Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến Bulgaria. (Ông Hà Đăng đứng thứ 2 từ phải sang). Ảnh: NVCC |
Những ký ức cùng cảm xúc như vẫn vẹn nguyên trong ngày cuối năm 2022, khi ông có cuộc trò chuyện về những ngày đáng nhớ.
“Vốn dĩ” và “bất đắc dĩ”
Được biết, ông là nhà báo nhưng tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris với tư cách thành viên chính thức. Cơ duyên nào dẫn ông đến với nhiệm vụ này và công việc của ông là gì?
Chiều ngày 09/11/1968, sau khi đặt dấu chấm hết cho bài bình luận “Phá bĩnh và láo xược” đăng số báo Nhân dân ra ngày hôm sau, tôi đang dạo bên gốc sấu lớn trong sân vườn toà soạn cho thư giãn một chút thì chiếc xe Vôn-ga đen của thủ trưởng từ cổng lớn chạy vào, đỗ xịch bên cạnh. Tổng Biên tập Hoàng Tùng xuống xe và ngoắc tôi lại: “Anh phải chuẩn bị gấp để đi Paris”. “Để làm gì anh?”, tôi hỏi. “Làm phụ tá cho bà Bình”.
Làm phụ tá cho bà Bình là làm gì nhỉ, tôi tự hỏi. Tin tức báo chí mấy ngày qua đều nói đến việc bà Nguyễn Thị Bình đến Paris ngày 04/11/1968 và đã được đón tiếp như là “Bà hoàng Việt cộng”. Bà đến Paris với tư cách đại điện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) dự hội nghị trù bị cho Hội nghị bốn bên về Việt Nam sẽ họp theo thoả thuận giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Hoa Kỳ.
Có nghĩa là đến Paris đàm phán! Lúc này, tôi đang là Phó trưởng Ban miền Nam báo Nhân dân, chuyên viết bình luận về các vấn đề quân sự và chính trị ở miền Nam, nhất là các vấn đề thuộc ngụy quyền Sài Gòn. Về tình hình cuộc đấu tranh của ta ở miền Nam, có thể nói tôi khá thuộc. Nhưng thuộc để viết báo chứ đâu phải để đi đàm phán?
Ba hôm sau, tôi được lệnh đến nhận nhiệm vụ ở Ban Thống nhất Trung ương. Và hộc tốc chuẩn bị, chủ yếu là một số vấn đề về thủ tục, cả mượn quần áo và một vài thứ đồ dùng cần thiết. Cho đến một ngày cuối tháng 11/1968, cũng tại trụ sở Ban Thống nhất Trung ương, chúng tôi được triệu tập họp đoàn - Đoàn đại biểu MTDTGP, Trưởng đoàn là đồng chí Trần Bửu Kiếm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Đối ngoại của Uỷ ban Trung ương Mặt trận. Nhóm chúng tôi gồm bảy người - bốn nhà báo (trong đó có tôi và Trương Tùng), hai kỹ sư kinh tế đi làm nhiệm vụ đánh máy và một cấp dưỡng.
Chúng tôi được lệnh đi trước, theo đường bộ Hà Nội - Bắc Kinh; Bắc Kinh - Moscow, rồi từ đó đáp máy bay sang Paris, sân bay Orly. Tôi, một người lính mới, đã bước vào trận địa đàm phán của MTDTGP như vậy.
Gần một tuần sau, ngày 16/12/1968, đoàn chính thức đến Paris tổ chức họp và lúc bấy giờ, tôi mới vỡ lẽ là mình được phân công làm nhiệm vụ soạn thảo những bài phát biểu của Trưởng đoàn ta. Viết báo là nghề “vốn dĩ” của mình, còn viết diễn văn đàm phán lại là nghề “bất đắc dĩ”. Nỗi lo tràn ngập. Nỗi lo chỉ vợi đi khi các đồng chí lãnh đạo bảo đảm rằng người soạn thảo văn bản chỉ có nhiệm vụ thể hiện ý kiến chỉ đạo của đoàn và của cấp trên nữa (ý nói là của các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ).
