Ông Ban Ki-moon đã trở về quê nhà sau 10 năm làm việc tại New York trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ). Vốn được nhiều người kỳ vọng sẽ tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào năm nay, song trong một cuộc họp báo được tổ chức gấp gáp, ông Ban Ki-moon đã tuyên bố với các phóng viên rằng: “Tôi sẽ từ bỏ ý định thuần túy của mình là mang lại một sự thay đổi chính trị và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của mình. Tôi xin lỗi vì đã làm nhiều người thất vọng”.
Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AP) |
Quyết định gây bất ngờ
Mặc dù chưa từng chính thức công bố chạy đua vào chức tổng thống Hàn Quốc, song ông Ban Ki-moon đã liên tục xuất hiện trước công chúng và liên tục đề cập đến sự cần thiết phải “thay đổi chính trị” tại một đất nước nơi những bê bối tham nhũng quy mô lớn đã dẫn tới việc Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội.
Truyền thông trước đó còn khẳng định ông Ban Ki-moon đã ký hợp đồng thuê một văn phòng rộng ở Seoul. Thêm vào đó, ngày 31/1 vừa qua ông còn kêu gọi thay đổi Hiến pháp Hàn Quốc nhằm giảm bớt toàn quyền hành pháp của tổng thống và đảm bảo một sự điều hành đất nước mang tính hợp tác hơn.
Những điều này khiến nhiều người kỳ vọng vị cựu TTK LHQ 72 tuổi sẽ gia nhập đảng Saenuri của bà Park Geun-hye hoặc một nhóm ly khai bảo thủ mới nổi để tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong năm nay, bất kể kết quả của tiến trình luận tội bà Park Geun-hye thế nào. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã bị dập tắt bởi tuyên bố mới đây của ông Ban Ki-moon.
Nhiều yếu tố bất lợi
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến ông Ban Ki-moon đưa ra quyết định này là do gặp phải nhiều khó khăn nhằm đạt được sự ủng hộ trong một hệ thống chính trị mang tính bè phái cao và những cáo buộc tham nhũng nhằm vào một số người thân của ông.
Bên cạnh đó, ông Ban Ki-moon từng nhiều lần lên án hệ thống chính trị của đất nước. “Tôi rất thất vọng về thái độ ích kỷ, thiển cận của một số chính trị gia. Tôi đã rút ra kết luận rằng hợp tác với họ sẽ là điều vô nghĩa. Để giải quyết những vấn đề hiện nay, chúng ta cần phải từ bỏ thái độ tự phụ chỉ biết đến mình”, ông Ban Ki-moon phát biểu trong cuộc họp báo.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng xét ở khía cạnh nào đó thì chính ông Ban Ki-moon cũng là tác giả của những rủi ro mà mình vấp phải, chứ không phải hoàn toàn do bối cảnh chính trị và cương vị nổi bật của ông trên quy mô toàn cầu đã không thể mang lại sự ủng hộ trong nước cho ông.
Bên cạnh đó, ông Ban Ki-moon còn bị chỉ trích là khó gần vì mặc đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân nhằm tránh dính phải thuốc khử trùng tại một trang trại, khi mà hầu hết những người xung quanh ông không cần đến mức như vậy. Ngoài ra, ông còn bị “mất điểm” nặng nề vì mất bình tĩnh trước các phóng viên khi bị hỏi về thỏa thuận gây tranh cãi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về vấn đề phụ nữ mua vui thời chiến.
Trong cuộc họp báo hôm 1/2, ông tuyên bố rằng “những nguyện vọng và lòng yêu nước thuần túy của tôi đã trở thành nạn nhân của tình trạng vu khống độc ác, giống như một vụ ám sát tính cách”. Trong các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ ông Ban Ki-moon đã nhanh chóng sụt giảm từ 20,3% khi ông mới trở về quê hương xuống còn 13,1% ngay trước khi ông đưa ra tuyên bố không tham gia tranh cử tổng thống nữa.
Đảng Saenuri gọi việc ông bất ngờ rút khỏi chính giới là một sự “hối tiếc”. Trong một tuyên bố, đảng này cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì ông ấy đã bị nhụt chí trước sự ích kỷ của một số chính trị gia”.
Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá trong cuộc tranh cử tổng thống, ông Moon Jae-In thuộc đảng Dân chủ đối lập chính, cho biết quyết định trên của ông Ban Ki-moon “là một điều bất ngờ bởi những hoạt động trước đây của ông”. Tuy nhiên, ông Moon Jae-In cũng cho biết sẽ tham vấn lời khuyên của ông Ban Ki-moon trong một số vấn đề ngoại giao.
Trong suốt sự nghiệp hoạt động tại LHQ của mình, ông Ban Ki-moon chưa từng tham gia bất cứ đảng phải chính trị nào ở Hàn Quốc và chỉ làm Ngoại trưởng dưới thời cố tổng thống theo phe tự do Roh Moo-hyun từ năm 2004 đến 2006. Chuyên gia nghiên cứu chính trị Park Kie-duck, cựu chủ tịch Viện Sejong, một cơ quan tư vấn độc lập có uy tín, nói với AFP rằng ông Ban Ki-moon đã “thất bại trong việc xây dựng hình ảnh một vị lãnh đạo với tầm nhìn và cương lĩnh chính trị cụ thể”. Theo chuyên gia này, do không có những bộ máy chính trị làm chỗ dựa, danh tiếng của ông Ban Ki-moon trong cương vị cựu TTK LHQ đã bị lu mờ một cách nhanh chóng.
Hàn Quốc đang trải qua tình trạng hỗn loạn chính trị kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye bị truất quyền. Hàng triệu người đã xuống đường biểu tình phản đối sự lãnh đạo của bà Park. Tổng thống Park Geun-hye sẽ phải ra trước Tòa Hiến pháp và tòa án sẽ quyết định việc truất quyền của bà được bảo lưu hay bà có thể trở lại nắm quyền. Nếu quyết định này được bảo lưu thì cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 2 tháng tới chứ không phải đợi tới tháng 12/2017 như đúng thời hạn.