📞

Từng sát cánh đẩy lùi dịch SARS, vì sao vắng bóng hợp tác Mỹ-Trung Quốc trong đại dịch Covid-19?

Trinh Hà 13:45 | 28/07/2021
Trong bài phân tích trên tờ East Asia Forum gần đây, Tiến sỹ nghiên cứu quốc tế Xirui Li, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã khái quát hợp tác Mỹ-Trung Quốc về y tế và chỉ rõ nguyên nhân vì sao 2 nước lại không bắt tay nhau trong nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19.
Mỹ-Trung Quốc chú trọng hợp tác y tế ngay sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. (Nguồn: East Asia Forum)

Bắt nhịp hợp tác

Hợp tác Mỹ-Trung Quốc đã từng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, trầm trọng và nguy hiểm hơn cả dịch SARS năm 2003, hợp tác giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này lại vô cùng mờ nhạt.

Phải chăng, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc cùng tinh thần thiếu hợp tác của cả hai phía đã làm cho đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn?

Hợp tác Mỹ-Trung Quốc về y tế công cộng bắt đầu kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ năm 1979 đã là tiền đề cho Nghị định thư về Hợp tác trong Khoa học và Công nghệ Y học, Y tế công cộng giữa hai nước. Đây cũng là cơ sở để Washington và Bắc Kinh duy trì hợp tác xung quanh các vấn đề y tế.

Hợp tác y tế giữa hai bên ngày càng trở nên sâu sắc hơn dưới sự điều phối của ông Jeff Koplan, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ từ năm 1998-2002. Giai đoạn này, Mỹ giúp Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng tương đối hiệu quả.

Sự bùng phát của dịch SARS vào năm 2003 đã làm lộ những điểm yếu trong quản lý hệ thống y tế công cộng khẩn cấp của Trung Quốc và nhu cầu cấp thiết phải cải thiện. CDC Mỹ đã thực hiện những hỗ trợ thiết thực để hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc trở nên tốt hơn.

CDC Mỹ cũng làm việc với Trung tâm Cúm Quốc gia Trung Quốc để nâng cao năng lực giám sát dịch SARS. Với sự hỗ trợ của CDC Mỹ, nhân viên y tế công cộng Trung Quốc đã được đào tạo về virus học và dịch tễ học.

Trong thời gian bùng phát dịch SARS, Trung Quốc nhận ra rằng họ hoàn toàn bị động trước tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Chính phủ bắt tay thực hiện các biện pháp để khắc phục nhiều điểm yếu trong công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua việc bổ sung kinh phí cho y tế cộng đồng và xây dựng một mạng lưới kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh đa tầng.

Chính quyền trung ương cũng sắp xếp lại cơ cấu CDC Trung Quốc, trở thành một hệ thống bài bản để tăng cường điều phối khủng hoảng y tế.

Sau khi dịch SARS qua đi, quốc gia châu Á tiếp tục tăng cường hợp tác y tế với các đối tác Mỹ. Bắc Kinh có nhận thức rất tích cực về mô hình y tế công cộng của Washington vào thời điểm đó và sẵn sàng áp dụng các phương pháp này cũng như nhận sự hỗ trợ từ phía Mỹ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Y tế Mỹ Tommy Thompson vào năm 2003, Mỹ đã cam kết làm việc với Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng y tế công cộng mạnh hơn ở nước này.

Trung Quốc tỏ ra tự tin về năng lực chống dịch của mình. (Nguồn: Reuters)

Nghi hoặc lẫn nhau

Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, cả Mỹ và Trung Quốc đều không chủ động “đưa tay” ra với thiện chí hợp tác. Nhận thức của Bắc Kinh về quản trị khủng hoảng của Washington đã dần thay đổi.

Hơn nữa, Trung Quốc cho rằng nước này đã ngang hàng với Mỹ về cách tiếp cận quản trị khi khủng hoảng dịch bệnh xảy ra và hợp tác với Mỹ như trước đây là điều không còn cần thiết.

Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan ở Alaska (Mỹ) vào tháng 3/2021, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: “Mỹ không có đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc trên cương vị ở thế mạnh”.

Hơn nữa, yếu tố khiến Trung Quốc không cần đến sự hỗ trợ từ Mỹ trước đại dịch Covid-19 một phần là do những tiến bộ của nước này trong việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả trong thập niên qua.

Thông qua một số cải cách chăm sóc sức khỏe kể từ năm 2009, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, theo tiêu chuẩn được Ngân hàng Thế giới (WB) khen ngợi.

Chính sự “ngỡ ngàng” cũng như năng lực kiểm soát chưa tốt của Mỹ trong giai đoạn đầu chống lại dịch Covid-19 đã củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng mô hình ứng phó với khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của Mỹ chưa thực sự hiệu quả.

Tính đến cuối tháng 7 này, số ca nhiễm Covid-19 của Mỹ đã vượt quá 34 triệu, chiếm hơn 10% dân số cả nước, trong khi Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm chỉ khoảng 100.000 người trong tổng dân số 1,4 tỷ.

Với thực tế, Bắc Kinh càng tin rằng Washington đã đánh mất ưu thế về năng lực kiểm soát khủng hoảng, do vậy, sức mạnh và văn hóa Trung Quốc là chìa khóa để vượt qua đại dịch Covid-19 trong nước.

Sự “ngỡ ngàng” cũng như năng lực kiểm soát chưa tốt của Mỹ trong giai đoạn đầu chống lại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc càng tin rằng mô hình ứng phó với khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của Mỹ chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiêu chuẩn hệ thống y tế của Trung Quốc vẫn “lạc hậu” và cách xa Mỹ khi Washington đứng thứ tư về Chỉ số Đổi mới Chăm sóc Sức khỏe thế giới, trong khi Bắc Kinh thậm chí không đủ điều kiện để đánh giá.

Phía Mỹ cũng chưa hề đưa ra một sự công nhận chính thức nào về sự tiến bộ của Trung Quốc trong quản lý y tế trong nước.

Ngoài ra, chính những quan điểm trái lập giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của virus gây ra dịch Covid-19 cũng như nhiều vấn đề trong khu vực và quốc tế đã trở thành rào cản để hai bên không muốn hợp tác chặt chẽ trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Chuyên gia y tế nổi tiếng của Trung Quốc Zhong Nanshan nhận định rằng, Bắc Kinh vẫn còn nhiều điều phải cải thiện cũng như cần học hỏi từ thực tiễn của Mỹ và các nước phát triển khác.

Sự hợp tác đẩy lùi các dịch bệnh trong tương lai giữa hai nước có thể dựa trên việc xây dựng lại lòng tin lẫn nhau và phát triển hiểu biết chung về các phương pháp tốt nhất của nhau.

(theo East Asia Forum)