Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, với TG&VN xoay quanh sự kiện ngày 4/4, hai tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn gần 60 tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria.
Tên lửa Tomahawk được bắn đi từ tàu chiến Mỹ ngày 4/4. (Nguồn: US Navy) |
Vi phạm luật pháp quốc tế
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, mọi hành động quân sự cần tham chiếu luật pháp quốc tế trước khi tiến hành. Trong trường hợp này, khó có thể nói hành động tấn công Syria của Mỹ có căn cứ pháp lý.
Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) ở Syria, Washington đã thực hiện hành động tấn công của mình với lời khẳng định “chắc nịch” của Tổng thống Trump: “Hành động phóng tên lửa là để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ, để phòng ngừa và răn đe việc sử dụng các loại VKHH nghiêm trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính phủ Syria đã sử dụng VKHH bị cấm, vi phạm các cam kết trong Công ước cấm sử dụng VKHH, phớt lờ lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”.
Rõ ràng là khi chưa có những điều tra cụ thể hay công bố chính thức, người ta khó có thể xác định được bên nào đã sử dụng VKHH. Trong khi đó, các báo cáo cho rằng chính quyền Damascus thực hiện vụ tấn công bằng VKHH ở Syria xuất hiện chỉ 15 tiếng sau khi vụ việc diễn ra.
Những cáo buộc này được đưa ra bởi hai tổ chức phi chính phủ có quan hệ gần gũi với Mỹ và các đồng minh. Cụ thể, hai nguồn tin đưa ra những báo cáo trên là tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng” (White Helmet) do một cựu sĩ quan Anh đứng đầu và tổ chức “Giám sát Nhân quyền Syria” (SOHR) do một người Saudi Arabia lập ra. Cả hai đều có trụ sở ở London (Anh).
Trước đây, tháng 8/2013, hai tổ chức này cũng từng tố cáo Chính phủ Syria sử dụng VKHH ở Ghouta, ngoại ô Damascus, dẫn đến việc giới tân bảo thủ ở Mỹ và các đồng minh Trung Đông, châu Âu thúc ép Tổng thống Barack Obama phải sử dụng biện pháp quân sự đối với Syria. Tuy nhiên khi đó, Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin đã khéo léo đạt được thỏa thuận đổi VKHH của Chính phủ Syria để lấy hòa bình ở quốc gia này. Kết quả kiểm tra cuối cùng lại cho thấy phiến quân Syria al-Nusra liên kết với al-Qaeda mới là những kẻ sử dụng VKHH.
Có thể kết luận vụ tấn công Syria vừa qua chỉ là hành động đơn phương của Mỹ, khi nó chưa có chứng cứ cụ thể cũng chưa có sự cho phép của HĐBA LHQ. Thậm chí, đây có thể được cho là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm độc lập chủ quyền một nước thành viên LHQ.
Nhiều thông điệp ẩn giấu
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, quyết định tấn công Syria lần này của Tổng thống Trump nói lên nhiều điều.
Trước tiên, sự kiện này cho thấy chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga là không thay đổi, từ thời Tổng thống tiền nhiệm Obama đến chính quyền Trump hiện nay. Nói cách khác, người chỉ đạo thực hiện và hoạch định chính sách đối ngoại với Nga vẫn là giới tân bảo thủ ở Washington.
Bên cạnh đó, việc Washington quyết định tấn công căn cứ không quân của chính quyền Bashar al-Assad báo hiệu sự đổ vỡ trong hợp tác Nga - Mỹ về Syria. Cuộc không kích khiến việc tìm giải pháp chính trị ở Syria phức tạp hơn, tình hình chiến sự ở quốc gia Trung Đông này ngày càng căng thẳng, làm cho quá trình đàm phán hòa bình khó có thể đạt được kết quả.
Ngoài ra, quyết định này còn thể hiện sự thiếu kinh nghiệm chính trị, nhất là trong quan hệ quốc tế của Tổng thống Trump - nhà lãnh đạo bị chỉ trích là bốc đồng, thất thường và hay thay đổi. Tuy nhiên, ông Trump dường như có ý đồ riêng của mình. Quyết định tấn công của ông được đưa ra ngay trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Động thái này được cho là gửi một thông điệp ngầm, buộc Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng trước khi Mỹ có thể đưa ra những hành động tương tự ở bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, ngay sau chuyến thăm của ông Tập tới Florida, Mỹ đã điều tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đến Hàn Quốc.
Tàu khu trục USS Porter (DDG 78) của Mỹ phóng tên lửa đạn đạo (tomahawk) trên biển Địa Trung Hải vào ngày 7/4. Cuộc tấn công này của Mỹ nhằm trả đũa Chính phủ Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khủng khiếp tại tỉnh Idlib, miền Bắc nước này hôm 4/4. (Nguồn: AP) |
Washington lâm vào thế khó
Với việc chính quyền Mỹ bị chi phối bởi phe tân bảo thủ, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng nhiều khả năng chính sách đối ngoại của nước này trong thời gian tới sẽ không có nhiều thay đổi so với trước đây. Thậm chí, ông Trump có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn người tiền nhiệm Obama.
