Theo PGS. TS Trần Thành Nam, từ clip xin ‘vía’ học giỏi của Thơ Nguyễn, nếu đẩy con cho ‘bảo mẫu’ Youtube, mối quan hệ giữa cha mẹ và con ngày càng xa cách. (Ảnh: NVCC) |
Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
Bản chất của Youtube không xấu, chúng ta học được rất nhiều điều thú vị, thư giãn, giải trí. Tuy nhiên, các clip chứa nội dung không lành mạnh hay những bộ phim có nội dung bạo lực được chiếu tràn lan trên YouTube tiềm ẩn mối nguy hại cho trẻ nhỏ ra sao, thưa ông?
Đúng là bản chất của Internet hay các mạng xã hội như Youtube không xấu. Chúng hiện tại đang được xem như những kênh học liệu trong hệ sinh thái học tập của xã hội trong thời đại CMCN 4.0.
Tuy nhiên, cũng giống như trong xã hội thực có những hiện tượng tiêu cực, trên không gian mạng và Youtube vẫn có rất nhiều các rủi ro và nguy cơ đối với giới trẻ. Đó là những nội dung không lành mạnh, clip mang tính bạo lực, khiêu dâm, loan truyền tin giả, các tư tưởng lệch lạc, phản khoa học, mê tín dị đoan.
Trẻ em trong những giai đoạn đầu đời dễ bị tò mò hấp dẫn bởi cái mới lạ, những âm thanh màu sắc bắt mắt nên có thể trở nên nghiện với các chương trình trên Youtube quá sớm, không tốt cho sự phát triển của trẻ kể cả về mặt thể chất lẫn tâm lý, nhận thức.
Đồng thời, trẻ nhỏ chưa có năng lực tư duy phản biện và phản ứng dựa vào cảm xúc nên hứng thú với cái gì cũng liền tin vào cái đó. Từ đó thay đổi thái độ, thay đổi thế giới quan theo những nội dung xấu đã xem được.
Trẻ nhỏ cũng là độ tuổi học hành vi ứng xử qua bắt chước. Khi vô tình xem được các nội dung trên các em sẽ cho là bình thường và bắt chước theo. Người thực hiện hành vi trên mạng càng quen thuộc với các em (nhân vật nổi tiếng) thì các em càng có xu hướng làm theo cho bằng được.
Đã có nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ chứng kiến cảnh bạo hành gia đình cũng bị tổn thương tâm lý như khi chính các em là nạn nhân của bạo hành. Vậy để cho con chứng kiến những hình ảnh bạo lực, phản cảm, phản khoa học, gây sợ hãi trên mạng cũng không khác việc bắt đứa trẻ chứng kiến bạo lực trong cuộc sống thực là mấy.
Phụ huynh đang lạm dụng các Youtuber để điều khiển con theo ý muốn như khi ăn uống, khi muốn con giữ im lặng, khi quản lý con. Điều này sẽ khiến phụ huynh phụ thuộc ra sao trong việc nuôi dạy và giáo dục con?
Đáng buồn là thực trạng “bảo mẫu” Youtube không phải hiếm trong các gia đình. Đứa trẻ rất nhạy cảm và thông minh, chúng biết ai quan tâm đến chúng. Chúng sẽ trở nên gắn bó với những người dành thời gian chơi với chúng, nói chuyện, gợi ý chơi cùng. Và trẻ sẽ chỉ nghe lời, làm theo những người đó.
Bằng cách đẩy con cho “bảo mẫu” Youtube để rảnh tay làm việc khiến cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình ngày càng xa cách. Nhiều gia đình phàn nàn chẳng thể biết con đang nghĩ gì, nói với con được 3 câu là cáu giận.
Đứa trẻ dường như trở nên gắn bó đến mức nghiện các thiết bị điện tử. Nếu bị ngắt khỏi Youtube sẽ trở nên lầm lì, ít nói hoặc bướng bỉnh, cãi lại, phản ứng chống đối. Chúng sẽ sẵn sàng nói dối để lại được xem Youtube. Chúng sẽ giấu bố mẹ để thực hiện những điều “cô” Youtube kêu gọi (nếu bố mẹ không ủng hộ).
