📞

Từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định về biến đổi khí hậu

08:02 | 10/06/2017
Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp đinh Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) ký năm 2015. 

Trong tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ tuyên bố quyết định này “nhằm thực hiện trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ”. Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng “đàm phán để tham gia trở lại hiệp định này hoặc một thoả thuận hoàn toàn mới với các điều khoản công bằng với nước Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ở Washington, Mỹ, ngày 1/6. (Nguồn: Reuters)

Đối với những người ủng hộ Đảng Dân chủ và các nhà hoạt động môi trường, tuyên bố rút khỏi Hiệp định nằm trong kế hoạch đã được ông Trump tuyên bố công khai từ khi tranh cử là sẽ “xóa sổ” các di sản hao tiền, tốn của của chính quyền Obama như Obamacare, rút khỏi Hiệp định năm 2015… Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ - quốc gia có lượng khí thải lớn thứ hai toàn cầu sau Trung Quốc -  cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải trong vòng một thập kỷ. Do đó, việc rút khỏi Hiệp định đã gây ra không ít bàng hoàng, thất vọng về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong việc bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau những kết luận “khoa học” về BĐKH, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến BĐKH và sự tham gia của nước Mỹ trên thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Theo Giáo sư Lindzen, viện Công nghệ Massachusetts (MIT), câu chuyện “trái đất ấm lên” (global warming) mới “nóng” trên các diễn đàn khoa học, nghị trường… vài thập kỷ gần đây.

Trong giới nghiên cứu, nhiều khoa học gia theo dõi diễn biến khí hậu từ cuối thế kỷ XIX đến nay nhận thấy trái đất đang dần nóng lên với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp. Họ cho rằng, quá trình công nghiệp hoá và đi kèm với nó là lượng khí thải CO2 quá lớn đã ảnh hưởng đến vỏ khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính và làm cho trái đất nóng lên.

 Tuy đồng ý với kết luận cho rằng CO2 là nguyên nhân chính làm cho trái đất nóng lên, giới khoa học vẫn chưa nhất trí về nguồn gốc gây ra loại khí này. Theo họ, câu chuyện khí hậu trái đất biến đổi khi thì nóng, lúc thì lạnh như kỷ nguyên băng hà cũng... xưa như trái đất. Quá trình này diễn ra trước cả khi con người xuất hiện trên trái đất. Nguồn khí thải CO2 không chỉ xuất hiện từ quá trình công nghiệp hoá, mà còn từ quá trình biến đổi của môi trường, sự thay đổi trong vận động của trái đất trong tương quan giữa vị trí trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời... và hiện con người chưa hiểu hết nguyên nhân cũng như nguồn chính tạo ra CO2. Ngay trong báo giới, chỉ mới cách đây khoảng 40-45 năm, các báo như Time, New York Time... còn chạy tít (title) làm sao để con người có thể thích ứng và sống sót trong kỷ nguyên băng hà sắp tới thì làm gì có chuỵên trái đất lại bỗng chốc nóng lên nhanh như vậy, chắc chắn phải có kẻ đứng sau thổi phồng câu chuyện này.

Điều thú vị mà Giáo sư Lindzen phát hiện ra là trái đất nóng lên là do... các chính trị gia, các nhà hoạt động vì môi trường và giới truyền thông! Trong khi câu chuyện tranh cãi thuần tuý về mặt chuyên môn trong giới khoa học vẫn chưa ngã ngũ, những người này tham gia vào cuộc tranh luận, và phần đông ủng hộ ý kiến cho rằng trái đất nóng lên là do con người, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu xoay quanh câu chuyện ý thức hệ, ảnh hưởng chính trị và tiền bạc. 

Đáng chú ý, câu chuyện về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở nước Mỹ và trên phạm vi toàn cầu có sự thay đổi căn bản sau khi xuất hiện ứng cử viên, rồi sau đó là tân Tổng thống Donald Trump. Với tuyên ngôn “nước Mỹ trên hết” và “việc làm cho người Mỹ”, ông Trump thấy cái giá mà nước Mỹ phải trả cho việc đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là quá đắt, làm cho nước Mỹ mất tới 2,7 triệu việc làm đến năm 2025 và một loạt các ngành sản xuất bị sụt giảm.

Việc rút khỏi thỏa thuận trên, theo chính quyền Trump, là nhằm tránh các vấn đề bất lợi cho nước Mỹ. Như vậy, xét cho cùng, đây đâu chỉ là câu chuyện xóa bỏ các di sản của ông Obama, mà là việc ông Trump kiên quyết thực hiện các mục tiêu tranh cử dù biết rằng cái giá phải trả không hề rẻ.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao