Bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria bị tấn công. (Nguồn: AP) |
Theo Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari, chiều 1/4, máy bay F35 của Israel không kích tòa nhà lãnh sự, trong khuôn viên Đại sứ quán, khiến 7 người, trong đó có chỉ huy cấp cao lực lượng Quds Mohammad Reda Zahedi thiệt mạng.
Vượt lằn ranh đỏ
Israel coi Iran là kẻ thù “không đội trời chung”. Trước đó, Israel đã nhiều lần tấn công các mục tiêu quân sự của Iran tại Syria. Tehran từng cáo buộc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) đứng sau các vụ sát hại chỉ huy, quan chức quân sự cấp cao và nhà khoa học hạt nhân hàng đầu người Iran Mohsen Fakhrizadeh. Israel thường không chính thức thừa nhận. Lần này, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Hagari nói tòa nhà bị cháy chỉ là nơi ở của Lực lượng Quds, không thuộc Đại sứ quán Iran, không có vai trò lãnh sự.
Điều này không khó xác minh tại hiện trường nhưng sẽ lời qua, tiếng lại, khó ai làm trọng tài. Nhưng theo tuyên bố, cách đưa tin của nhiều chính phủ, thì có vụ tấn công vào khu vực Đại sứ quán Iran tại Damascus. Vụ không kích có thể bị quy là “vượt lằn ranh đỏ” của luật pháp quốc tế. Vậy mục đích và tính toán của Israel thực sự là gì?
Một là, Tel Aviv răn đe, ngăn chặn Tehran và các lực lượng Hồi giáo đứng sau Hamas, tấn công Israel. Hai là, thể hiện quyết tâm tiêu diệt Hamas đến cùng, xoa dịu làn sóng biểu tình phản đối Thủ tướng Netanyahu không giải cứu con tin của người dân Israel. Ba là, trước sức ép quốc tế gia tăng, nhất là Nghị quyết số 2728 ngày 25/3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu các bên ngừng bắn ngay lập tức, Israel chuyển hướng ám chỉ Iran là nhân tố chính gây khủng hoảng ở khu vực. Bốn là, có thể Thủ tướng Netanyahu và chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel cho rằng đối thủ chưa tấn công vào lãnh thổ của mình lúc này.
Nhiều lần bị tấn công, Iran thề sẽ đáp trả. Nhưng Tehran vẫn kiềm chế đối đầu trực tiếp với Tel Aviv, thay vào đó, hỗ trợ các tổ chức Hồi giáo vũ trang tấn công, buộc Tel Aviv phải phân tán đối phó trên nhiều mặt trận. Lần này có khác, không kích trực tiếp vào Đại sứ quán (nếu được xác thực) là chạm vào quốc thể, quốc tế thường coi là hành động gây chiến. Phải chăng đây là “giọt nước tràn ly”? Iran không thể không đáp trả, nhưng sẽ theo kiểu nào?
Trước hết, Iran có thể đưa vấn đề ra Liên hợp quốc, Liên đoàn các quốc gia Arab… kêu gọi quốc tế lên án. Ngày 2/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có cuộc điện đàm trao đổi quan điểm về vụ việc.
Những bước đi tiếp theo của Tehran có thể là hỗ trợ, thúc đẩy Hezbollah và các tổ chức Hồi giáo vũ trang khác tấn công mạnh hơn vào các đơn vị Israel. Không loại trừ khả năng trực tiếp tiến công vào các đơn vị Israel đóng trên lãnh thổ Syria.
Tùy theo tình hình, Tehran có thể cân nhắc thực hiện một hoặc một số bước đi trên. Thậm chí, nếu căng thẳng lên cao, được ủng hộ mạnh, Iran có thể tiến hành phương án trực tiến tiến công một số mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Israel.
Điều gì tiếp theo?
Một số chuyên gia cho rằng, hành động của Israel chủ yếu nhằm răn đe, ngăn các lực lượng khác can dự quân sự trực tiếp vào cuộc chiến giữa họ và Hamas, không để xung đột mở rộng. Nhưng đa số dự báo xung đột sẽ leo thang căng thẳng, khó lường. Dù trường hợp nào xảy ra, việc tìm giải pháp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza ngày càng khó, càng xa vời.
Đến thời điểm này, Nga, Trung Quốc, Iraq, Jordan, Oman, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất… đã lên án vụ tấn công. Mỹ khẳng định không liên quan đến vụ tấn công, cũng không trực tiếp lên án Israel. Dư luận chung lo ngại, lên án mọi hành động gây căng thẳng, kêu gọi các bên kiềm chế.
Vụ tấn công nói trên và các cuộc xung đột khác cho thấy quan hệ quốc tế chồng chéo phức tạp. Dù sự đáp trả của Iran với vụ tấn công dưới hình thức nào cũng sẽ khiến quan hệ giữa nước này và Israel nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung lún sâu hơn vào vòng xoáy căng thẳng, xung đột và bạo lực.
Việt Nam theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Trước các cuộc xung đột, sự kiện phức tạp, Việt Nam không chọn bên, mà dựa vào luật pháp quốc tế, bản chất xung đột, mâu thuẫn, để đưa ra quan điểm phù hợp. Trước sau như một, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, không để chiến tranh leo thang, bùng phát toàn khu vực. |