Bà Merle Ratner cùng các nhà hoạt động chống các công ty hóa chất của Mỹ. |
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước vào ngày 30/04/1975, Việt Nam ngày nay đã có hòa bình, trong khi nhiều nơi trên thế giới vẫn còn phải trải qua chiến tranh và chịu sự can thiệp và nhiều người vẫn đang đi tìm kiếm những bài học để có được hòa bình và công lý! Việt Nam hiện đang là một quốc gia có xã hội phát triển vững mạnh, công bằng, có nhiều đóng góp cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới.
Tôi từng tham gia các phong trào phản chiến vào cuối những năm 1960, 1970 và hiện vẫn đang tiếp tục làm điều đó. Tôi đã đi biểu tình lần đầu tiên vào năm 1968 khi mới 12 tuổi. Năm 13 tuổi, tôi bị bắt lần đầu tiên khi tham gia một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và sau đó bị bắt vài lần nữa tại Nhà Trắng và Tượng Nữ thần Tự do. Tôi đã được truyền cảm hứng đấu tranh từ quyết tâm và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước.
Và tôi càng được khuyến khích hơn bởi những tuyên bố mạnh mẽ của các nhà hoạt động trong phong trào dân quyền, như Martin Luther King Jr., Malcolm X và Muhammed Ali - những người đã chống chiến tranh cho dù phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Số nhóm binh lính và cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh ngày càng đông, khởi đầu là nhóm Fort Hood 3 - những người lính Mỹ đầu tiên từ chối tham gia cuộc chiến chống lại người dân Việt Nam và đã bị bỏ tù hai năm - đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng phong trào, cũng như các hoạt động phản chiến của người Việt yêu nước tại Mỹ.
Khi phong trào phản chiến ngày càng lan rộng, nhiều người trong chúng tôi không chỉ đơn thuần phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ mà bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao người dân Việt Nam đấu tranh cho độc lập và tự do của họ.
Mặc dù sự ủng hộ của người dân Mỹ và quốc tế là một yếu tố giúp Việt Nam đạt những mục tiêu đó, chúng tôi hiểu rằng chính là do người dân Việt Nam đã có thể kết hợp đấu tranh vũ trang quần chúng, đấu tranh chính trị và văn hóa trong một chiến lược thống nhất để có thể tăng cường sức mạnh cho các lực lượng giải phóng của mình, chiến thắng các lực lượng trung gian và đánh bại quân xâm lược cùng các đồng minh, góp phần thay đổi cán cân lực lượng theo hướng có lợi cho hòa bình và giải phóng.
Sau khi nghiên cứu tình hình Việt Nam và quốc tế, chúng tôi bắt đầu hiểu rằng chính Việt Nam đã đặt Mỹ và các đồng minh vào thế bí. Nói cách khác, trong khi các lực lượng giải phóng không thể sớm giành chiến thắng vì các lực lượng Mỹ vẫn đang ở Việt Nam, thì ngược lại các lực lượng Mỹ cũng không thể đánh bại phong trào giải phóng. Cùng lúc đó, phong trào phản chiến ở Mỹ đã làm thay đổi quan điểm của công chúng Mỹ, và chính quyền Nixon còn bị lôi kéo vào vụ bê bối Watergate mà cuối cùng dẫn đến việc Nixon phải từ chức.
Bà Merle Ratner cùng các thành viên Tổ chức vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Washington DC, Mỹ. |
Đánh giá thế và lực của phong trào giải phóng Việt Nam lúc bấy giờ, chúng tôi hiểu rằng, Hiệp định Paris là một bước quyết định trong tiến trình giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam! Với việc quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam, một lực lượng chủ yếu chống lại quân giải phóng đã bị loại bỏ và tất cả các cuộc ném bom của Mỹ và các tội ác chiến tranh khác sẽ chấm dứt. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi Hiệp định Paris được ký kết! Chúng tôi cũng hiểu rằng sẽ có chiến thắng tổng thể, khẳng định sự vô nghĩa của việc chiếm đóng thuộc địa ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Cần phải nói rằng, trong khi vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ tất cả những người đại diện cho nhân dân Việt Nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT), chúng tôi đặc biệt ấn tượng và xúc động về tài lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Bình, người lúc bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao của CPCMLT. Với chúng tôi, bà Bình là một biểu tượng của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với nhân phẩm, quyết tâm và sức mạnh đã trở thành nguồn cảm hứng không ngừng cho phong trào của chúng tôi. Chúng tôi đã có bài hát về bà Bình (tạm dịch) như sau: “Hãy sống như bà Bình / Dám đấu tranh, dám thắng / Điện Biên Phủ sẽ lại đến / Hãy sống như bà Bình! / Tinh thần Việt Nam, mạnh hơn cả bom Mỹ”.
