Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp CSW68 của ECOSOC. (Nguồn: TTXVN) |
Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW68) năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi chuẩn bị đánh dấu 30 năm thực hiện Chương trình hành động Bắc Kinh, thúc đẩy việc thực hiện các SDGs, nhất là SDG 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp.
Nhà tư tưởng người Pháp Charles Fourier đầu thế kỷ XIX cho rằng, “giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ giải phóng xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”. Thế kỷ XXI, trong những năm tháng biến động của tình hình quốc tế, sứ mệnh đó vẫn còn nhiều trăn trở nhưng chắc chắn sẽ không bị bỏ quên trước những quyết tâm kiên định của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Nỗi niềm đau đáu tại “đầu não” đa phương
Ảnh trong bài viết tổng quan về Lễ khai mạc Hội nghị CSW68 trên trang web chủ của Liên hợp quốc không phải là quang cảnh Hội nghị hay một chi tiết đắt giá nào xuyên suốt sự kiện mà là hình ảnh đặc tả một phụ nữ Ghana (một trong những người được thụ hưởng chương trình Trao quyền sinh kế chống đói nghèo của UNICEF) với khuôn mặt, ánh mắt và nụ cười sáng lên niềm hy vọng...
Rõ ràng, hy vọng của phụ nữ toàn cầu về một thế giới bình đẳng, hòa bình và hạnh phúc càng mãnh liệt hơn trong bối cảnh, “tại các khu vực xung đột trên toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu đựng nhiều nhất bởi những xung đột vốn bị khơi lên bởi nam giới”, như phát biểu của Tổng thư ký Antonio Guterres tại Hội nghị. Nỗi bất an về một thế giới đầy rẫy rủi ro, giăng những hố sâu chôn vùi tương lai của hàng triệu người như thường trực trong suy nghĩ của nhà lãnh đạo LHQ, ông bộc lộ điều đó trong nhiều kỳ họp quan trọng thời gian qua. Quyền của phụ nữ và trẻ em gái – nạn nhân chính của những bất ổn và xung đột đó, cũng vì vậy mà trở thành nỗi niềm đau đáu tại “đầu não” đa phương.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tình hình “kinh hoàng” ở Dải Gaza, nơi hơn hai phần ba số người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc tấn công của Israel được cho là phụ nữ và trẻ em gái. Việc thực hiện SDGs đang chậm tiến độ, nhất là về xoá đói, giảm nghèo, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người đang phải sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới chưa được bảo đảm đầy đủ các quyền do nhiều tập tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam, định kiến và khuôn mẫu giới…
Trong bối cảnh đó, “đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới” chỉ là khẩu hiệu khuôn sáo nếu như không đi kèm với những giải pháp cụ thể. Các nhà lãnh đạo LHQ cùng các đại biểu cấp cao đã dành nhiều thời gian đưa ra những định hướng cụ thể cho “cuộc đấu tranh không biên giới” đang ngày càng nóng bỏng và cấp thiết đó.
Cụ thể, các lãnh đạo LHQ nhấn mạnh cần bảo đảm tài chính và tăng cường thể chế để thực hiện đầy đủ Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường đầu tư cho giáo dục, chấm dứt xung đột, củng cố hoà bình, tuân thủ luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis kêu gọi hỗ trợ và phát huy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban địa vị phụ nữ Antonio Manuel Revilla Lagdameo cho rằng, cần tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo trợ xã hội, bảo đảm sự tiếp cận các dịch vụ công và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững cho công bằng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, sự cần thiết phải phá vỡ “tấm trần kính” - hình ảnh mang tính ẩn dụ mô tả một rào cản vô hình cản trở sự thăng tiến của phụ nữ, cũng được Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong vai trò lãnh đạo.
Poster của Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban địa vị phụ nữ. (Nguồn: www.unwomen.org) |
Phụ nữ vươn lên
Là một trong những lãnh đạo nữ tham dự và phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Phụ nữ ngày nay là một lực lượng không thể thiếu trong mọi tiến trình ở mọi cấp độ về hoà bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Do vậy, nữ Phó Chủ tịch nước của Việt Nam nhấn trọng tâm vào cụm từ “phụ nữ vươn lên”, vươn lên bằng nội lực cũng như bằng sự hỗ trợ ngoại lực để phát huy hết khả năng, tham gia vào mọi mặt của đời sống.
Cũng với tinh thần chung là cụ thể hóa giải pháp cho thúc đẩy bình đẳng giới, Phó Chủ tịch nước chia sẻ với cộng đồng quốc tế bốn đề xuất. Thứ nhất là đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các cơ chế quyết định về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm sinh kế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái ở những nơi xảy ra khủng hoảng nhân đạo. Thứ hai là tăng cường trao quyền và tạo cơ hội tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, gắn với phòng, chống phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng.
Thứ ba là nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ tư là thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững; tăng cường hỗ trợ tài chính và tư vấn xây dựng thể chế, chính sách cho các nước đang phát triển; chia sẻ, lan toả, phát huy hiệu quả các mô hình tốt để nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, phát triển bền vững.
Thông báo đến bạn bè quốc tế về việc tháng 1/2024, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới, Phó Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước, các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.
Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%, tỷ lệ các tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 82,4%, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi tham gia thị trường lao động là 70%, gần 30% doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ. |
Đóng góp thiết thực, cam kết kiên định
Có thể khẳng định, bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ luôn là vấn đề Việt Nam coi trọng và tích cực tham gia, đóng góp không chỉ ở cấp độ quốc gia, khu vực và cả ở cấp độ toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) vào 29/7/1980 và phê chuẩn vào 27/11/1981; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo thường xuyên cho Ủy ban Công ước.
Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang, thời gian qua, tại các diễn đàn của LHQ, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng các nước đóng góp xây dựng các khuôn khổ hợp tác, chuẩn mực chung toàn cầu về thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm bạn bè về cân bằng giới nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí công việc ở LHQ, nhất là các vị trí lãnh đạo.
Trong suốt quá trình đó, Việt Nam có những đóng góp thiết thực và ý nghĩa trong thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp độ toàn cầu. Như đối với Nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh của LHQ, trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an LHQ 2008-2009, Việt Nam chủ trì cuộc Thảo luận mở về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết số 1889 (tháng 10/2009) - nghị quyết đầu tiên của HĐBA tập trung vào đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột. Kết nối với kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ làm thành viên HĐBA LHQ lần hai (2020-2021) Việt Nam và LHQ đã tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu thúc đẩy hành động đối với các cam kết toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh (tháng 12/2020), thông qua Tuyên bố Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên LHQ.
Việt Nam còn chủ động tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, triển khai nhiều nữ quân nhân và cảnh sát làm việc tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, với tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%); đồng thời phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ này lên 20%.
Sự tự tin của nữ Phó Chủ tịch nước Việt Nam trên bục phát biểu xanh màu đá cẩm thạch chính là sự tự tin của Việt Nam trước quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ở cấp cao đối với việc bảo đảm bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ. Là đất nước phải trải qua nhiều đau thương của chiến tranh, Việt Nam hiểu và trân quý giá trị của hòa bình, phụ nữ hạnh phúc là mảnh ghép quan trọng của một nền hòa bình bền vững.