Mới hơn 80 ngày trong nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã không trở thành sự thật. Hầu hết những điều ông cố gắng để làm đã bị ngăn chặn hoặc đi vào lối mòn mà ông từng chỉ trích. Hai trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là quan hệ với Nga và Trung Quốc chưa xuất hiện những thay đổi cơ bản.
Trong quan hệ Mỹ - Trung, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) được đánh giá là thành công lớn cho Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thân mật và cởi mở, thậm chí ông Trump còn mong muốn xây dựng mối quan hệ thương mại ngày càng tốt đẹp. Điều này trái ngược với những lời tuyên bố của ông lúc tranh cử và mới đắc cử. Ông Trump từng “mạnh miệng” sẽ đưa những nhà máy của doanh nghiệp Mỹ về nước, tạo công ăn việc làm cho người dân xứ cờ hoa, hay quyết liệt với Trung Quốc trong những vấn đề thương mại khác.
Tuy nhiên, nhiều khả năng quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn nhiều sóng gió, khi trong cuộc gặp vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã không đụng đến những vấn đề gai góc, cụ thể như vấn đề Triều Tiên. Sau vụ tấn công Syria, Bình Nhưỡng có thể lại càng cho rằng họ cần phải phát triển vũ khí hạt nhân để ngăn chặn những kịch bản tấn công tương tự từ Mỹ. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc Hàn Quốc tiếp tục duy trì Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), khiến tình hình Đông Bắc Á tiếp tục căng thẳng.
Trong quan hệ Mỹ - Nga, cuộc tấn công Syria thực chất là hành động có lợi cho Nga trên hai phương diện: bộc lộ yếu kém của Mỹ trong giải quyết vấn đề Syria, trong khi để lộ những quân bài quân sự của mình cho Nga. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, thay vì hành động một cách “bộc phát” như người đồng cấp Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin tỏ ra thận trọng vì nắm thế chủ động. Chính vì vậy, Washington đã buộc phải thực hiện phương án an toàn là sử dụng tàu khu trục thay vì máy bay để phóng tên lửa, do e ngại hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, S-400 và hệ thống vũ khí điện tử của Nga.
Không những vậy, Nhà Trắng đang lâm vào thế khó, khi không thể oanh kích vào các cơ sở quân sự ở Syria do mắc phải hệ thống phòng không của Nga, nhưng cũng không thể tấn công trực diện vì sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của Moscow và Tehran. Việc ông Putin cắt đường dây nóng liên lạc với Mỹ cũng khiến Washington dè dặt hơn trong các kế hoạch quân sự tiếp theo của mình.
Nếu “án binh bất động” sau khi thực hiện những hoạt động quân sự rầm rộ vừa qua, chính quyền Trump sẽ mất uy tín. Do đó, Mỹ vẫn buộc phải hành động. Washington kỳ vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Moscow sẽ gỡ rối phần nào cho tình trạng này, đồng thời mong muốn hợp tác với Nga để giải quyết tình hình Syria. Tuy nhiên, việc Tổng thống Putin từ chối tiếp ông Tillerson sẽ càng khiến cho ông Trump và nội các lâm vào thế bí, trong khi Mỹ không thể không đàm phán với Nga để giải quyết vấn đề Syria.
Mấu chốt chấm dứt giao tranh
Tình hình hiện nay ở Syria cho thấy, lực lượng thân Tổng thống al-Assad đang nắm thế chủ động, mặc dù qua sáu năm chinh chiến, quân đội Chính phủ Damascus đã suy yếu và không thể giành chiến thắng trước các tay súng phiến quân thân Mỹ.
Trong khi đó, mục đích cao nhất của Mỹ ở Syria hiện nay vẫn là loại bỏ sự lãnh đạo của ông al-Assad, dựng lên một chính quyền thân Mỹ để làm giảm ảnh hưởng của Nga trong khu vực Trung Đông, đẩy Iran vào thế co cụm. Ngược lại, dù Moscow và Tehran còn nhiều bất đồng nhưng hai bên nhất trí trong việc ủng hộ chính quyền al-Assad.
Trong bối cảnh đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định tương lai của Syria sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến sự trên mặt trận. Sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, với cái cớ Washington can thiệp vào Syria, nhiều khả năng Moscow, Tehran và Damascus sẽ hợp tác với nhau, củng cố lực lượng chiến đấu của al-Assad, giải phóng toàn bộ thành phố chiến lược Aleppo và đưa đến giải pháp chính trị vào cuối năm 2017.
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của Thiếu tướng Lê Văn Cương.