📞

Vấn đề người di cư: Khó khăn trong thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ

15:11 | 23/03/2016
Thỏa thuận này có thể tan vỡ trong vài tháng bởi chẳng bên nào có vẻ sẽ thực hiện được những cam kết của mình.  
Sự hợp tác chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU liệu có tan vỡ ? (Nguồn: SigmaLive)

Ngày 18/3, cả Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều mỉm cười khi ký vào bản thỏa thuận mà theo đó Ankara sẽ nhận trở lại tất cả những người di cư và tị nạn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hy Lạp. Đổi lại, EU sẽ hỗ trợ thêm tài chính, xúc tiến việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Song với Thổ Nhĩ Kỳ, hạn chế dòng người nhập cư tới châu Âu sẽ đòi hỏi phải bố trí lại bộ máy an ninh để ngăn chặn nạn buôn người vào thời điểm mà Tổng thống Tayyip Erdogan có những áp lực cần được ưu tiên giải quyết hơn. Với Hy Lạp, để có thể xử lý và gửi trả những người di cư đang tiếp tục cập bến thì cần phải thay đổi hệ thống tư pháp và quy chế tị nạn trong điều kiện tài chính hạn hẹp và hỗ trợ không thường xuyên của EU.

Tòa án Nhân quyền châu Âu coi hệ thống luật pháp của Hy Lạp còn yếu kém tới mức đã phán quyết rằng, việc trả người tị nạn từ các nước châu Âu khác về Hy Lạp là vô nhân đạo. Thỏa thuận mới có hiệu lực từ ngày 20/3 và đợt trả người di cư đầu tiên dự kiến tiến hành vào ngày 4/4. Một nhà ngoại giao EU cho rằng, điều đó cũng giống như mong Hy Lạp trở thành Hà Lan chỉ trong một ngày.

Khó giữ lời

Với EU, để tái định cư cho hàng ngàn người Syria tị nạn hợp pháp tới từ Thổ Nhĩ Kỳ - một đổi một với những người Syria bị trả về từ Hy Lạp - sẽ đòi hỏi phần lớn các nước thành viên phải nhận thêm người tị nạn nhiều hơn mức mà họ sẵn sàng. Trong bối cảnh phong trào phản đối nhập cư hiện diễn ra ở nhiều nước, đó có thể là một đòi hỏi quá cao.

Hy Lạp đang phải đối phó với thách thức lớn về tài chính với 43.000 người di cư bởi các nước láng giềng phía Bắc đã khóa cửa biên giới, trong khi dòng người di cư vẫn đang đổ về đây mỗi ngày, dù với tốc độ chậm hơn. Mùa Hè sắp tới, khi thời tiết biển thuận lợi, dòng người di cư sẽ ồ ạt đổ về Hy Lạp như Hè năm ngoái. Trong khi đó, việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối tháng Sáu tới cũng đòi hỏi một bước nhảy vọt về niềm tin, bởi Ankara cho tới giờ mới đáp ứng chưa được một nửa trong số 72 điều kiện cần thiết.

Về đàm phán gia nhập Liên minh, EU cố gắng né tránh chướng ngại là Cyprus bằng cách đồng ý hạn chế tiến trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ ở tốc độ "sên bò" trong lĩnh vực chính sách - ngân sách, lĩnh vực mà Cyprus chưa gây trở ngại. Điều này có liên quan tới việc Ankara từ chối mở cửa các cảng và sân bay Thổ Nhĩ Kỳ cho người Cyprus đi lại. Điều khoản bổ sung trong Thỏa thuận cũng nhắc nhở Ankara về cam kết của mình với liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó, nước này phải mở cửa các cảng của mình. Nếu may mắn, vấn đề rắc rối với Cyprus có thể không ảnh hưởng gì tới thỏa thuận di cư trong nhiều tháng, để dành thời gian cho những cuộc đàm phán hòa bình hiện đang được tiến hành mà có thể đem tới sự tái thống nhất cho hòn đảo phía Đông Địa Trung Hải này sau hơn 40 năm chia cắt.

Các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng bỏ qua sự hoài nghi của mình và chấp nhận những lo sợ về mặt pháp lý bởi họ không còn lựa chọn nào tốt hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng chủ xướng thỏa thuận này hi vọng, thỏa thuận có “động lực không thể đảo ngược”, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, thỏa thuận là điều tốt nhất mà EU có thể làm hiện nay.

Toan tính đôi bên

Một quan chức cấp cao EU thừa nhận: “Có nhiều điều khoản trong thỏa thuận này rõ ràng không dẫn tới kết quả gì”. Triển vọng khả quan có chăng là “sự đồng bộ hóa” có thể đạt được giữa tiến trình hòa bình đảo Cyprus và thỏa thuận di cư với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích cho rằng, đó chỉ là sự kỳ vọng của EU.

Một số chuyên gia cho rằng, các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không mong đợi EU giữ lời về vấn đề thị thực, tái ổn định người định cư hay các cuộc đàm phán gia nhập EU... và đang lên kế hoạch biến thất bại dự kiến thành lợi thế chính trị trong nước.

Michael Leigh, chuyên viên cấp cao thuộc cơ quan cố vấn Quỹ Marshall (Đức) cho rằng, EU tối đa chỉ có thể thực hiện phần tài chính trong thỏa thuận nếu Đức chi trả phần lớn trong số 3 tỷ Euro (khoảng 3,4 tỷ USD) hứa dành cho Ankara để hỗ trợ người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà ngoại giao châu Âu nghi ngờ Ankara có thể đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn đúng thời hạn, song việc cấp thiết là phải kiểm soát được cuộc khủng hoảng di cư đã khiến họ không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.

(theo Reuters)