Match of the Day (Trận cầu trong ngày) là một kênh thể thao có tiếng ở Anh đã rất thành công trong cuộc cách mạng truyền hình trực tiếp. Kênh này có một tài khoản Facebook mà chỉ trong vòng một năm, lượng truy cập tăng đến 6.000%. Từ con số 35.000 lượt truy cập vào tháng 9/2014, Match of the Day đã có 3,7 triệu lượt vào tháng 9/2015.
Bằng cách nào mà Match of the day có được sự phát triển vượt bậc như trên? Đó là bởi kênh này đã nghiên cứu phản ứng của khán giả với những phong cách tin tức khác nhau, xem xét sự tương tác của người dùng mạng xã hội và rồi áp dụng để xây dựng cách đăng nội dung phù hợp với thị hiếu của họ. Hiện nay được coi là giai đoạn tương tác với người xem hiệu quả nhất trong lịch sử 50 năm hoạt động của kênh truyền hình này.
Mạng xã hội là trung tâm
Câu chuyện củaMatch of the Daycho thấy truyền hình, vốn là loại hình báo chí giữ vững vị trí, duy trì doanh thu và khán giả trong nhiều năm cả khi báo giấy lao đao nhất, nay cũng phải tìm nơi dựa dẫm là mạng xã hội. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho xu hướng mới của báo chí (cả báo hình, báo in lẫn báo mạng): tiếp cận người xem thông qua giao diện của mạng xã hội, và xu hướng tương tác mạnh với người đọc (xem).
Trong thời gian qua, các mạng xã hội lớn đã đồng loạt tung ra các ứng dụng cho tin tức và báo chí như Snapchat Discover, Facebook Instant Articles, Apple News, Twitter Moments. Để cạnh tranh với mạng xã hội trong lĩnh vực này, “ông lớn” Google ngoài việc làm mới lại Google News, còn mở Accelerated Mobile Pages - một giao diện cho phép tăng tốc độ truy cập cho các trang web trên nền tảng di động.
Không khó để thấy rằng công chúng đã có thói quen và xu hướng “đọc báo” mạng xã hội, thông qua sự giới thiệu hay các chia sẻ của bạn bè trên đó. Theo một nghiên cứu truyền thông gần đây, tin tức chiếm đến hơn 40% lưu lượng trao đổi thông tin, thảo luận trên Facebook - mạng xã hội hiện có hơn 1,4 tỷ người dùng. Là đối tác của Instant Articles từ tháng 10/2015, các bài báo của The New York Times đăng trên Facebook có số chia sẻ trung bình cao gấp 3,5 lần, thích (like) gấp 2,5 lần và con số bình luận (comment) gấp 5,5 lần so với trên các đường link thông thường, theo khảo sát của Newswhip.
Giới nghiên cứu cho rằng, mạng xã hội giữ vai trò mở rộng“không gian thông tin”, tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Thông thường, các tin, bài viết của phóng viên được đăng tải trên các cơ quan báo chíchính thống. Tuy nhiên, do khuôn khổ hoặc thời gian có hạn, nhà báo có thể đăng các nội dung bên lề sự kiện, hoặc những thông tin có liên quan như bối cảnh của sự kiện, quá trình phỏng vấn, cảm nhận cá nhân của tác giả lên trang mạng xã hội của tòa soạn, bổ sung, mở rộng và giúp bản tin trở nên phong phú và có chiều sâu hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng truyền thông ngày càng gay gắt hiện nay, mạng xã hội có thể đáp ứng nhu cầu muốn “nhanh” của công chúng, giúp các hãng truyền thông có thể đi đầu trong “trận địa” chiếm lĩnh thông tin và có thể thông qua mạng xã hội liên tục đưa tin về những tiến triển mới nhất của sự kiện.
Có vẻ các nhà sản xuất nội dung đã chấp nhận thực tế nói trên để trở thành nhà cung cấp cho các ứng dụng tin tức (cũng như người ta đã chấp nhận Uber kinh doanh dịch vụ vận chuyển dù không sở hữu chiếc xe nào), bởi nếu không tham gia xu hướng này, họ sẽ mất cơ hội duy trì và phát triển lượng người đọc và doanh thu từ quảng cáo trong tương lai, và nhất là sự tiếp cận và tương tác với người đọc.
Sáng tạo không ngừng
Nhằm mục tiêu thu hút độc giả đến với những thông tin của mình, nhiều hãng truyền thông hiện nay đang đi theo xu hướng “báo chí dữ liệu” (data journalism). Đây là việc sử dụng dữ liệu số trong việc sản xuất và phân phối thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Báo chí dữ liệulà một thể loại mới trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, song thực tế nó đã được sử dụng từ cách đây cả thế kỷ. Tuy nhiên, báo chí dữ liệu chỉ thực sự phát triển cùng với sự tiến bộ công nghệ cũng như sự lan truyền của Internet.