Từ chỗ viết báo sang viết văn đàm phán là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vậy ông đã gặp những khó khăn gì, và có những câu chuyện nào làm ông nhớ mãi?
Tôi cảm nhận rằng, những lúc ta đưa ra giải pháp là những lúc viết bài dễ nhất. Bởi vì mỗi giải pháp như vậy bao giờ cũng được thảo luận rất kỹ càng, được chuẩn bị công phu và xét duyệt sẵn từ “Nhà”, thậm chí được cân nhắc đến từng câu, từng chữ. Còn những bài phát biểu khác, “tự biên tự diễn”, dù được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Trưởng đoàn và ban lãnh đạo đoàn, người chấp bút vẫn phải hết sức sáng tạo, cẩn trọng xây dựng từng lý lẽ, từng lập luận của mình. Đấu lý thì luận cứ phải chắc chắn, luận chứng phải rõ ràng. Vạch tội kẻ xâm lược hay kẻ bán nước tất phải nói thẳng, nhưng ngôn từ không thể không lịch sự, không dùng lối đao to búa lớn, hạ nhục người ngồi nói chuyện với mình. Đưa ra giải pháp thì phải nói rõ cái lý của giải pháp, nói có tính thuyết phục. Nói cho đối phương nghe tại diễn đàn Hội nghị, đồng thời cũng là nói cho dư luận rộng rãi bên ngoài. Nêu cao chính nghĩa, bóc trần cái phi nghĩa, minh chứng cái đúng của ta, phản bác cái sai của địch.
Nhưng những bài phát biểu trong đàm phán không giống như văn bản tuyên truyền. Bài phát biểu của Trưởng đoàn ta trong phiên khai mạc đã được chuẩn bị sẵn từ nhà. Tôi không phải làm gì nữa ngoài việc thêm mấy chữ “Thưa các vị” ở đoạn mở đầu. Còn từ bài thứ hai trở đi, đó là những cuộc đánh vật gian truân.
Người lãnh đạo đàm phán có cái sướng mà cũng có cái khổ của người lãnh đạo. Người soạn thảo văn bản có cái sướng và cái khổ riêng của mình. Mỗi bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn là một tác phẩm tập thể của cả đoàn. Lịch trình như sau: Hội nghị họp mỗi tuần một lần vào thứ Năm. Thứ Sáu, hai đoàn ta (VNDCCH và MTDTGP) họp liên tịch, đánh giá kết quả phiên họp vừa qua và bàn phương pháp đấu tranh ở phiên họp tới. Thứ Bảy và Chủ nhật, người soạn thảo chuẩn bị văn bản. Thứ Hai, đoàn góp ý kiến vào dự thảo lần thứ nhất. Thứ Ba, góp ý kiến vào dự thảo lần thứ hai. Thứ Tư là chỉnh văn bản, dịch và in. Cứ như vậy, hết viết lại sửa. Ý kiến tập thể bao giờ cũng tốt, đặc biệt về chủ đề và nội dung. Nhưng văn chương và cách thể hiện thì chín người mười ý. Chỗ người này khen lại là chỗ người khác chê và ngược lại. Có khi những chỗ bỏ đi trong văn bản lần trước lần sau lại lấy vào. Những ý kiến bổ sung trong văn bản lần sau, lần sau nữa lại bỏ... Viết văn bản, quả thật là làm dâu trăm họ! Khen ít, chê nhiều.
Có lần tôi đem câu chuyện viết lách đó nói với Bộ trưởng Xuân Thuỷ, mong được giãi bày khúc mắc của mình. Anh Xuân Thuỷ mỉm cười ý nhị. Anh không “đả thông” gì mà chỉ đọc cho nghe mấy câu thơ trong một bài thơ của anh gửi Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) trước đó:
Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi
Viết đi viết lại vẫn chưa rồi
Người giao anh viết: Anh là thánh
Anh viết, người chê: Dốt nhất đời
Ông Hà Đăng (trái) trong chuyến đi Italy. |
Truyền thông cũng là một mặt trận
Ông từng kể chuyện về bà giáo sư người Mỹ Carolyn Eisenberg nói rằng: “Chính quyền Mỹ nói, nếu không có thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972 thì Việt Nam không nhanh chóng chịu kí kết Hiệp định”. Cũng có người nhận định, báo chí thời đó đã thông tin không đầy đủ về cuộc chiến tranh của Việt Nam. Ý kiến của ông?
