Nhỏ Bình thường Lớn

Trưng cầu dân ý ở Hà Lan: Tất cả đều thua?

Kết quả trưng cầu dân ý tại Hà Lan ngày 6/4 là sự khó xử của chính quyền Hà Lan, thất bại nối dài của EU và là sự vỡ mộng của Ukraine.
trung cau dan y o ha lan tat ca deu thua
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đi bỏ phiếu trong cuộc dân ý ngày 6/4 tại The Hague. Ảnh AFP

Gần 2/3 trong số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý (61%) ngày 6/4 về thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã bỏ phiếu chống lại thoả thuận này. Việc 32,1% cử tri Hà Lan đi bỏ phiếu (cao hơn mức cần thiết là 30%) đồng nghĩa với việc Chính phủ liên minh của Thủ tướng Mark Rutte không thể không quan tâm đến kết quả cuộc bỏ phiếu.

EU: Thất bại nối dài

Việc đa số cử tri Hà Lan bác bỏ thoả thuận hợp tác giữa EU và Ukraine rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào EU trong bối cảnh liên minh này đang ngập chìm trong những khó khăn khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau thế chiến II, phải đối mặt với thách thức cao độ từ chủ nghĩa khủng bố và phải đương đầu với một nền kinh tế mong manh.

Kết quả trưng cầu dân ý tại Hà Lan cũng cho thấy sự bất an của người dân châu Âu khiến  phong trào chống EU ngày càng gia tăng, thậm chí ở ngay tại một trong nước thành viên sáng lập ra liên minh như Hà Lan. Có vẻ như người dân Hà Lan đang thể hiện sự vỡ mộng với dự án châu Âu mà họ từng chung tay dựng lên cùng với 5 thành viên sáng lập khác. Tệ hơn, cảm nhận của người dân Hà Lan về EU dường như đang lan truyền ở nhiều quốc gia châu Âu. Phe hoài nghi về châu Âu đã nhanh chóng thể hiện sự vui mừng trước kết quả trưng cầu dân ý này.

Nhà lãnh đạo Đảng Tự do của Hà Lan theo đường lối cực hữu – ông Geert Wilders, đã miêu tả kết quả cuộc bỏ phiếu là “khởi đầu cho sự kết thúc của EU”. "Kết quả đó giống như là người dân Hà Lan nói KHÔNG với EU”, ông Wilders nói. Tiếp lời ông Wilders, Lãnh đạo đảng Ukip cánh hữu của Anh – ông Nigel Farage, nói rằng, kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan dường như cũng báo trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 6 ở Anh - theo đó người dân xứ sở sương mù sẽ bày tỏ quan điểm của họ về việc liệu nước này có nên rút ra khỏi EU hay không. Đảng Ukip là đảng phản đối mạnh mẽ EU.

Diễn biến mới này cũng là sự nối dài của những thất bại mà EU phải hứng chịu kể từ năm 2000, sau các cuộc trưng cầu dân ý ở Đan Mạch, Thuỵ Điển về việc gia nhập khu vực đồng tiền chung Euro, và ở Ireland, Pháp và Hà Lan về việc phê chuẩn các hiệp ước mới cho phép EU có nhiều quyền lực hơn. Gần đây nhất, chính phủ Hà Lan cũng thất bại trong cuộc bỏ phiếu về việc tăng cường sự hợp tác trong EU về lĩnh vực cảnh sát và pháp lý. Gần như mỗi lần một chính phủ thành viên của EU tham khảo ý kiến của cử tri về việc “Châu Âu hoá" hơn nữa thì họ đều nhận được câu trả lời là KHÔNG.

Hà Lan: Khó xử

Các nhà phân tích tin rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan không hẳn có nghĩa là người dân nước này phản đối mối quan hệ giữa Ukraine và EU mà trên thực tế nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu nhằm thể hiện sự bất mãn đối với các chính sách hiện tại của chính phủ Hà Lan hay đối với nền kinh tế khó khăn, cuộc khủng hoảng nhập cư… mà EU đang phải đối mặt. Chính vì thế, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 25% người dân Hà Lan có cái nhìn tiêu cực về EU trong khi 75% có cái nhìn tích cực hoặc trung lập, nhưng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy đông đảo cử tri phản đối EU đã tìm thấy "động lực" để đi bỏ phiếu.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cũng đẩy Chính phủ của Thủ tướng Rutte rơi vào thế khó xử khi Hà Lan đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU và tất cả các nước thành viên còn lại của Liên minh Châu Âu đã thông qua thoả thuận này.

Nội các Hà Lan có thể phớt lờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý vì trên thực tế cuộc bỏ phiếu này không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, một quyết định như vậy là hết sức nguy hiểm đối với chính phủ liên minh ở Hà Lan. Thủ tướng Rutte vốn đã làm mất lòng dân vì cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư. Nếu không tôn trọng ý kiến cử tri trong nước thì ông sẽ khó mà giành được phiếu bầu trong cuộc bầu cử quan trọng dự kiến diễn ra vào tháng 3/2017. Đây là lý do mà Thủ tướng Rutte tuyên bố không thể phớt lờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 6/4.

Ukraine: Giấc mơ ngày càng xa vời

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 7/4 đã tức giận cho rằng, việc cử tri Hà Lan phản đối thoả thuận hợp tác giữa EU và Kiev là “một cuộc tấn công vào sự đoàn kết của châu Âu, một cuộc tấn công vào các giá trị của châu Âu”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố, kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hà Lan không mang tính ràng buộc và vì vậy nó không phải là cản trở đối với Ukraine trên con đường tiến lại gần EU, bởi Kiev sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm hội nhập sâu hơn vào liên minh gồm 28 thành viên này.

Thỏa thuận hợp tác giữa EU và Ukraine được ký hồi tháng 3/2014. Theo đó, hai bên sẽ dần thiết lập một mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc. Một khu vực tự do thương mại sẽ được lập ra để đưa nền kinh tế của Ukraine hòa nhập vào nền kinh tế 17.000 tỉ USD với hơn 500 triệu người tiêu dùng của EU.

Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với thoả thuận này, nhưng chắc chắn kết quả bỏ phiếu ở Hà Lan không khỏi giúp Ukraine một lần nhìn rõ thực tế là việc theo đuổi giấc mơ gia nhập ngôi nhà chung châu Âu là điều không hề dễ dàng.

Hải Yến