Thay vì truy cập trực tiếp vào trang chủ của các tờ báo, đọc tin trên các fanpage đang là xu hướng mới và phổ biến của độc giả. Năm 2015, trong báo cáo toàn cảnh về thị trường tin tức trực tuyến được thực hiện tại 20 nước, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho biết 51% số người tham gia khảo sát sử dụng MXH, đặc biệt là Facebook, làm nguồn cung cấp thông tin mỗi ngày. Trong số này, 12% ý kiến khẳng định MXH là nguồn quan trọng nhất để đọc, xem, chia sẻ và bình luận tin tức.
“Quyền lực thứ năm”
Trong bối cảnh công nghệ thông tin - truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay, MXH đã thực sự trở thành một kênh thông tin quan trọng, có tầm ảnh hưởng và độ lan tỏa rộng lớn. Sự bùng nổ của MXH được xem là “cuộc cách mạng thông tin”, khiến báo chí phải thay đổi phong cách lẫn sự tiếp cận, cũng như chạy theo các vấn đề được phản ánh trên MXH để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả.
Ở Mỹ, từ tháng 5/2015, New York Times (NYT) đưa ra ứng dụng “Instant articles”, cho phép người dùng đọc nhanh bản tin ngay trên Facebook, thay vì truy xuất tới link gốc như trước. Trong khi đó, đài truyền hình Phoenix cũng là một điển hình trong việc sử dụng truyền thông xã hội để thu hút công chúng. Thông thường, Phoenix sẽ công bố trên Twitter chủ đề chính cũng như ảnh đại diện của chương trình “Đọc báo hằng ngày” trước khi nó được phát sóng 1 giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, MXH còn giúp các cơ quan báo chí phân chia các nhóm công chúng một cách chi tiết và rõ ràng hơn, giúp tòa soạn đi đầu trong “trận địa” chiếm lĩnh thông tin và đáp ứng nhu cầu tin tức của người đọc. Các hãng truyền thông lớn trên thế giới thường dựa vào từng mảng tin để tạo ra các chuyên trang (page) khác nhau, và mỗi “page” này lại ứng với một tài khoản (ID) trên MXH. Chẳng hạn, NYT có khoảng 20 ID trên Facebook với các nội dung về chính trị, quan điểm, du lịch, sách, nhiếp ảnh…, trong khi đối thủ của nó là tờ Washington Post cũng có tới 30 ID về các chủ đề tương tự.
Tháng 4 năm nay, sự ra đời của ứng dụng Facebook Live đã mở ra thêm cơ hội để các tòa soạn tương tác và thu hút độc giả theo thời gian thực. Cho đến nay, các cơ quan báo chí hàng đầu của Mỹ như NYT, Washington Post, Huffington Post… đã thực hiện nhiều cuộc tường thuật trực tiếp về nhiều nội dung đa dạng như cuộc họp của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, các sự kiện thời trang hay các cuộc phỏng vấn với người nổi tiếng…
Trong một cuộc phỏng vấn “live” những người thoát nạn trong vụ xả súng ở Orlando (bang Florida), NYT đã tương tác với độc giả bằng cách đề nghị người xem đóng góp câu hỏi ở phần bình luận. Bà Louise Story, phóng viên kỳ cựu của NYT, gọi đây là “báo chí tương tác”. Story chia sẻ trên mạng WAN-IFRA rằng: “Những gì diễn ra trên màn ảnh bị ảnh hưởng bởi khán giả trong thời gian thực. Loại hình đưa tin này có mức độ tập trung vào khán giả ngang với nội dung báo chí”. Trong khi đó, theo Wall Street Journal, trung bình một người dùng Facebook xem video trực tuyến lâu hơn gấp 3 lần so với các loại hình video khác.
Ở Việt Nam, với “dân số Internet” lên tới 34 triệu người (tính đến tháng 8/2016) và thời gian truy cập Facebook trung bình là 2,5 giờ/ngày, nhiều tờ báo cũng đã lập các fanpage và chọn lọc chia sẻ các nội dung nổi bật để tăng kênh truyền tải thông tin. Nhiều fanpage có hàng triệu lượt “like” (yêu thích) như báo VnExpress (2,5 triệu), Tuổi Trẻ (1,9 triệu), Zing (1,6 triệu), Thanh Niên (1,2 triệu)…
Trên fanpage, độc giả có thể phản hồi nội dung thông tin bằng cách “comment” (bình luận) hoặc “share” (chia sẻ) bài viết. Về phía tòa soạn, tương tác với công chúng qua MXH không chỉ giúp biết được tức thời những mối quan tâm của dư luận, mà còn thúc đẩy độc giả tham gia vào quá trình sản xuất, truyền phát thông tin. Trong nhiều trường hợp, những ý kiến quý báu của công chúng giúp cơ quan báo chí nói chung, nhà báo nói riêng, mở rộng đề tài và góc nhìn, tổ chức những tuyến bài mới có chiều sâu…
Như vậy, MXH đã trao cho độc giả một sức mạnh to lớn trong việc giám sát và phản biện báo chí, giúp báo chí hoạt động công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Trước thực tế này, giới nghiên cứu cho rằng “quyền lực thứ năm” của MXH đang làm lung lay vị trí “quyền lực thứ tư” của báo chí truyền thống. Điều đó cũng cho thấy báo chí thời đại Internet không còn là công cụ truyền thông một chiều từ tòa soạn đến độc giả nữa, mà đang dần trở thành một diễn đàn thực sự để công chúng tiếp nhận thông tin và tranh luận về các vấn đề quan tâm.
