Ngày 23/5, Belarus đã lệnh cho chiếc máy bay Ryanair chở đối tượng có tư tưởng đối lập Roman Protasevich chuyển hướng đến thủ đô Minsk. (Nguồn: AP) |
Theo CNBC, nhiều chuyên gia đang cho rằng Moscow có thể được hưởng lợi trong bối cảnh Belarus đang đứng trước nguy cơ bị cô lập từ phương Tây sau vụ việc này.
Ngày 23/5, chuyến bay FR4978 của hãng hàng không Ryanair, khởi hành từ Athens (Hy Lạp) tới thủ đô Vilnius (Lithuania), khi bay đến không phận Belarus, cách biên giới Lithuania 10km đã nhận được yêu cầu chuyển hướng hạ cánh tại thủ đô Minsk của Belarus.
Khi máy bay hạ cánh, các nhân viên an ninh Belarus đã bắt giữ nhà báo Roman Pratasevich, người điều hành Nexta Live - kênh thông tin dựa trên ứng dụng nhắn tin Telegram từng giúp tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Đồng thời, bạn gái người Nga của ông Pratasevich là Sofia Sapega, sinh viên đại học ở Vilnius, cũng bị đưa đi.
Ngay lập tức, các quốc gia phương Tây phản ứng dữ dội với vụ việc, thậm chí còn gọi đây là một "vụ không tặc", đồng thời nhiều hãng hàng không châu Âu bắt đầu né tránh không phận Belarus.
Ngược lại, Nga mô tả phản ứng ở Mỹ và châu Âu là "gây sốc" và cáo buộc phương Tây tiêu chuẩn kép khi lên tiếng chỉ trích Belarus.
Sự ủng hộ bền bỉ
Trong những năm qua, Nga đã tăng cường đều đặn ảnh hưởng lên nước láng giềng Belarus. Đối với Belarus, Nga là đối tác và nguồn hỗ trợ cả về kinh tế lẫn ủng hộ chính trị mạnh mẽ.
Đối với Nga, Belarus giúp Nga có thể gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực, đồng thời là một bức tường thành đối phó với tham vọng của châu Âu với các nước Liên Xô cũ, chẳng hạn như Ukraine.
Mặt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được biết đến là người ưa thích sự ổn định chính trị, ví dụ như một nhà lãnh đạo lâu đời như ông Lukashenko, người đã bước sang năm cầm quyền thứ 27.
Các chuyên gia về Nga còn đặt ra giả thiết rằng Nga có thể biết, thậm chí có liên quan đến vụ máy bay Ryanair.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, hoài nghi: "Tổng thống Belarus Lukashenko hiện đang phụ thuộc vào chính quyền ông Putin để duy trì nhiệm kỳ và sẽ không mạo hiểm mối quan hệ của mình với Điện Kremlin để có thể 'ung dung' yêu cầu máy bay hạ cánh như vậy trừ khi ông ấy đã được Nga bật đèn xanh”.
Tin liên quan |
Vụ máy bay Ryanair bị Belarus ép hạ cánh: Thổi bùng khủng hoảng hàng không quốc tế? |
Hồi tháng 9 năm ngoái, Nga đã cho Belarus vay 1,5 tỷ USD và cam kết thúc đẩy thương mại song phương.
Động thái này được nhiều người coi là sự ủng hộ của chính quyền ông Putin dành cho ông Lukashenko sau nhiều cuộc biểu tình đòi ông Lukashenko từ chức.
Ông Lukashenko đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Belarus ngày 9/8/2020. Phe đối lập cáo buộc cuộc bầu cử này gian lận song ông Lukashenko đã bác bỏ.
Trước nghi vấn rằng Nga có liên quan đến vụ việc máy bay Ryanair, Điện Kremlin ngay lập tức bác bỏ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết những lời cáo buộc này nhằm tìm cách 'bài Nga' và gây ảnh hưởng tiêu cực đến Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. (Nguồn: Sputnik) |
Trừng phạt không phải giải pháp khả thi
Giống như Nga, Belarus cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến hành vi đàn áp phe đối lập. Sau vụ việc vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Belarus.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng bất kỳ cấm vận mới nào đối với ông Lukashenko nói riêng hay với Belarus nói chung đều khó có hiệu quả.
Ông Emre Peker, Giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), chỉ ra rằng vụ chuyển hướng máy bay Ryanair có khả năng mang lại lợi ích cho Nga bằng cách đẩy Belarus đến gần Nga hơn, đồng thời khiến mâu thuẫn giữa Belarus với phương Tây thêm trầm trọng.
Theo ông Peker, “những cáo buộc nhắm vào Nga sẽ làm phức tạp thêm khả năng đối phó hiệu quả với Belarus của EU.
Moscow cáo buộc EU tiêu chuẩn kép và sẽ bảo vệ cách xử lý của Minsk đối với vụ việc. Tương tự, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU sẽ khiến Nga lên án là sự can thiệp của phương Tây”.
Trong khi đó, ông Matthew Sherwood, chuyên gia tại công ty Economist Intelligence Unit (Anh), nhận định làn sóng trừng phạt mới sẽ không có tác động thật sự lên tình hình Belarus mà có thể thúc đẩy nước này tăng cường hơn nữa quan hệ với Nga.
Ông Matthew Sherwood nêu rõ: “Với sự hỗ trợ kinh tế và chính trị liên tục của Nga, ông Lukashenko và các đồng minh đã có thể trấn áp thành công phong trào đối lập trong nước và các cuộc biểu tình.
Chúng tôi không dám kỳ vọng về việc một làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ có thêm bất kỳ tác động thực sự nào đến tình hình Belarus mà chúng có khả năng khiến Belarus xích lại gần hơn với Nga”.
Mối lo của phương Tây
Nhiều chuyên gia phương Tây nhận định chính quyền ông Lukashenko sẽ ngày càng trở nên khó đoán trong tương lai, đặc biệt nhờ quan hệ khăng khít với Nga.
Cựu Đại sứ Anh tại Belarus Nigel Gould-Davies, thành viên cấp cao về Nga và Âu-Á tại Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS), cảnh báo an ninh của EU và những nước xung quanh Belarus cần phải được thắt chặt.
“Chúng ta đã thấy những hợp tác an ninh giữa Nga và Belarus gần đây. Quan trọng là an ninh của EU, hy vọng với sự hỗ trợ của Mỹ, cần phải vững mạnh hơn”, vị cựu Đại sứ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Timothy Ash cũng tin rằng vụ việc là một thách thức lớn đối với EU và phương Tây: “Đây không chỉ là một hành động xử lý việc nội bộ của ông Lukashenko mà là một cuộc tấn công trực diện nhằm vào EU, khi một chiếc máy bay của EU, bay giữa hai thủ đô của hai nước EU, bị buộc phải di chuyển theo lệnh của một nước không thuộc EU".
Theo vị chuyên gia này, nếu phương Tây không có kế hoạch ứng phó hay đáp trả, sẽ khó có hãng hàng không nào ở phương Tây an toàn khi bay qua bất kỳ quốc gia nào đối lập với phương Tây.