Tướng Phòng Phong Huy và Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey tại Lầu Năm Góc, ngày 15/5. |
Một lịch trình hoành tráng về lễ tân, những nghi lễ cao nhất như duyệt đội danh dự, có 19 phát đại bác chào mừng, thăm các tàu sân bay, hội kiến lãnh đạo cao cấp của Mỹ… Tướng Phòng Phong Huy đã có một chuyến đi đầy "sóng gió" trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Mây đen" Hải Dương 981
Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản, Philippines là một trong những đối tác quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ nên đương nhiên Mỹ không thể ngồi yên. Hàng loạt tuyên bố ở các cấp độ khác nhau của các nghị sỹ quốc hội, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao đều lần lượt được đưa ra nhằm lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thậm chí, trong cuộc tiếp xúc với Tướng Phòng Phong Huy, Phó Tổng thống Joe Biden còn chỉ trích thẳng các hành động của Trung Quốc là "nguy hiểm và mang tính khiêu khích".
Không chỉ có vậy, ngay sau khi ông Huy kết thúc chuyến thăm Mỹ, Bộ Tư pháp đã phát lệnh truy nã năm sỹ quan quân đội Trung Quốc với tội danh tiến hành hoạt động gián điệp mạng vì mục đích kinh tế từ năm 2006, gây tổn hại nghiêm trọng đến các công ty và tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Westinghouse hay US Steel.
Để đáp trả, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng các hoạt động của Nhóm Công tác mạng Trung - Mỹ mới được thành lập tháng 4/2014 với lý do phía Mỹ "thiếu chân thành". Và theo Jonathan Pollack, chuyên gia kỳ cựu về Đông Á của Viện Brookings thì điều này đã "thêm vào danh sách đang gia tăng các vấn đề vốn đã hết sức căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ".
Kết quả hạn chế
Với mục đích tăng cường và thúc đẩy hợp tác quốc phòng Trung - Mỹ, chuyến thăm của Tướng Phòng Phong Huy cũng đã đạt được một số kết quả cụ thể. Lần đầu tiên Trung Quốc sẽ cử lực lượng tham gia cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương -RIMPAC" do Mỹ tổ chức tại Hawaii vào tháng 6/2014. Trung Quốc và Mỹ đã thống nhất thiết lập đường dây liên lạc hình ảnh (videoconference) trực tiếp giữa lãnh đạo quân đội hai nước nhằm tránh các hành động leo thang có khả năng xảy ra.
Trung Quốc luôn muốn vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới trong khi Mỹ cũng không sẵn lòng để Trung Quốc thách thức vai trò lãnh đạo của mình. |
Đặc biệt sau khi mô hình quan hệ "cường quốc kiểu mới" được Trung Quốc đề xuất sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Obama tại California tháng 6/2013, quan hệ quốc phòng Trung - Mỹ đã có bước phát triển nhưng không đáng kể. Những "va chạm" trên các lĩnh vực an ninh mạng, an toàn hàng hải… như những vết nứt đã làm cho lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã không cao lại càng bị kéo xuống thấp hơn nữa.
Cho dù cả hai bên đều có những tuyên bố hùng hồn rằng hợp tác quốc phòng Trung - Mỹ là vì lợi ích của hai nước và nhằm bảo đảm an ninh, hoà bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng trên thực tế, cho dù có sự phụ thuộc lẫn nhau tương đối lớn thì Mỹ và Trung Quốc chưa thể tìm thấy điểm đồng trong các lợi ích mà mình theo đuổi.
Trung Quốc luôn muốn vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới trong khi Mỹ cũng không sẵn lòng để Trung Quốc thách thức vai trò lãnh đạo của mình. Đây là một nút thắt khiến cho dù quan hệ Trung - Mỹ có phát triển thế nào đi chăng nữa thì quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng sẽ bị kìm hãm.
Lại Anh TúViện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao