Tổng thống Obama trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC ngày 7/9. |
Vạc dầu sôi Trung Đông
Kể từ "Mùa xuân Ảrập" đến nay, bức tranh Trung Đông vẫn chìm trong khói lửa và bạo lực. Chưa có tia hy vọng nào về giải pháp đem lại hòa bình cho mảnh đất này.
Có thể nói, Trung Đông hiện vẫn là khu vực nơi khủng hoảng "chồng chất", khiến cho việc tái lập một nền an ninh khu vực gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi nội chiến ở Syria còn chưa được giải quyết, thì sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lợi dụng lúc chính quyền Iraq còn yếu, lại trở thành mối đe dọa về an ninh vượt ra ngoài phạm vi khu vực. Sự hung hăng của các phiến quân IS khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng một lần nữa thổi bùng ngọn lửa chiến tranh trên mảnh đất này. Phiến quân tàn bạo còn ngang nhiên thách thức các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Nga, bằng những hành động sát hại dã man các nhà báo. Cũng giống như Al-Qaeda hay Taliban trước đây, phong trào Nhà nước Hồi giáo tự xưng là dạng thức mới hết sức nguy hiểm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hơn thế nữa, sự có mặt của những phần tử từ chính các nước phương Tây trong thành phần IS khiến cho vấn đề trở nên phức tạp và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong lúc đó, chiến sự lại nổ ra ở dải Gaza. 50 ngày giao tranh quân sự giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas đã lấy đi sinh mạng của 1.235 người Palestine và 69 người Israel. Mặc dù lệnh ngừng bắn đã chính thức được tuyên bố ở Gaza, nhưng hy vọng về cuộc đàm phán có kết quả vẫn còn quá mong manh.
Nhìn lại quá khứ, bảy thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi trước đây giữa Israel và Palestine cũng chỉ phần nào trấn an dư luận và để hai bên có thời gian "chuẩn bị" cho cuộc chiến khốc liệt hơn sau đó. Trong khi Israel kiên quyết cho rằng phong trào Hamas không có tư cách để đối thoại bình đẳng với Tel Aviv, còn vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập mới chỉ phát huy ở mức độ nhất định, con đường giải quyết thực chất những mâu thuẫn sâu xa giữa người Do Thái và người Ảrập vẫn chưa được mở ra.
Và ván bài chưa ngã ngũ
Trước diễn biến căng thẳng ở Trung Đông, Nga là quốc gia đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho chính quyền Iraq và cam kết hỗ trợ chính phủ nước này trong cuộc chiến đấu chống lại phiến quân. Mỹ và các nước phương Tây đã tiến hành cứu trợ nhân đạo, kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn, đồng thời cung cấp trang thiết bị quân sự và thông tin cho Chính phủ Iraq.
Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây tại Wales (Anh) cũng ra Tuyên bố, trong đó nêu rõ cam kết hợp tác với Chính phủ Iraq nhằm ngăn chặn, tiến tới tiêu diệt IS, thông qua hoạt động huấn luyện, trao đổi thông tin chiến lược, đối thoại chính trị, xây dựng thể chế.
Có nhiều yếu tố khiến cả Nga và Mỹ không thể bỏ qua những vấn đề ở Trung Đông. Thứ nhất, sự lo ngại của Moscow trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không hề thua kém so với Washington vì các tổ chức khủng bố luôn đe dọa trực tiếp an ninh nước Nga. Nhận thức rõ khả năng liên kết giữa các lực lượng khủng bố vùng Capcadơ với các tổ chức khủng bố quốc tế, chính quyền Putin luôn cảnh giác cao độ và có biện pháp phòng ngừa thích đáng. Thứ hai, lợi ích về kiểm soát nguồn năng lượng và cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông luôn là những nhân tố thúc đẩy Nga và Mỹ duy trì ván bài còn chưa ngã ngũ.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của Nga và Mỹ là họ đang chơi một ván bài "kép" ở cả Trung Đông và Ukraine, hơn nữa lại chơi dưới sức ép lớn từ nội bộ mỗi nước. Nếu như trước đây, hai bên từng đạt thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria, thì giờ đây, khủng hoảng Ukraine đã đẩy quan hệ Nga - phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sức ép quá lớn từ phương Tây đối với Nga không thể không dẫn tới biện pháp trả đũa và thái độ cứng rắn của Moscow. Tuyên bố ngày 5/9/2014 của NATO cũng dành tới 15 mục, trong tổng số 113 mục, để chỉ trích Nga trong vấn đề Ukraine, mặc dù trước đó Tổng thống Putin đã kịp đưa ra kế hoạch 7 điểm về lập lại hòa bình ở Ukraine. Trước thực tế đó, trong thời gian tới khó có thể hy vọng về sự phối hợp giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Trung Đông. Mặt khác, bằng việc tạm hoãn kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO và chưa đưa ra quyết định triển khai lực lượng tại Ukraine, phương Tây đang để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga.
Những cố gắng riêng lẻ sẽ không thể giải quyết triệt để và kịp thời các vấn đề an ninh quốc tế, nhất là trong cuộc đấu tranh với một lực lượng khủng bố cực đoan và tàn bạo như IS. Trong lúc này, các nước lớn, trước hết là Nga và Mỹ, cần xác định đúng các lợi ích và nhượng bộ nhất định, để ván bài của họ góp phần vào hòa bình, an ninh chung của thế giới.
Vũ Vân Anh Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao