📞

6 lý do Mỹ không thể “lãng quên” ASEAN

09:28 | 22/11/2016
GS. Kavi Chongkittavorn, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã liệt kê những lý do Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump không thể hời hợt trong quan hệ với ASEAN trong bài viết đăng tải trên tờ The Nation ngày 21/11.  

Nhiều nhà hoạch định chính sách đang lo lắng về chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với ASEAN. Chính sách đối với ASEAN vốn được coi là một thành tựu trong đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, dựa trên nền tảng vững chắc mà cựu Tổng thống George W Bush đã xây dựng. 

Ông Donald Trump đã bất ngờ vượt qua ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. (Nguồn: AP)

Nếu như Tổng thống đắc cử Trump muốn làm xáo trộn những di sản ngoại giao của người tiền nhiệm, ông sẽ phải cần tới “một chiếc xe tải 10 bánh” để san bằng những thành tựu trong quan hệ ASEAN – Mỹ của ông Obama. Năm tới, hai bên sẽ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, cho dù chính sách trong tương lai đối với ASEAN của ông Trump như thế nào, ông cũng cần phải cân nhắc những đặc điểm nổi bật của mối quan hệ Mỹ - ASEAN.

Sau đây là 6 lý do vì sao ông Trump phải quan tâm tới Hiệp hội:

Lợi ích trong kinh tế

Trước tiên, ông Trump nên cần biết rằng các nền kinh tế ASEAN đã tạo ra một nửa triệu việc làm cho nước Mỹ trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Chỉ trong vài tuần tới, nhiều nhà hàng Thái Lan được thành lập trên toàn nước Mỹ, đặc biệt là tại New York sẽ tạo ra hàng trăm việc làm và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Không chỉ doanh nghiệp Thái, doanh nghiệp nhiều nước ASEAN khác cũng đang đầu tư vào Mỹ. Do vậy, bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với ASEAN cũng sẽ tác động tới thị trường việc làm tại quốc gia này.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định trong vòng 15 năm qua. Năm ngoái, thương mại hàng hóa của ASEAN với Mỹ đã mở rộng 55% và đạt 226 tỷ USD. Cùng với đó, các công ty Mỹ đang là những nhà đầu tư lớn nhất của Hiệp hội. Nếu như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, thương mại và đầu tư hai chiều sẽ tăng gấp nhiều lần. Có lẽ, ông Trump không nên bỏ lỡ những cơ hội này.

Thứ hai, ASEAN là một cộng đồng của 635 triệu người, con số này không ngừng gia tăng. ASEAN có dân số trẻ (hơn 63% dân số ở độ tuổi dưới 35) và thu nhập của người dân cũng ngày càng tăng. ASEAN là một cộng đồng năng động và hướng ngoại. Ông Trump cần lưu ý rằng dân số ASEAN lớn gấp hai lần dân số Mỹ và lớn hơn cả dân số EU (khoảng 520 triệu người). Cho đến nay, ASEAN vẫn vững tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và không có thành viên nào có ý định rời khỏi Hiệp hội, thậm chí, trong những năm tới ASEAN có thể thêm một tới hai nước thành viên. 

Mặc dù thu nhập trung bình của toàn bộ khu vực ASEAN vẫn không thể sánh bằng EU nhưng vẫn đang tiếp tục tăng. Theo tạp chí Forbes, Singapore là nước giàu thứ ba thế giới với thu nhập bình quân hàng năm lớn tới 56.700 USD, quốc đảo cũng là nước đầu tiên kêu gọi Mỹ phê chuẩn TPP và nhận định rằng nếu TPP không trở thành hiện thực sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nước Mỹ.

Quan hệ đối tác hiếm thấy

Thứ ba, Tổng thống Obama đã tăng cường mối quan hệ ASEAN – Mỹ lên một mức chưa từng có. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa hai bên tại Sunnylands đầu năm qua là minh chứng cho mối quan hệ phát triển lên một tầm cao mới. Tổng thống Obama cũng đã gặp các nhà lãnh đạo ASEAN 11 lần và đến thăm các nước Hiệp hội 7 lần trong nhiệm kỳ của mình.

Quan hệ của ASEAN với đối tác đối thoại Mỹ là mối quan hệ đối tác hiếm thấy trên thế giới. Ông Trump sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu như tiếp tục mối quan hệ hiện tại với ASEAN và duy trì chính sách tái cân bằng tới châu Á. Một ASEAN ổn định và thịnh vượng có thể trở thành một đối tác chiến lược với Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh mạng, an ninh hàng hải và y tế toàn cầu. Lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đã thúc đẩy quan hệ tương tự với ASEAN chính là cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda khi ông khởi xướng đối thoại “trái tim đến trái tim” với các nhà lãnh đạo ASEAN trong những năm 1970.

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN tại Sunnylands (Mỹ) ngày 16/2/2016. (Nguồn: Reuters)

Thứ tư, mặc dù chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay có nhiều điều gây tranh cãi nhưng giới trẻ ASEAN vẫn quan tâm và có cảm hứng với hệ thống dân chủ Mỹ. Tổng thống Obama đã khởi xướng Sáng kiến Các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) nhằm kết nối các bạn trẻ 10 nước thành viên ASEAN với Mỹ. Cho đến nay, đây là một chương trình cho giới trẻ thành công nhất của 10 nước ASEAN với một đối tác đối thoại. Ông Trump sẽ có thể tìm thấy ở YSEALI một diễn đàn tuyệt vời để có những hiểu biết nhiều hơn về thế hệ trẻ của ASEAN và sẽ là một mất mát lớn nếu như ông từ bỏ YSEALI chỉ vì nó là “đứa con tinh thần” của ông Obama. Có lẽ, ông Obama chính là người đại diện lớn nhất cho quyền lực mền của nước Mỹ. 

Vai trò trong EAS

Thứ năm, sau sự kiện thảm họa tại Trung tâm thương mại thế giới ở New York tháng 9/2001 và cuộc tấn công ở Bali, Indonesia tháng 10/2002, cả Mỹ và ASEAN đều gặp phải thách thức chung đó chính là mối đe dọa khủng bố. ASEAN có thể được coi là mặt trận thứ hai của chủ nghĩa khủng bố, tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua, các nước ASEAN vẫn phát triển thịnh vượng, giữa các nước trong Hiệp hội có sự hợp tác chặt chẽ để chống khủng bố. Với nền tảng chống khủng bố mạnh mẽ của ông Trump, ông có thể học được nhiều bài học thực tiễn từ khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Thứ sáu, sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ được Tổng thống Philippines Duterte, đại diện cho nước Chủ tịch ASEAN 2017 mời tới tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng, đó là Hội nghị cấp cao lần thứ tư ASEAN – Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11 vào tháng 11/2017. Nếu ông Trump không tới tham dự, ông sẽ bỏ lỡ cơ hội để hiểu rõ hơn về các nhà lãnh đạo ASEAN. Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ là diễn đàn nơi các nhà lãnh đạo có thể chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề cả hai bên cùng quan tâm. Nếu trong Hội nghị EAS sắp tới không có sự tham dự của ông Trump, Mỹ sẽ mất đi tiếng nói trong Hội nghị với vai trò dẫn dắt về vấn đề an ninh.

Sau khi Mỹ và Nga tham gia EAS năm 2011, Tổng thống Obama đã rất tích cực trong việc đưa các vấn đề chiến lược của khu vực vào chương trình nghị sự của EAS. Mỹ luôn thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN hình thành một chương trình nghị sự mới với nhiều các vấn đề chiến lược hơn.

(theo The Nation)