📞

Trung Đông: Vì sao thánh chiến vẫn tiếp diễn?

16:51 | 21/07/2017
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang trên đà suy thoái, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng đã đến hồi kết của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan.

Tuần trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố quân đội nước này đã đánh bật IS ra khỏi Mosul, thành trì cuối cùng của chúng tại Iraq. Tại Syria, IS cũng được cho là sẽ sớm từ bỏ Raqqa, cứ địa cuối cùng của tổ chức này tại đây. Tình báo của Mỹ cũng cho biết tới tháng 9/2016, số lượng các chiến binh nước ngoài vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria để sát cánh cùng IS đã liên tục sụt giảm xuống vài chục người.

Lực lượng cảnh sát liên bang Iraq ăn mừng chiến thắng IS sau khi Chính phủ tuyên bố giải phóng thành cổ Mosul, ngày 9/7. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, cả IS và chủ nghĩa hồi giáo cực đoan chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. IS đã chứng minh khả năng đánh vào tâm lý dễ bị lay động của một bộ phận thanh thiếu niên và dụ dỗ họ theo đuổi chủ nghĩa cực đoan của mình. Điều này đã giúp chúng thu hút một lượng lớn những chiến binh từ khắp nơi trên thế giới, sẵn sàng tử vì đạo để tạo ra một "Vương quốc Hồi giáo", đồng thời kích động nhiều người theo đạo Hồi ở các quốc gia khác thực hiện các vụ tấn công đẫm máu.

Bên cạnh đó, những nhóm khủng bố khác như al-Qaeda đã cho thấy ý thức hệ có thể tồn tại, ngay cả khi tổ chức của nó đã bị tiêu diệt. Chúng sẽ chuyển đổi chiến thuật, xây dựng lại hàng ngũ và thực hiện những cuộc tấn công ngầm, gieo rắc nỗi kinh hoàng và đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng bất ổn.

Ngoài ra, có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan có cùng tư tưởng với IS đang hoạt động trong khu vực, tiêu biểu là Mặt trận al-Nusra, một nhánh cũ của al-Qaeda, nhưng nay đã trở thành một trong những nhóm thánh chiến có ảnh hưởng nhất tại Syria. Giống như IS, al-Nusra mong muốn xây dựng một nhà nước riêng và đã tập hợp được không ít những nhóm cùng mục tiêu trong công cuộc lật đổ Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Lực lượng Mặt trận al-Nusra đang trở thành một trong những phiến quân Hồi giáo cực đoan có ảnh hưởng nhất tại Syria. (Nguồn: The National)

Do đó, việc quân đội Iraq và Syria giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay IS khó có thể mang lại hòa bình lâu dài cho khu vực. Đánh bại IS, al-Nusra và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ đòi hỏi không chỉ những chiến thắng về mặt quân sự, mà cả những nỗ lực nhằm ổn định trật tự chính trị, củng cố hệ thống luật pháp và đảm bảo quyền đại diện tại những khu vực từng bị chiếm đóng. Chính quyền Iraq cũng cần phải vượt qua được chủ nghĩa bè phái đã chia rẽ đất nước trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau khi ông Saddam Hussein bị phế truất.

Tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan ở Iraq và Syria cũng cần tới sự phối hợp một cách bài bản của các nước liên quan, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh. Cả Qatar và Saudi Arabia đã phản đối chế độ của Saddam Hussein và công khai ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Abadi. Trong khi đó, các chính quyền và cá nhân khác từ Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và UAE lại được cho là có quan hệ mật thiết với Mặt trận al-Nusra tại Syria.

Đã đến lúc chính quyền các nước trong và ngoài khu vực, cũng như những tổ chức phi chính phủ có liên quan cùng chung tay cắt đứt nguồn tài chính của các nhóm thánh chiến, đồng thời ngăn chặn tư tưởng kích động thù hận và bạo lực của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chỉ với những biện pháp đồng bộ và toàn diện, vòng luẩn quẩn của chiến tranh tại Trung Đông nói chung và tại Iraq, Syria nói riêng mới có thể bị phá vỡ.

(theo Project Syndicate)