Thích nghi với hoàn cảnh mới
Một khi đã “lên mạng”, các tòa soạn phải chấp nhận tuân thủ những luật chơi của “cộng đồng mạng”. Điều này khiến các cơ quan báo chí chịu ảnh hưởng tiêu cực của MXH. Với hàng triệu người theo dõi, các tòa soạn khó có thể kiểm soát được tất cả các bình luận, ý kiến phản hồi của bạn đọc trên fanpage. Vì vậy, ban biên tập sẽ để lọt những bình luận có nội dung xấu, xuyên tạc, vi phạm quy định của pháp luật… và những bình luận này sẽ tồn tại trong một thời gian dài trên fanpage.
Nhiều cơ quan báo chí - truyền thông quốc tế cũng bắt đầu e dè trước sự “tự do thái quá” trên MXH. Bà Arlene Burgos, Giám đốc bộ phận truyền thông xã hội của ABS-CBN (hãng tin tức lớn tại Philippines có tài khoản Facebook thu hút 11,7 triệu người theo dõi), cho rằng Facebook mang tới một không gian rộng lớn, nhưng lại không phải là nơi dành cho các cuộc tranh luận trí tuệ. Bên cạnh đó, bà Burgos cũng nhận thấy một lượng lớn độc giả hành xử thiếu trách nhiệm thậm chí áp đặt giọng điệu các bình luận mà không suy nghĩ về hậu quả. “Tôi nghĩ rằng sẽ rất nguy hiểm nếu chuyện cứ diễn ra theo cách đó”, bà nói.
Thống kê và dự báo số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam từ năm 2014-2021. (Nguồn: Statista). |
Tại Việt Nam, mới đây hàng loạt tờ báo có số lượng bạn đọc truy cập và bình luận nhiều như VnExpress, Thanh Niên, Zing, Dân Trí… đã quyết định đóng cửa tạm thời fanpage của mình để tránh gây ảnh hưởng xấu tới dư luận. Trên ICTNews, đại diện của VnExpress cho hay fanpage của báo này nhận được khoảng 50.000 bình luận/ngày và mỗi bài báo được chia sẻ trên fanpage thường giúp tăng thêm khoảng 30% lượt bạn đọc. Trước lượng tương tác lớn như vậy, các bình luận hiển thị tuân theo cơ chế hậu kiểm chung của Facebook, chứ đội ngũ quản trị của VnExpress chưa đủ khả năng để kiểm duyệt toàn bộ nội dung xuất hiện trên fanpage.
Từ thực tế trên có thể thấy, khi nền tảng công nghệ giúp cho việc chia sẻ thông tin trở nên dễ dàng hơn, một thông tin nổi bật (dù tích cực hay tiêu cực) có khả năng lan truyền nhanh trên MXH như một thứ virus. Cơ chế lan truyền thông tin này khiến các fanpage dường như đang bị cuốn vào xu hướng “lá cải hóa” và “thương mại hóa” báo chí. Việc có được hàng triệu người theo dõi đã thúc đẩy các tòa soạn tìm kiếm những thông tin “thú vị”, đa phần là gây tranh cãi, để độc giả tích cực tham gia chia sẻ và thảo luận, qua đó tăng lượt truy cập. Lượng truy cập cao đồng nghĩa với tờ báo đó sẽ có tiếng nói hơn, đồng thời thu hút nhiều quảng cáo hơn.
Rõ ràng, trước sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc quản lý và định hướng hoạt động tương tác trên fanpage đặt ra nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các tòa soạn cần tăng cường đầu tư về nhân sự, hạ tầng và ứng dụng công nghệ, chẳng hạn như lập danh sách các cụm từ nhạy cảm, trái với thuần phong mỹ tục đưa vào bộ lọc, đồng thời khóa các bình luận sai trái… Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông Bevan Lakay, biên tập viên của mạng tin News24 (Nam Phi), “độc giả rất khôn ngoan và dành nhiều công sức cho việc vượt hệ thống lọc. Chúng tôi cấm một từ gây phản cảm và chỉ ngay ngày hôm sau, nó sẽ xuất hiện dưới một hình thức khác”.
Vì vậy, bên cạnh việc kiểm duyệt, các tòa soạn cần đa dạng hóa và khai thác tối đa các hình thức tương tác trên báo điện tử để nắm bắt các quan điểm của công chúng đối với các vấn đề xã hội; qua đó tạo ra một không gian nơi độc giả và nhà báo có thể kết nối, trao đổi với nhau với thái độ tôn trọng và xây dựng.
Cuối cùng, các tòa soạn cũng cần nhận thức rằng, vai trò quan trọng trong việc hạn chế ảnh hưởng xấu của MXH thuộc về chính các cơ quan báo chí. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, báo chí truyền thống cũng đang phải “vật lộn” với MXH để không bị bỏ lại trong kỷ nguyên số. Thực tế cho thấy, MXH có tốc độ lan truyền thông tin nhanh và rộng, nhưng công chúng vẫn tìm đến những nội dung chất lượng, được kiểm chứng của báo chí truyền thống. Vai trò “gác cổng thông tin” của báo chí vẫn còn đó, vấn đề là các tòa soạn và phóng viên phải tôn trọng đạo đức nghề báo trong khi tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới.