Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude-Juncker. (Nguồn: Getty) |
Ngày 4-5/6, tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có chuyến thăm đến Brussels (Bỉ) để gặp các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Zelensky kể từ khi ông đắc cử Tổng thống ngày 21/4.
Trọng tâm các cuộc gặp giữa ông Zelensky với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude-Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk xoay quanh cải cách chính trị - kinh tế Ukraine cũng như giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine (Donbass), trong đó có vấn đề Bán đảo Crimea - vốn được sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine sẽ lấy lại Crimea từ tay Moscow. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố Crimea vẫn thuộc về Ukraine nhưng đang tạm thời bị chiếm đóng. Trong khi đó, giới chức Nga – trong đó có Tổng thống Vladimir Putin – tuyên bố dứt khoát khép lại mọi vấn đề liên quan đến việc sáp nhập Bán đảo Crimea.
Chọn Brussels là điểm đến nước ngoài đầu tiên cho thấy ông Zelensky vẫn muốn theo đuổi mục tiêu hội nhập châu Âu, giống như người tiền nhiệm Petro Poroshenko. Trong phát biểu nhậm chức, Tân Tổng thống Ukraine đã nói rằng: “Chúng ta (người Ukraine) chọn con đường hướng tới châu Âu nhưng châu Âu không phải đâu xa, mà ở ngay trong tâm trí chúng ta. Khi nó đã xuất hiện trong tâm trí, nó sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu trong hiện thực, trên toàn Ukraine”.
Tuy nhiên, một khi Zelensky chủ trương thân phương Tây, việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ là nhiệm vụ khó khăn mà ông phải tính đến. Trong khi khủng hoảng ở vùng Donbass đang lâm vào bế tắc, mới đây, căng thẳng Nga - Ukraine lại bùng phát khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh cho phép công dân thuộc vùng Donetsk và Lugansk được cấp quyền công dân Nga một cách dễ dàng.
Đến nay, ông Zelensky vẫn khẳng định mong muốn đàm phán với Nga trong xử lý xung đột ở miền Đông Ukraine với việc đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nối lại đàm phán của Bộ Tứ Normandy (gồm 4 nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine). Vì thế, Zelensky có thể sẽ mềm mỏng hơn trong quan hệ với Moscow nhằm khôi phục tiến trình Minsk 2.0, qua đó sớm mang lại hòa bình cho khu vực Donbass. Để làm được như vậy, Kiev sẽ phải có một số nhượng bộ, song việc này chắc chắn vấp phải sự chống đối của các thế lực cánh hữu ở Ukraine.
Hiện Mỹ và EU tìm cách “lôi kéo” chính phủ mới Ukraine theo chiều hướng có lợi cho phương Tây. Nga cũng không ngồi yên bởi đây là thời cơ để “hạ nhiệt” quan hệ láng giềng với Ukraine, nhất là khi liên lạc Nga - NATO bị cắt đứt, còn hợp tác Nga - EU chưa ra khỏi giai đoạn trừng phạt lẫn nhau.
Lên nắm quyền một quốc gia nằm ở tâm điểm cuộc đối đầu Nga - phương Tây, Tổng thống Zelensky dường như đang chọn cách tiếp cận cân bằng quan hệ Ukraine - Nga và Ukraine - EU, tận dụng sự cạnh tranh giữa hai thế lực này để làm lợi cho Kiev. Trong bối cảnh đó, chuyến “Tây du” lần này của ông Zelensky hẳn không thể không hàm chứa thông điệp cho nước láng giềng phía Đông.