Nhiều năm trước, tin đồ họa đã được dùng rất nhiều trên báo in, từ những thông tin thời tiết đơn giản cho đến những nội dung phức tạp hơn, được trình bày công phu bằng các phần mềm xử lý hình ảnh. Một hình vẽ mô tả một trận chiến tấn công lực lượng khủng bố, một thảm họa động đất - sóng thần hay công tác chuẩn bị cho một giải đấu thể thao rõ ràng trực quan và dễ hiểu hơn nhiều so với một bài viết bằng văn bản. Đương nhiên, một tin đồ họa không thể thay thế hoàn toàn cho các nội dung thông tin khác, nhưng nếu được dùng với vai trò bổ trợ sẽ mang lại hiệu quả thông tin cao hơn nhiều.
Gần đây, cách làm tin đồ họa trở nên dễ dàng hơn nhiều với những chương trình trên Internet, trong đó các gói dịch vụ dành cho những cơ quan báo chí chuyên nghiệp đòi hỏi phải trả phí để được truy cập những tiện ích cao cấp, hoặc cung cấp đội ngũ hỗ trợ triển khai nội dung theo yêu cầu. Cấp độ cao hơn nữa là đồ họa tương tác, tăng tính trực quan và lôi kéo sự tham gia của độc giả. Thay vì những hình ảnh tĩnh, độc giả có thể theo dõi sự phát triển của sóng thần, hoạt động của tàu thăm dò Sao Hỏa, tuyến bay của chiếc máy bay bị mất tích...
Báo chí hiện đại cũng đồng nghĩa với nhiềusáng tạo. Một tác phẩm báo chí giờ đây không đơn giản là mấy trăm, mấy ngàn từ kèm theo bức ảnh minh họa, hoặc một đoạn âm thanh, một phóng sự hình ảnh. Báo chí hiện nay kết hợp tất cả những gì có thể để cách trình bày trở nên hấp dẫn, thu hút hơn, sử dụng cả nhiều công nghệ, phầm mềm, thiết bị tối tân và độc đáo. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có tư duy sáng tạo và sáng tạo không ngừng.
Có rất nhiều cách sáng tạo để làm cho một tác phẩm báo chí trở nên hấp dẫn hơn, từ những tác phẩm quy mô như phóng sự đoạt giải báo chí Pulitzer của New York Times là “Snowfall” (Tuyết lở) – được đánh giá là “digital mega-stories” (siêu tác phẩm báo chí) – cho đến việc sử dụng photomap hay các ứng dụng trên điện thoại di động của một số cơ quan báo chí Hongkong nhằm phản ánh vụ biểu tình “Chiếm Trung tâm” (Occupy Central) hồi năm 2015.
Video - điểm nhấn của năm 2016
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford - Anh) với 130 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số, hầu hết đều cho rằng năm 2016, video sẽ là phần được tập trung đầu tư phát triển lớn nhất của họ. Cùng với sự phát triển của mạng wifi 4G và 5G, sự cất cánh của các thiết bị di động, video trực tuyến sẽ tăng đến 14 lần trong năm nay và chiếm đến 70% lưu lượng xem trên di động.
Các trang mạng xã hội và báo chí tập trung đầu tư cho video. BBC đã đóng cửa dịch vụ Red Button TV và tập trung vào dịch vụ video cho di động mới gọi là Newstream. Các báo The Guardian, Washington Post, Buzzfeed... cũng đồng loạt đầu tư mạnh mẽ cho loại hình báo chí video. Các hãng sản xuất nội dung không đủ tiềm lực tài chính để cung cấp các thiết bị, cơ sở hạ tầng sản xuất video như các báo lớn nhưng cũng quyết theo bằng được xu hướng này. Ví dụ như NowThis dùng các phần mềm trên máy tính thông thường gọi làSwitchboard, dựa trên các dữ liệu đã có để làm các video ngắn mô tả một vụ đâm máy bay hay một câu chuyện chính trị. Trong khi đó, một số hãng khác dùng các mẩu video đơn giản với phần mềm iMovie miễn phí cũng có thể thu hút hơn 100.000 lượt xem.
Về mặt nội dung truyền thông hiện nay, một xu hướng nổi bật là kể chuyện (story telling). Mạng xã hội chính là nơi những câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất, bởi người ta thường chia sẻ với nhau cảm xúc hơn là thông tin. Các mạng xã hội cũng bắt ngay xu hướng kể chuyện này và đẩy nó thành những công cụ mạnh như Snapchat Stories, Oculus Rift... nhằm thu hút mối quan tâm của người dùng. Có thể thấy, khi báo chí“công nghệ cao”(dựa trên dữ liệu từ các thiết bị cảm ứng, phần mềm tự động cập nhật, camera và máy bay không người lái) đang phát triển ngày càng mạnh, thì cùng lúc báo chí, mạng xã hội lại chọn xu hướng kể chuyện và hướng đến cảm xúc cá nhân của con người hơn. Giữa những hỗn loạn các phương thức, phương tiện truyền thông hiện đại, liệu đó cũng là một cách cân bằng cuộc sống lại chăng?