Khi bà giáo sư người Mỹ nói vậy, tôi đã hỏi lại rằng bà có từng nghe một danh từ nào đó là “Điện Biên Phủ” không? Bà đáp: “Có. Có. Điện Biên Phủ là trận thắng lừng lẫy của Việt Nam để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây”. Tôi nói: “Đúng là như vậy. Chúng tôi coi thắng lợi của chúng tôi đập tan cuộc tiến công bằng B52 của Mỹ chính là một Điện Biên Phủ trên không. Ngày nay, không chỉ Pháp mà nhiều nước trên thế giới hiểu ra rằng ba từ ‘Điện Biên Phủ’ đồng nghĩa với một trận nốc-ao”. Tôi nói thêm: “Nếu không bị trận nốc-ao ấy thì Mỹ dễ gì nhận ký kết một bản Hiệp định mà nội dung của nó cơ bản không có gì khác bản dự thảo đã được thỏa thuận giữa hai bên từ tháng 10/1972 và sau đó, có sửa đổi chút ít trước khi xảy ra cuộc tiến công”.
Tôi cũng nhắc lại một câu nói trong hồi ký sau này của Kissinger: “Điều đó có bõ công không? Những thay đổi đạt được liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng (của Mỹ) trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh?”.
Bà giáo sư cười thoải mái. Bà cho biết đã tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ ngay từ những năm tháng chiến tranh Việt Nam. Và tôi ngầm hiểu bà đã từng nghe những lời phê phán cực kỳ gay gắt của báo chí Mỹ đối với cuộc tập kích bằng B52. Rằng “hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của tổng thống họ”. Rằng “đây là một hành động khủng bố vô nhân đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ”. Rằng các cuộc ném bom kiểu này là “kiểu chiến tranh nổi khùng”, “ném bom khủng bố nhân danh hòa bình”…
Bằng quan sát của một người làm báo, ông thấy công tác thông tin tuyên truyền tại Hội nghị và về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã được thực hiện như thế nào?
Hội nghị Paris là hội nghị dài nhất trong thế kỷ XX và là cuộc đối thoại giữa hai lực lượng trên chiến trường không cân sức với nhau về nhiều mặt - giữa nền ngoại giao nhà nghề của siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Tuy nhiên, được kế thừa truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đây là cuộc đấu quyết liệt mà ta gọi là đấu trí, đấu lý và đấu mưu. Mưu lược không chỉ trong phương hướng, bước đi, hay trong các đòn tiến công hay thăm dò ngoại giao mà cả trong từng lời nói, từ lời tuyên bố chính trị, động tác tuyên truyền vận động dư luận, nhiều khi “ăn miếng trả miếng”.
Lúc đó, ta chủ trương tiến hành cùng lúc cả ba mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao và công tác truyền thông báo chí có vai trò rất quan trọng. Tại Hội nghị, ta không những có bộ phận tuyên truyền ở bên trong mà còn có đội ngũ tuyên truyền bên ngoài. Đàm phán mỗi tuần diễn ra một lần và anh em báo chí tuyên truyền cũng phải ngồi dự và bàn xem thử mình phát biểu tại hội nghị như thế thì nội dung đưa ra ngoài sẽ như thế nào. Có những cuộc họp báo không chỉ có người phát ngôn của đoàn mà còn cần lãnh đạo của đoàn đàm phán – như bà Bình, ông Xuân Thủy trực tiếp họp. Lại có những cuộc họp báo ngoài phạm vi hội nghị, đó là các cuộc gặp gỡ của các nhà báo quốc tế hay bạn bè thân hữu ở bên ngoài ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều hình thức để gặp, tiếp xúc và vận động họ.