Nói một cách khác, bố mẹ đang mất đi đứa con mình cho Youtube. Có không ít gia đình bố mẹ có trình độ học vấn và định hướng giáo dục tốt nhưng bất lực không thể ảnh hưởng đến thế giới quan, định hướng con đường tương lai của con. Trong khi đó, rất nhiều đứa trẻ chỉ muốn làm Youtuber mà không cần biết có thể lãng phí tiềm năng của mình thế nào.
Vậy các nội dung sản xuất cho trẻ em cần phải được kiểm duyệt thế nào trước khi tung ra thị trường?
Nhiều nước trên thế giới đã coi việc sáng tạo nội dung trên Youtube là một nghề thì có lẽ chúng ta cũng cần sớm định danh nghề đó để xây dựng các tiêu chí nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức hành nghề.
Phải đặt ra các quy định về việc sáng tạo các nội dung cho trẻ em phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển độ tuổi, mang tính khoa học, nhân văn và giáo dục phát triển. Những người làm nghề sáng tạo nội dung cũng cần phải ý thức được việc tham gia các khóa đào tạo liên tục để đảm bảo cho con đường sự nghiệp của mình.
Tương lai, chúng ta ngày càng không thể tuyệt giao với công nghệ nên về cơ bản sẽ cần có những chính sách để lôi kéo sự tham gia của các doanh nghiệp giáo dục tham gia vào sáng tạo các nội dung, triển khai các giải pháp công nghệ, phần mềm ứng dụng hay game mang tính giáo dục cao, tích hợp các chức năng bảo vệ trẻ em như giới hạn độ tuổi, khống chế thời gian.
Tham gia xậy dựng và triển khai các chương trình giáo dục cha mẹ và trẻ về an toàn mạng và sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và quy trình chuẩn trong việc xử lý các chất liệu mạng có tính bạo lực, phản khoa học, phản văn hóa bao gồm chặn, lọc, gỡ bỏ, báo cáo cơ quan chức năng.
Xây dựng hành lang pháp lý cho quy trình chặn, lọc, gỡ bỏ và báo cáo các nội dung không phù hợp với trẻ em. Bổ sung các quy định xử phạt về tội xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Thậm chí nghiên cứu chính sách thành lập đơn vị cảnh sát chuyên trách bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.
Trách nhiệm của cha mẹ đến đâu trong việc bảo vệ con, giúp con không bị lạc lối, “ngộp thở” trên mạng?
Trong hiện tại, để bảo vệ con, cha mẹ cần lưu ý dạy trẻ cách yêu cầu giúp đỡ về các vấn đề an toàn trên mạng; thông báo cho cha mẹ biết các video nguy hiểm cổ xúy cho các hành vi nguy cơ; dạy cha mẹ nhận diện các dấu hiệu nghiện Internet; khuyến khích cha mẹ học và vận dụng các phương pháp phòng chống, bộ lọc; cung cấp các tài liệu giáo dục an toàn mạng.
Cha mẹ cũng cần tự trang bị những kiến thức công dân số cho bản thân, có khả năng nhận diện sớm các dấu hiệu của nghiện Internet, học cách nói chuyện với con về những vấn đề trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần phải tự tạo động lực để tự học và giỏi hơn về mặt công nghệ so với trẻ thì mới có thể hướng dẫn và đồng hành với con.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây, trên kênh TikTok của mình, YouTuber nổi tiếng Thơ Nguyễn đã đăng một đoạn clip dài gần 1 phút về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh. Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn đeo cặp kính kỳ dị, vẻ mặt nghiêm trọng, tay ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con". Đoạn clip sau khi được đăng tải đã nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con cái thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Thơ Nguyễn. Nhiều ý kiến cho rằng, Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ. Dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích nội dung mà YouTuber này đã đăng tải. Thậm chí, có ý kiến kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay các clip độc hại như thế này… |