📞

7 lý do Mỹ nên đóng cửa căn cứ quân sự ở nước ngoài

19:28 | 09/10/2016
Tạp chí Time mới đây đăng bài viết của tác giả John Glaser, trong đó nêu 7 lý do giải thích vì sao Mỹ nên đóng cửa các căn cứ quân sự ở nước ngoài của nước này.
Binh sĩ Mỹ trên boong tàu USS Ponce tại căn cứ Mỹ ở Bahrain. Ảnh Getty Images

Theo tác giả John Glaser, người chuyên viết về lĩnh vực an ninh quốc gia, các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ (hiện có khoảng 800 căn cứ tại hơn 70 nước), vốn được xem là một biểu tượng cho vị thế của một cường quốc thế giới, không đáp ứng được các chi phí mà chính quyền Washington đầu tư nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.

Tác giả cho rằng lý do đầu tiên là các căn cứ quân sự ở nước ngoài không bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tấn công trực tiếp. Lãnh đạo Mỹ vẫn cho rằng các căn cứ ở châu Âu là để bảo vệ các đồng minh khỏi Nga, căn cứ ở Trung Đông bảo đảm dòng chảy tự do của dầu mỏ và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, các căn cứ ở châu Á thì bảo vệ đồng minh châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc 80.000 binh sĩ đồn trú tại 350 căn cứ ở châu Âu không liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo cho sự an toàn của Mỹ. Điều này cũng tương tự với hơn 154.000 quân nhân đồn trú ở toàn khu vực châu Á. Đưa các binh sĩ về nhà, nước Mỹ cũng không an toàn hơn hoặc kém an toàn hơn, tác giả nhận định.

Thứ hai, tác giả cho rằng, hiệu ứng răn đe của các căn cứ này thường bị "thổi phồng". Tác giả viện dẫn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu như là biện pháp răn đe cuộc xâm lược quân sự của Nga. Tuy nhiên, việc Moscow can thiệp ở những nước như Gruzia và Ukraine chính là do bắt nguồn từ sự bất an của Nga về sự mở rộng các thể chế quân sự và kinh tế của Phương Tây do Mỹ đứng đầu hơn là từ các dấu hiệu suy yếu của Mỹ. “Dù có lực lượng của Mỹ triển khai hay không thì một cuộc tấn công từ Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh đã là không thể. Họ cũng không cho thấy có kế hoạch nghiêm túc nào về việc thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các nước Tây Âu, chứ chưa nói đến tấn công phủ đầu vào đất Mỹ”, Time dẫn lời nhà phân tích quan hệ quốc tế Robert Jervis nói.

Thứ ba, theo tác giả Glaser, các căn cứ quân sự của Mỹ không phải lúc nào cũng ngăn chặn được việc phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi binh sĩ Mỹ đến Hàn Quốc và Nhật Bản có thể thuyết phục được hai nước này không phát triển vũ khí hạt nhân, thì sự bảo vệ này lại càng khiêu khích các hành động phát triển hạt nhân ở đối tượng khác – như Triều Tiên, theo Time.

Thứ tư, căn cứ Mỹ có thể kích thích trạng thái bất mãn đối với người dân địa phương. Ngay cả tại một nước đồng minh Mỹ như Philippines cũng từng có ý kiến tại Thượng viện đả kích căn cứ Mỹ như một di tích thực dân và vi phạm chủ quyền Philippines. Tổng thống Philippines Corazon C. Aquino thì kêu gọi Mỹ rút hết binh sĩ về nước. Tháng 6 năm ngoái ở Nhật Bản, 65.000 người Okinawa biểu tình chống lại sự có mặt của Mỹ tại đây. Sự có mặt các căn cứ của Mỹ ở Saudi Arabia cũng chính là một trong những cái cớ để Al Qaeda trước sự kiện 11/9/2001 đưa ra để tập hợp người Hồi giáo chống Mỹ…

Thứ 5, các căn cứ quân sự Mỹ có thể buộc Mỹ phải ủng hộ các chế độ độc tài tại nơi đặt căn cứ để duy trì sự tồn tại vai trò địa chiến lược quan trọng của các căn cứ. Đơn cử khi phong trào Mùa xuân Arap đến Bahrain, nơi Hạm đội số 5 của Hải quân Mỹ đồn trú, chính quyền địa phương đã trừng phạt mạnh tay những người chống đối ôn hòa và Washington vẫn làm ngơ (thậm chí còn tiếp tục viện trợ thêm vũ khí và tiền bạc) vì cho rằng căn cứ ở đây quan trọng về mặt địa chính trị.

Thứ sáu, tác giả cho rằng Mỹ có nguy cơ vướng vào các cuộc xung đột không cần thiết. Bởi các căn cứ này thường khiến các quan chức kêu gọi Mỹ can thiệp nếu ở đó có xung đột xảy ra. Nếu xung đột xảy ra liên quan tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông chẳng hạn, Mỹ có nghĩa vụ phải can thiệp để thực hiện việc bảo vệ an ninh cho Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hay Philippines. Tuy nhiên, như vậy cũng có nghĩa là đi đến chiến tranh với Trung Quốc và điều này hoàn toàn không phải là lợi ích của Mỹ. Với trường hợp ở Trung Đông, trước khi có thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã từng có nguy cơ Israel sẽ tấn công ngăn chặn đối với cơ sở hạt nhân của Iran. Bởi vì Mỹ cam kết bảo vệ Israel, các căn cứ của Mỹ tại Bahrain sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên nếu Iran trả đũa. Và điều đó cũng sẽ khiến Mỹ thêm lần nữa sa lầy ở khu vực.

Và lí do cuối cùng, theo tác giả, là vì những căn cứ quân sự này đã lỗi thời về mặt kỹ thuật. Tác giả cho rằng nhiều người từng lập luận các căn cứ quân sự nước ngoài sẽ cho phép Mỹ phản ứng nhanh khi xảy ra sự việc. Điều này đúng trên một số khía cạnh. Tuy nhiên, công nghệ quân sự hiện đại đã làm giảm tầm quan trọng của vấn đề thời gian di chuyển đối với những khoảng cách xa xôi. Theo một báo cáo gần đây “các lực lượng bộ binh có thể được triển khai từ Mỹ qua đường hàng không một cách nhanh không kém gì lực lượng được triển khai từ trong khu vực”. Những chiếc máy bay ném bom tầm xa cũng có thể bay tới hơn 9.000 dặm (gần 15.000 km), và có thể được tiếp nhiên liệu trên không, làm giảm nhu cầu có lực lượng đồn trú sẵn ở nước ngoài...

(theo Time)