Chúng tôi thường nói đùa rằng có hai loại nhà báo: “quan báo” – tức là những nhà báo trở thành thành viên của đoàn đàm phán chính thức, và “dân báo” – tức nhà báo chuyên đưa thông tin về các sự kiện. Như đã nói ở trên, tại Paris tôi không trực tiếp làm báo, chỉ tham gia đàm phán. Nhưng những hoạt động của mặt trận báo chí cũng rất sôi động, với sự tham gia của những người làm báo giỏi. Hai người phát ngôn của ta là Dương Đình Thảo và Lý Văn Sáu là những người đã cống hiến rất nhiều. Bên cạnh đó còn những nhà báo rất nổi tiếng, như Trương Tùng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Bình, Nguyễn Thành Lê…
Ngoài việc đưa tin tức về nhà, tổ chức các cuộc họp báo để làm rõ lập trường chính nghĩa của mình, chúng ta còn tổ chức nhiều chuyến đi vận động cả trong và ngoài nước Pháp. Nên mới có câu chuyện anh Trương Tùng sang Italy tuyên truyền về MTDTGP và bị người dân ở đó nhận nhầm là “Bộ trưởng”. Bản thân tôi hai lần được tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình “công du”. Lần thứ nhất đi dự Đại hội hoà bình thế giới ở Berlin (tháng 06/1969), và lần thứ hai, thăm hữu nghị chính thức của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Bulgaria (tháng 11/1970).
Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Trần Bửu Kiếm đọc bản tuyên bố nêu rõ lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về việc giải quyết vấn đề Việt Nam tại hội nghị 4 bên ở Paris, năm 1969. |
Ông có thể kể về những chuyến “công du” ấn tượng của mình?
Hai chuyến đi để lại nhiều ấn tượng đối với tôi là lần cùng cố vấn đoàn Lý Văn Sáu đi Italy (tháng 12/1969) và lần khác, cùng nữ thư ký của Bộ trưởng là Bình Thanh đi Anh (tháng 10/1972). Cả hai lần đều là đi dự những cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam và “tranh thủ” dư luận.
Hồi ấy, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam lên rất cao ở nhiều nước trên thế giới. Ở Tây Âu, phong trào mạnh nhất, cùng với Pháp là Italy. Các tổ chức hoà bình ở Italy mà nòng cốt là Đảng Cộng sản đã liên tiếp tổ chức những cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược. Cuộc mít tinh lớn lần này được tổ chức ở Bologna, một trong những thành phố của Italy mà ở đó Đảng Cộng sản là người nắm chính quyền.
Chúng tôi đến Bologna, được tiếp ngay tại toà thị chính như những thượng khách. Thị trưởng là đảng viên cộng sản. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, có đến mấy nghìn người dự. Sau đó là một cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố. Bạn hướng dẫn chúng tôi tham gia biểu tình một đoạn, khoảng hơn 100m, sau đó, đứng bên hè phố vẫy chào đoàn biểu tình đang hô vang những khẩu hiệu tung hô Việt Nam: “Giáp, Giáp, Hồ, Hồ Chí Minh!”.
Trong lần sang Anh, tôi và chị Bình Thanh dự một cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Nam tại Birmingham. Tôi là trưởng đoàn trên danh nghĩa, còn chị Bình Thanh lại là trưởng đoàn trên thực tế. Chị Bình Thanh giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh, chính trị cũng vào loại sắc sảo. Phong trào ủng hộ Việt Nam ở Anh không mạnh như ở Italy, song cố gắng của bạn là lớn. Bạn mời không chỉ đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời mà còn mời cả “lực lượng thứ ba”, mà người đại diện là Ni sư Tiến sĩ thần học Mạn Đà La dự mít tinh tại Birmingham ngày 07/10. Chúng tôi phát biểu ý kiến và trả lời các câu hỏi của người dự ngay tại cuộc mít tinh. Ở đó, đoàn ni sư Mạn Đà La bày tỏ sự thân tình và kính trọng đối với đoàn chúng tôi, tuy còn giữ một khoảng cách nhất định trước công chúng, song sau đó gặp riêng thì nói: giữa chúng tôi (Phật giáo) và các anh (CPCMLT) thì “tình trong như đã...”.
