Một vụ pháo kích ngày 25/11 tại thành phố Aleppo đã khiến nhiều người nhập viện, hầu hết trong số đó có biểu hiện khó thở và bị tình nghi là ngộ độc khí Clo. Cơ quan thông tấn Syria (SANA) khẳng định có hơn 100 người đã bị ảnh hưởng; con số này của phía Nga là 46, trong đó có 8 trẻ em, song tất cả đều đã được cứu chữa kịp thời.
Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và Nga đã ngay lập tức quy trách nhiệm cho phiến quân. Điều này là có cơ sở khi mà phong trào đối lập tại Syria đang dần suy yếu và không có sự thống nhất; khi không thể chiến thắng trong giao tranh trực diện, các lực lượng này có thể sử dụng tấn công bằng VKHH để reo rắc kinh hoàng cho phe còn lại. Ngoài ra, dù không sở hữu VKHH mạnh như chất độc thần kinh Sarin, song có khả năng kẻ tấn công đã tẩm clo vào đạn pháo trước khi bắn nhằm gây ra tác dụng như vũ khí hóa học.
Hòa đàm Astana đã diễn ra nhiều lần và mang lại kết quả đáng khích lệ - Ảnh minh họa. (Nguồn: The Astana Times) |
Tuy nhiên, Tướng Naji Mustafa, Người Phát ngôn cho liên minh đối lập Mặt trận giải phóng quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ đã phủ nhận việc lực lượng đối lập có thể chế tạo VKHH: “Không một nhóm cách mạng nào có khả năng sản xuất hoặc sử dụng VKHH.”
Quan trọng hơn, việc hung thủ thực hiện vụ tấn công chưa được xác định đã phủ bóng đen lên hòa đàm Syria tại Astana (Kazakhstan) trong hai ngày 28 và 29/11. Sự kiện này sẽ đánh dấu lần góp mặt cuối cùng của ông Staffan De Mistura trên cương vị Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại tỉnh Idlib. Tuy nhiên, việc hai nhà bảo trợ lớn của Syria là Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng quan điểm có thể cản trở cho tiến trình này.
Một trong số đó đến từ cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng có lực lượng đang tìm cách phá hoại thỏa thuận hòa bình ngừng bắn với Nga tại Idlib. Sau cuộc tấn công tại Aleppo vừa qua, Moscow đã ngay lập tức đáp trả bằng một đợt không kích nhắm vào các lực lượng đối lập, trong đó có lực lượng Mặt trận giải phóng quốc gia do Ankara bảo trợ.
Thổ Nhĩ Kỳ từng tự tin có thể thuyết phục các nhóm cực đoan rút khỏi khu vực ranh giới với những vùng hiện do quân chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, các nhóm này đã không đáp ứng lời kêu gọi của Ankara. Trong khi đó, chính Moscow cũng không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn với các lực lượng thân chính quyền Assad, do nhiều nhóm trong số này chỉ “nghe theo” Tehran.
Ngoài ra, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mong muốn tiếp tục thỏa thuận của mình, những lực lượng không ngả theo Thổ Nhĩ Kỳ cùng chính quyền của Tổng thống Assad lại có ý tưởng khác, khi bản thân họ không đạt được lợi ích gì từ lệnh ngừng bắn tại Syria.
Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi các bên phải ngồi lại cùng nhau và hòa đàm tại Astana là cơ hội không thể tốt hơn để hàn gắn thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, dọn đường cho một hiệp định hòa bình lâu dài, để tiếng súng tiếng bom vĩnh viễn chấm dứt trên trên mảnh đất Trung Đông.