Bà Merle Ratner tham gia biểu tình chống chiến tranh tại thành phố New York, Mỹ. |
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, có thể nói đến một số bài học cho người dân Mỹ và thế giới như sau:
Thứ nhất là bài học về một chiến lược mang tính tổng thể, bao gồm phong trào độc lập dân tộc mạnh mẽ thu phục được đông đảo công nhân và nông dân; sử dụng các biện pháp quân sự, chính trị, văn hóa và ngoại giao để đạt được mục tiêu thống nhất. Cùng với đó là sự cần thiết phải có đoàn kết quốc tế và sự giúp đỡ cụ thể từ bên ngoài, từ cả các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tiến bộ cũng như từ các phong trào nhân dân trên toàn cầu.
Một bài học nữa là sự trưởng thành của phong trào giải phóng Việt Nam và việc nhận thức được rằng, ký kết một hiệp định không có nghĩa là giải phóng hoàn toàn đất nước ngay lập tức, nhưng là con đường ngắn nhất dẫn đến giải phóng hoàn toàn. Chúng tôi đã từng phải giải thích cho một số người trong phong trào phản chiến khi họ tỏ ra nghi ngờ rằng Hiệp định Paris đã đặt nền móng cho thắng lợi vào tháng 04/1975 và còn cứu được nhiều người có thể sẽ mất đi mạng sống của mình trong một cuộc chiến thậm chí còn kéo dài và khốc liệt hơn.
Bài học thứ ba là ngoại giao nhân dân và giao lưu nhân dân. Đây là nền tảng giúp Việt Nam đạt được Hiệp định Paris và đi đến giải phóng hoàn toàn đất nước vào năm 1975. Các nhà lãnh đạo Việt Nam như bà Nguyễn Thị Bình đã xuất sắc truyền đạt cho bạn bè quốc tế về lí tưởng đấu tranh của người dân Việt Nam và lý do tại sao chúng tôi nên ủng hộ họ trong khi xây dựng mối quan hệ thực sự giữa người với người.
Bà Merle Ratner cùng TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và nhà hoạt động Susan Schnall tiếp nhận bản Nghị quyết của Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ, yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ và các công ty hóa chất nước này có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. |
Tôi nhớ đã gặp đại diện của Việt Nam tại Canada vì họ không được phép đi Mỹ. Phong trào phản chiến đã cử nhiều phái đoàn sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (và một số vào miền Nam) để gặp trực tiếp các lực lượng giải phóng. Được truyền cảm hứng từ những gì đã chứng kiến, một số người nước ngoài như Jean-Pierre Debris, André Menras và Don Luce đã trực tiếp biểu tình chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Sài Gòn và đã phải đối mặt với án tù và bị trục xuất.
Sau giải phóng, Việt Nam thực hiện đối ngoại nhân dân trong việc thúc đẩy hòa giải với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và với các cựu chiến binh nước ngoài đã từng chiến đấu chống lại họ trong chiến tranh.
Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hành những bài học về công tác đối ngoại nhân dân đó trong Chiến dịch hỗ trợ và trách nhiệm với chất độc da cam Việt Nam. Cùng với đối tác của chúng tôi tại Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chúng tôi vẫn liên tục thông tin tuyên truyền và vạch trần tác động khủng khiếp của chất độc da cam đối với con người và đất nước Việt Nam.
Chúng tôi yêu cầu Mỹ và các nhà sản xuất hóa chất độc da cam thực hiện trách nhiệm đối với các nạn nhân của họ bằng cách cung cấp chi phí chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, giúp đỡ các gia đình có nạn nhân bị bệnh nặng và tẩy độc các điểm nóng dioxin ở Việt Nam. Chúng tôi thực hiện điều này thông qua luật pháp tại Quốc hội Mỹ, thông qua các sự kiện giáo dục, vận động và thông qua hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân ở Việt Nam và Mỹ.
Chúng tôi sẽ không bao giờ quên tấm gương của Hiệp định Paris, để noi theo trong các phong trào hòa bình và công lý của chính chúng tôi ở Mỹ và dịp kỷ niệm này là thời điểm thích hợp để chia sẻ chúng!
Bà Merle Ratner với các nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Kon Tum. |
* Bà Merle Ratner là người Mỹ sinh tại New York. Bà từng tham gia nhiều hoạt động phản đối chiến tranh và xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam từ năm 12 tuổi. Hiện bà là điều phối viên Tổ chức vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ. |
| Hội nghị và Hiệp định Paris qua những con số Hội nghị Paris gồm 2 giai đoạn, kéo dài tổng cộng 4 năm, 8 tháng, 14 ngày. |
| Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ... |
| Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp Hiệp định Paris đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử Việt Nam, đồng thời là sự kiện quan trọng với thành phố Verrières-le-Buisson, ... |
| Paris và những ngày tháng đấu trí, đấu lý nhưng cũng đậm tình Với nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân Hà Đăng, một thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ... |
| Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân ... |