Ở Birmingham, chúng tôi được mời đến thăm Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Anh, được Tổng Bí thư Golan tiếp thân mật. Trưa ngày 8/10, chúng tôi được ông Askin, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản và là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hoà bình Anh, tự lái xe đưa về Manchester, thành phố quê hương ông. Ông Askin thông báo rằng, ngày mai có một cuộc tiếp xúc rất quan trọng - với một tổ chức công đoàn thuộc Công đảng Anh.
Sáng 09/10, chúng tôi đến một phòng họp, có lẽ là phòng giải khát của một câu lạc bộ, thấy khói thuốc lá mịt mù, trên các bàn đều có những cốc bia uống dở với vài thức nhắm. Sau mấy câu trao đổi ngắn gọn với ông Askin, thư ký tổ chức công đoàn này đã giới thiệu chúng tôi với người dự, da trắng có, da màu có và hình như da màu nhiều hơn. Chị Bình Thanh phát biểu ý kiến ngắn gọn, tự giới thiệu về đoàn, về CPCMLT, về cuộc chiến đấu của chúng ta và cảm ơn các bạn đã có thiện ý mời chúng tôi đến nói chuyện. Cử tọa đặt nhiều câu hỏi, trong đó, gay cấn nhất là của một công nhân da màu: “Tôi xin hỏi đại biểu Bắc Việt Nam. Tại sao Mỹ muốn có hoà bình, đã chịu rút quân mà các ông thì không chịu rút quân của mình, lại còn đòi đánh mãi?”.
Lần này thì tôi ứng phó. Có lẽ anh công nhân nghĩ rằng tôi là Bắc Việt Nam. Tôi nói, cả hai chúng tôi là đại biểu của CPCMLT, đều là Nam Việt Nam. Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam là cùng một nước, anh em một nhà, miền Bắc không xâm lược miền Nam mà chỉ cùng miền Nam chống xâm lược trên đất nước của mình. Chính phủ VNDCCH và CPCMLT rất mong muốn hoà bình và đưa ra nhiều đề nghị hợp tình hợp lý tại bàn Hội nghị Paris, nhưng Mỹ không chịu chấp nhận, nhất quyết theo đuổi chiến tranh để buộc chúng tôi phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ...
Một cuộc họp báo quốc tế do Bộ trưởng Xuân Thủy chủ trì. |
Không ngờ trong phòng họp bỗng nổi lên những tiếng “à”. Anh công nhân đặt câu hỏi trên nói lời xin lỗi vì đã không hiểu biết tình hình. Anh thư ký công đoàn cùng ông Askin nói: “Bây giờ thì chúng ta đã rõ cuộc chiến đấu của các bạn Việt Nam, vậy xin các bạn bày tỏ sự ủng hộ của mình”. Cả hai người cầm hai chiếc cốc uống bia đã cạn tới đáy, đến từng bàn họp. Người ta bỏ vào cốc đó những đồng silinh, rủng riểng. Ông Askin mang những chiếc cốc đó đến trước mặt chúng tôi, đổ ra đếm. Tổng cộng lại được khoảng vài chục đồng bảng Anh. Ông nói: “Số tiền này là công khai, sẽ được gửi tất cả cho các bạn Việt Nam. Chúng tôi xin không giữ lại một đồng silinh nào”. Ra khỏi phòng họp, lên xe ông hí hửng nhận xét: “Thành công lắm! Thành công lắm! Các bạn đã thuyết phục được. Đây là lần đầu tiên, Đảng Cộng sản chúng tôi đi vào được công đoàn của Công đảng Anh. Nhờ các bạn đấy!”.
