô cùng quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa và Seoul sẽ đóng vai trò trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington để thúc đẩy đàm phán.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định đang nỗ lực để đạt được cam kết Triều Tiên hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, trước mắt là xúc tiến thượng đỉnh thứ hai ngay trong tháng 1/2019. Trên Twitter ngày 2/1, ông Trump cũng khẳng định sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un. Nếu thành hiện thực, cuộc gặp này sẽ định hình rõ nét hơn các bước đi tiếp.
Tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đòi hỏi nỗ lực đến từ tất cả các bên và thông điệp thiện chí của ông Kim Jong-un, dù còn nhiều toán tính, có thể là khởi đầu cho cố gắng đó.