📞

Zimbabwe: Khủng hoảng kép

15:44 | 01/08/2008
Khủng hoảng chính trị đang đẩy nền kinh tế Zimbabwe vốn đã vô cùng khó khăn lại càng thêm khốn đốn. Tỷ lệ lạm phát lên tới trên 2.000.000% với chi tiêu hàng ngày tốn hàng trăm tỉ dollar Zimbabwe. Nói một cách chua chát, Zimbabwe được coi là một trong những nước “giàu nhất” châu Phi.
100 tỷ ZWD này chỉ mua được 4 quả cam

Chính trường rối ren

 

Tổng thống Robert Mugabe lên cầm quyền đến nay đã ngót ba thập kỷ, kể từ khi nước này giành được độc lập từ thực dân Anh năm 1980. Tại cuộc bầu cử ngày 29/3, đảng ZANU-PF của ông Mugabe lần đầu tiên đã mất đa số ghế trong Quốc hội trong khi lãnh đạo Phong trào vì sự Thay đổi Dân chủ đối lập (MDC), ông Morgan Tsvangirai cũng không giành được đủ đa số phiếu để thắng cử. Do đó, bắt buộc phải tiến hành bầu cử Tổng thống vòng hai vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, ông Tsvangirai đã rút khỏi cuộc bầu cử vòng hai và ông Mugabe trở thành ứng cử viên độc nhất. Chính trường Zimbabwe cũng vì thế mà trở nên hết sức căng thẳng sau khi ông Mugabe, bất chấp sự phản đối của dư luận trong và ngoài nước, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi.

 

Hy vọng thoát khỏi khủng hoảng từng được nhen lên khi Tổng thống Mugabe và ông Tsvangirai ký thỏa thuận xác định cơ cấu khung cho các cuộc đàm phán chính thức về việc thành lập Chính phủ chia sẻ quyền lực, chấm dứt sự đối địch giữa hai bên hồi giữa tháng này. Theo đó, Chủ tịch đảng ZANU-PF Mugabe, Chủ tịch đảng MDC Tsvangirai và Arthur Mutambara, người lãnh đạo một phe phái thuộc MDC đã ký vào một bản ghi nhớ (MOU) dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người được Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) cử làm nhà trung gian hòa giải. MOU này kêu gọi chấm dứt tuyên truyền thù địch và chấm dứt bạo lực, bãi bỏ việc cấm các tổ chức nhân đạo phân phát cứu trợ và đề ra mục tiêu cùng những ưu tiên giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị.

 

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực giữa đảng ZANU-PF cầm quyền và phe đối lập MDC diễn ra sau đó tại thành phố Johannesburg của Nam Phi đã thất bại. Các cuộc thương lượng bế tắc do phái đoàn của ZANU-PF chỉ thảo luận về việc bổ nhiệm vị trí Phó Tổng thống cho lãnh đạo MDC Tsvangirai, trong khi MDC muốn ông này phải là người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc.

 

Cho đến nay, MDC vẫn khăng khăng chỉ chấp thuận tham gia Chính phủ chia sẻ quyền lực với ZANU-PF nếu ông Tsvangirai được cử giữ chức Thủ tướng và các nghị sĩ của đảng này được giữ một nửa số ghế trong Chính phủ đoàn kết dân tộc. Còn ZANU-PF tuyên bố sẽ không chấp thuận bất kỳ thỏa thuận nào có nội dung không công nhận chiến thắng của Tổng thống Mugabe trong cuộc bầu cử vòng hai.

 

Kinh tế tụt dốc 

 

Không ngoa chút nào khi nói Zimbabwe là đất nước mà ở đó có tiền tỷ vẫn đói ăn. Tất cả đơn giá thấp nhất cho các mặt hàng thiết yếu đều được tính bằng đơn vị tỷ dollar

 

Zimbabwe (ZWD). Nghiêm trọng hơn, khoảng cách giữa giá chính thức và giá chợ đen là vô cùng lớn. Một cái bánh mỳ ở đây có giá 2 tỷ ZWD, trên chợ đen 15 tỷ. 3 tỷ mỗi cốc sữa. 1,5 tỷ/quả trứng. 1,9 tỷ/chiếc bánh quy. Tỷ lệ lạm phát chính thức là 165.000%, nhưng theo ước tính của các tổ chức độc lập, con số này có thể là 4.000.000%.

 

Ngày 22/7, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe cho phát hành loại giấy bạc có mệnh giá 100 tỷ ZWD, nhằm giảm tình trạng thiếu tiền mặt kinh niên bởi Zimbabwe có mức lạm phát cao nhất thế giới. Thực chất, đây chỉ là tờ séc trị giá 100 tỷ ZWD chứ từ lâu, người dân nước này đã dùng séc thay cho tiền, vì đồng tiền mất giá kinh khủng. Trung bình mỗi tháng tỷ lệ lạm phát tăng 38,7%. Mặc dù có mệnh giá rất cao nhưng tờ bạc mới này chỉ có thể mua được 4 trái cam hay nếu đem quy đổi ra ngoại tệ, 100 tỷ ZWD chỉ  bằng 1 USD. Một người dân ở Thủ đô Harare than thở: “Tuy mới được phát hành nhưng tờ bạc 100 tỉ ZWD đã trở thành vô giá trị. Mỗi ngày tôi cần đến 500 tỉ mới đủ ăn. Vì vậy, với tờ 100 tỉ ZWD này, tôi không thể làm gì hơn bởi một cuốc xe buýt từ chỗ làm về nhà đã mất 250 tỉ ZWD”.

 

Khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng là nguyên nhân khiến khoảng 3 triệu người dân phải rời bỏ quê hương, chủ yếu là nhập cư sang Nam Phi. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 80% và khoảng 5 triệu trong tổng số hơn 12 triệu dân Zimbabwe đang cần trợ giúp lương thực khẩn cấp.

 

Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế cần thận trọng, không can thiệp thô bạo công việc nội bộ của Zimbabwe. Các nỗ lực vượt qua bất đồng và giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng của các đảng phái chính trị ở Zimbabwe cần được khuyến khích trên cơ sở tránh làm phức tạp thêm tình hình. Không ai khác, chỉ người Zimbabwe mới đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết được khủng hoảng kép tại đất nước mình.

 

Phan Nam