Ông từng là nhà báo, nhà đàm phán, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư... Trong nhiều “vai” đó, ông tâm đắc nhất với vị trí nào?
Cuối cùng vẫn là nhà báo, dù nhà báo có nhiều cái sợ: Sợ viết dở không được đăng, sợ phạm quy,… Nhưng có lẽ sợ nhất là sợ không theo kịp thời đại. Tôi đã kỷ niệm 70 năm chính thức làm báo năm 2020. Năm đó, tôi có viết:
Yêu nghề yêu báo làm sao,
70 năm ấy biết bao nhiêu tình
Mơ màng giấc ngủ lung linh
Tưởng như gác bút giật mình âu lo.
Nhiều người hỏi tôi rằng có nên tiếp tục viết không, hay giải nghệ? Trong thể thao, các cầu thủ thường có trận cuối để giải nghệ, vì không làm được nữa. Nhưng làm báo, giải nghệ khó hơn. Dầu vậy, nếu cứ viết “tham” quá, viết lặp lại những gì người ta đã viết rồi, thì cũng nên cân nhắc.
Theo ông, trong thời đại ngày nay, ngành thông tin đối ngoại nói chung, các nhà báo nói riêng, cần phải đáp ứng những yêu cầu gì để đối phó với các thách thức và bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc?
Hiện nay, trong dòng chảy của thế giới và đất nước, điều quan trọng nhất bao giờ cũng là độc lập tự chủ, vì lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm. Về mặt đường lối không được có sự dao động ngả nghiêng, tuy nhiên, trong sách lược ứng phó thì nên mềm dẻo, linh hoạt.
Thứ hai, hiện nay đất nước đã có độc lập, tự chủ, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/01/2021: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng lợi ích này của dân tộc phải hòa vào dòng chảy chung của thế giới, phải gắn với trào lưu hội nhập quốc tế chứ không phải chỉ có độc lập tự chủ một mình. Cần hiểu rõ hiện là thời đại của hòa hợp và hội nhập.
Thứ ba, trước đây có mâu thuẫn giai cấp phải giải quyết nhưng giờ đất nước đã giành độc lập thì công nông, trí thức, doanh nhân... phải theo chính sách đoàn kết của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tư tưởng Bác nói từ lâu giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Thứ tư, vừa rồi tại sao lại có những hội nghị tập hợp tri thức lại mà chỉ giữ vững và đứng nguyên trong thế giới đầy biến động, không có sáng tạo cũng không được. Cho nên khát vọng phát triển và tự do sáng tạo phải đi liền với nhau.
Nhà báo Hà Đăng. |
*Nhà báo Hà Đăng tên thật là Đặng Ha, sinh năm 1929 tại Tuy Hòa, Phú Yên. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI và VII, Tổng biên tập Báo Nhân dân (1987-1992), Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1992-1996), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1996-2001). Ông từng hai lần được chọn làm trợ lý cho Tổng Bí thư: năm 1985, trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và năm 2001, trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Năm 1969, ông là thành viên đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Paris. |
| Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử qua những tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý Ngày 5/1, triển lãm tài liệu lưu trữ 'Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử' đã khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ ... |
| Hiệp định Paris: Những chặng đường của một chiến thắng* Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris 27/1/1973 - 27/1/2013 đã cho nhà sử học cao tuổi là tôi cơ hội gửi tới ... |
| Bàn đàm phán Paris và chuyện thắng - thua Tôi nhớ, hồi tháng 3/2009, với tư cách một "nhân chứng" của Hội nghị Paris, khi tiếp chuyện bà giáo sư sử học Mỹ Caroline ... |
| Hiệp định Paris về Việt Nam: Những điều khoản ký kết và thực hiện Hiệp định Paris là kết quả của một cuộc hội đàm lịch sử trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm ... |
| Tản mạn chuyện đàm phán ở Paris… Trong gần năm năm diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam, không chỉ đồng bào và chiến sĩ trong nước mà nhân dân thế ... |