📞

2016 – Năm của những sự kiện chính trị bất ngờ

16:27 | 24/11/2016
Không phải bàn cãi, 2016 là năm có nhiều sự kiện chính trị gây bất ngờ nhất cho những nhà quan sát và truyền thông quốc tế.

Từ sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) đến việc tỷ phú Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, từ việc cánh hữu ít tiếng tăm Alternative fur Deutschland (AfD) thắng cử tại các cuộc bầu cử cấp vùng ở Đức đến việc ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống Philippines, năm bầu cử 2016 đã chứng kiến sự lên ngôi của các nhân tố chính trị mới hoặc những kịch bản chưa từng có, phá vỡ tất cả các dự báo của các cuộc thăm dò dư luận trước đó.

Những nhân tố chính trị mới

Tại Mỹ, vị tỷ phú Donald Trump với nhiều phát ngôn bộc trực không mấy ghi điểm với cộng đồng quốc tế có lẽ là nhân tố gây “bão truyền thông” nhiều nhất trong các cuộc bầu cử trên thế giới năm nay.

Mặc dù không có kinh nghiệm chính trị, ông Donald Trump đã liên tiếp tạo ra những bất ngờ khi trở thành ứng cử viên tổng thống duy nhất của Đảng Cộng hòa sau khi từng bước loại 16 ứng cử viên nặng ký khác bằng cách gia tăng những lời hứa dân túy, bảo vệ đất nước khỏi những người nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế, tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và phản đối giới tinh hoa...

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Mặc cho các cuộc thăm dò đều dự đoán ông Donald Trump thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ dày dặn kinh nghiệm Hillary Clinton, cuối cùng, ông Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo vào ngày 8/11 và trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Trong khi đó, tại Philippines, ngày 9/5, ông Rodrigo Duterte, người từng là luật sư và thị trưởng thành phố Davao, đã trở thành Tổng thống Philippines. Ông Rodrigo Duterte nhận được sự ủng hộ nhờ các cam kết chống tham nhũng và tội phạm một cách cứng rắn. Ngay từ khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Rodrigo Duterte đã có một số phát ngôn động chạm đến các nhà lãnh đạo, trong đó có cả Tổng thống Barack Obama – người đứng đầu quốc gia có mối quan hệ đồng minh với Philippines.

Nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Philippines Edna Co từng ví von rằng: “Ông Rodrigo Duterte đến như một tia chớp trên bầu trời. Vì vậy, mọi người nên đồng cảm với thái độ và phát ngôn của ông ấy”.

Các cuộc trưng cầu dân ý mang tính chất phản kháng

Tại Anh, sự kiện người Anh lựa chọn “đồng ý” Brexit và nói “không” với châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đã làm chấn động lục địa già và thế giới. Đặc biệt, thủ lĩnh đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage đã dẫn dắt cuộc trưng cầu “rời EU” thành công nhờ những bài phát biểu nhấn mạnh vào nỗi sợ hãi về nhập cư và sự kỳ thị châu Âu của người dân Anh. Giống như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những cuộc thăm dò dư luận trước đó đều dự đoán chiến thắng của phe “ở lại EU” với đa số là giới tinh hoa kinh tế và học thức, đã hoàn toàn sai lầm.

Một người dân Anh giơ cao biểu ngữ ủng hộ Brexit tại trung tâm thủ đô London. (Nguồn: Getty Images)

Trong một câu chuyện khác nhưng với một kết cục tương tự ở Colombia, hiệp ước hòa bình giữa Chính phủ Colombia với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã bị bác bỏ. Trước đó, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã đàm phán một hiệp ước hòa bình lịch sử với FARC, nhằm chấm dứt xung đột kéo dài gần nửa thế kỷ ở đất nước Nam Mỹ này.

Mặc dù nỗ lực này sau đó đã được trao giải Nobel Hòa bình, nhưng cử tri Colombia lại không nghĩ như vậy. Ngày 2/10, 50,2% cử tri đã không thông qua thỏa thuận này. Đây là một kết quả gây bất ngờ với không chỉ người dân Colombia mà cả cộng đồng quốc tế. Vì kết quả này cũng đồng nghĩa với việc đẩy tiến trình hòa bình Colombia đến bên bờ vực thẳm. Kéo theo đó, cuộc xung đột khiến hơn 260.000 người thiệt mạng, 45.000 người mất tích và buộc gần 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, vẫn có khả năng tiếp diễn.

Các đảng nhỏ đang phá vỡ sự cân bằng chính trị

Tại Áo, xu hướng cực hữu (bài ngoại, cực đoan) dường như đang thắng thế. Trong vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống tại Áo, các ứng viên của các đảng lớn (đảng Nhân dân, Đảng Xã hội Dân chủ) đã bị loại, chỉ còn thủ lĩnh cực hữu Norbert Hofer thuộc đảng Tự do Áo và đại diện của đảng Xanh Alexander van der Bellen. Tại vòng 2, ngày 22/5, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Xanh không vượt trội (50,3%) so với đối thủ nên hai người sẽ phải đối đầu một lần nữa tại các cuộc bầu cử lần 2 được tổ chức vào ngày 4/12 tới.

Tuy nhiên, cho dù kết quả có thế nào thì cuộc bầu cử cũng là bước ngoặt chính trị mới ở Áo nói riêng và châu Âu nói chung. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Áo, Tổng thống được bầu ra không thuộc các đảng lớn, thậm chí không thuộc đảng cầm quyền hoặc trong liên minh cầm quyền.

Tương tự, Tây Ban Nha vừa qua cũng phải tổ chức hai cuộc bầu cử và rơi vào 10 tháng bế tắc chính trị. Tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12/2015, hai đảng có nguồn gốc từ xã hội dân sự mới nổi lên là đảng cực tả Podemos và đảng trung hữu Ciudadanos đã làm 2 đảng truyền thống là đảng Xã hội Công nhân Tây Ban Nha (PSOE) và đảng Nhân dân thất bại. Tuy nhiên, hai đảng mới đã không giành được đa số phiếu nên phải tổ chức một cuộc bầu cử lần thứ hai.

Cuộc bầu cử tiếp theo hồi tháng 6 cũng không làm sáng tỏ tình hình và phải nhờ đến việc phần lớn đảng PSOE bỏ phiếu, Tây Ban Nha mới thành lập được Chính phủ và tránh được việc tổ chức bầu cử khác vào cuối năm 2016.

Bước đột phá của các đảng có tư tưởng hoài nghi châu Âu

Tại Đức - đất nước tiếp nhận hơn một triệu người di cư trong năm 2015, các cuộc bầu cử khu vực ngày 13/3 đã chứng kiến bước đột phá của đảng cánh hữu Alternative fur Deutschland (AfD) có tư tưởng chống EU. Mặc dù mới được thành lập từ 2013, đảng AfD đã giành được 12,5% số phiếu tại bang Rhineland Palatinate hồi tháng 3 và 24,21% tại bang Saxony-Ainault. Nếu họ có thể giữ con số này cho đến cuộc tổng tuyển cử năm tới, AfD sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên giành ghế trong quốc hội Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bà Frauke Petry, Chủ tịch AfD. (Nguồn: Huffington Post)

Trong khi đó, Pháp cũng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2017. Đảng cực hữu Mặt trận Tổ quốc có tư tưởng chống EU đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại nước này. Tuy giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo đảng  này - bà Marine Le Pen ít khả năng trở thành tổng thống nhưng ảnh hưởng của bà với chính trị Pháp rõ ràng đang tăng lên.

Đây là mối lo ngại với Brussels vì bà Le Pen tự gọi mình là "Quý bà Frexit" và đã hứa với nhân dân Pháp rằng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU nếu lên nắm quyền.

Có lẽ, những kịch bản bất ngờ này mới chỉ là mở đầu. Chỉ còn một tháng nữa là năm 2016 sẽ kết thúc và năm 2017 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều đáng ngạc nhiên hơn nữa.

(theo Politico, AFP, Le Monde )